Nhà thơ Trần Đăng Khoa nói gì khi Hạt gạo làng ta vào đề thi ngữ văn tuyển sinh lớp 10 THPT tỉnh Hải Dương?
LTS: Chiều 2/6, sau khi biết tin bài thơ Hạt gạo làng ta vào đề thi môn ngữ văn tuyển sinh lớp 10 THPT công lập tỉnh Hải Dương năm học 2024-2025 và được phóng viên đề nghị, nhà thơ Trần Đăng Khoa (quê Nam Sách, Hải Dương), Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đã bày tỏ những suy nghĩ về đứa con tinh thần của mình và đề thi của tỉnh. Báo Hải Dương trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Tôi thấy đề thi năm nay vào lớp 10 rất hay. Hay bởi sự phong phú và đa dạng. Có cả thơ và văn xuôi. Lại có phần tự luận. Nội dung yêu cầu cũng không khó, em nào chỉ cần chịu học, năng lực chỉ ở mức trung bình là làm được bài ngay. Nhưng viết được hay cũng không phải đơn giản.
Phần liên quan đến tôi là bài thơ Hạt gạo làng ta. Bài này rất phổ biến, lại thành một bài hát cùng tên do nhạc sĩ Trần Viết Bính phổ, nên rất nhiều em thuộc. Bài thơ nói về nỗi vất vả của người nông dân làm ra hạt gạo, trong những năm khó khăn nhất của đất nước. Tôi cũng đã nói kỹ về bài thơ này trong chương trình dài hơn 60 phút của nhà báo Phan Đăng trên mạng xã hội. Đấy là tất cả những gì về Hạt gạo làng ta, cả những chuyện ở xung quanh bài thơ này. Đề thi chỉ khép lại trong những yêu cầu rất nhỏ và cụ thể khuôn trong hai đoạn trích: Xác định thể thơ: Đó là thơ 4 chữ một đoạn, mỗi đoạn 4 câu. Cũng có đoạn dài hơn 4 câu do nội dung cần nới rộng ra.
Yêu cầu thứ hai là tìm những hình ảnh, từ ngữ có trong bài thì cũng dễ, vì tác giả đã gợi ý khá nhiều trong hai đoạn trích: từ phù sa sông Kinh Thày, hương sen thơm trong hồ nước, đến lời mẹ hát, như vậy là có cả hiện thực và tinh thần. Về điều kiện thiên nhiên thì bão tháng bảy, là tháng thường có những trận bão lớn, mưa tháng ba báo hiệu mùa hè đã bắt đầu đến rồi, có những trạng thái cực đoan là sấm chớp, nhất là sét, dễ gây tai nạn cho người làm đồng… Rồi nắng tháng sáu là cái nắng dữ dội đến mức nước ruộng nóng bỏng, cá chết, kể cả loại cá chịu được nóng, còn cua có càng thì ngoi được lên bờ… trong khi người lao động phải bước xuống ruộng cấy lúa… Do đó làm ra hạt gạo, người nông dân vất vả vô cùng. Cho nên ca dao ta mới có câu về hạt gạo nấu cơm: “Dẻo thơm một hạt (mà) đắng cay (đến) muôn phần” là vì thế.
Yêu cầu thứ ba cũng rất đơn giản: tác dụng của các điệp từ. Ví dụ: Rất nhiều chữ Có. Có (vị phù sa), Có (bão tháng bảy), Có (mưa tháng ba)… Cách dùng các điệp từ như thế nhằm nhấn mạnh công lao của người nông dân, nhiều lần, ở nhiều việc, trong nhiều hoàn cảnh, ở nhiều thời gian… nhắc chúng ta phải biết trân trọng người lao động và càng phải biết quý hạt gạo, không phải ngẫu nhiên mà tác giả gọi nó là HẠT VÀNG.
Và như thế, đề thi có sự phổ quát khá rộng, bảo đảm đáp ứng cho học sinh trung bình, nhưng vẫn có phần gợi mở cho những học sinh khá và giỏi. Đề như thế là hay!