Điều gì đang thực sự xảy ra trong nền kinh tế Mỹ?
Bất chấp thị trường lao động khởi sắc, hiện tại vẫn có những dấu hiệu cảnh báo về nền kinh tế Mỹ.
Nền kinh tế Mỹ hiện đang có những "rung chấn" kỳ lạ. Có hàng triệu cơ hội việc làm và tỷ lệ thất nghiệp thấp. Trên thực tế, nó chưa từng ở mức thấp như vậy trong một khoảng thời gian dài trong nhiều thập kỷ. Thông thường, thời kỳ tỷ lệ thất nghiệp thấp thường gắn liền với tỷ lệ thịnh vượng kinh tế cao hơn.
Nhưng hiện tại có rất nhiều dấu hiệu nguy hiểm - chẳng hạn như một bộ phận lớn người dân và ngày càng tăng, đặc biệt là Thế hệ Z, gánh khoản nợ thẻ tín dụng cao đến mức những người cho vay đã ngừng cho họ vay thêm tiền. Gregory Daco, nhà kinh tế trưởng tại EY nói: “Nền kinh tế Mỹ có vẻ mạnh mẽ nhưng vẫn có nhiều mối lo ngại".
Trong khi tình trạng của nền kinh tế Mỹ được các nhà kinh tế đánh giá một cách thận trọng, thì các ứng cử viên tổng thống lại nhìn nhận nó theo những khía cạnh chia rẽ hơn. Ví dụ, Tổng thống Joe Biden nói với cử tri rằng nền kinh tế Mỹ đang bùng nổ và hiếm khi tốt như vậy - mặc dù, như ông thường nói, vẫn còn nhiều việc phải làm.
Ngược lại, theo quan điểm của cựu Tổng thống Donald Trump, “nền kinh tế Mỹ đang suy thoái” và hoàn toàn hỗn loạn (ông Trump nói tại một cuộc vận động tranh cử gần đây ở Wisconsin). Dưới đây là những gì nền kinh tế Mỹ đang thực sự xảy ra:
Về mặt tích cực: Hiện tại, có 8,5 triệu cơ hội việc làm. Con số này vượt quá số lượng cơ hội việc làm trước đại dịch là 1,5 triệu. Trong khi đó, có 6,5 triệu người thất nghiệp. Điều đó có nghĩa là có nhiều hơn một công việc cho mỗi người tìm việc. Trong thập kỷ trước đại dịch, tỷ lệ đó trung bình là 0,6, cho thấy có nhiều người tìm việc hơn số lượng cơ hội việc làm.
Theo dữ liệu của Cục Thống kê Lao động Mỹ, thu nhập trung bình mỗi giờ của người Mỹ cao hơn 22% so với trước đại dịch. Mặc dù mức tăng lương đang chậm lại nhưng chúng đang tăng với tốc độ nhanh hơn giá cả.
Đó là tin tốt cho người tiêu dùng vì điều đó có nghĩa là thu nhập của họ ngày càng tăng lên.
Về mặt tiêu cực: Mặc dù lạm phát đã hạ nhiệt đáng kể so với mức đỉnh điểm vào mùa hè năm 2022, nhưng tiến trình tiếp theo hướng tới mục tiêu 2% của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có vẻ như sẽ là một quá trình lâu dài.
Điều này đã khiến nhiều quan chức Fed ngạc nhiên, bao gồm cả Thống đốc Christopher Waller, người cho rằng nền kinh tế hiện đang ở vị thế tốt để cắt giảm lãi suất. “Tuy nhiên, ba tháng đầu năm 2024 đã 'dội một gáo nước lạnh' vào triển vọng đó, vì dữ liệu về cả lạm phát và hoạt động kinh tế đều nóng hơn nhiều so với dự đoán”, ông Waller cho biết trong bài phát biểu tuần trước.
Tuy nhiên, ông Waller thông báo dữ liệu Chỉ số giá tiêu dùng tháng 4 cho thấy mức lạm phát giảm nhẹ là “đáng hoan nghênh”. Ông nói thêm: “Nếu tôi vẫn là một giáo sư và phải chấm điểm cho báo cáo lạm phát này, thì đó sẽ là điểm C+ - còn lâu mới thất bại nhưng cũng không phải là xuất sắc”.
Trong khi đó, người tiêu dùng tin rằng lạm phát sẽ tăng cao hơn trong năm tới, theo hai cuộc khảo sát mà các quan chức Fed theo dõi chặt chẽ. Vì kỳ vọng lạm phát có thể kiểm soát hiệu quả tốc độ tăng giá nên các doanh nghiệp sẽ tính đến những kỳ vọng đó khi định giá hàng hóa và dịch vụ. Điều đó có thể dẫn đến giá cao hơn.
Tuy nhiên, số liệu ban đầu về chi tiêu bán lẻ trong tháng 4 yếu hơn nhiều so với dự kiến do người tiêu dùng hạn chế chi tiêu. Điều đó tốt ở chỗ nó không thúc đẩy các nhà bán lẻ chuyển mức giá cao hơn cho người tiêu dùng nếu họ không sẵn sàng chấp nhận chúng, điều đã từng xảy ra trước đây. Nhưng do chi tiêu của người tiêu dùng là một trong những động lực lớn nhất của nền kinh tế, nên sự suy giảm cũng có thể gây ra những tác động tiêu cực.
David Alcaly, chiến lược gia kinh tế vĩ mô hàng đầu tại Lazard, nói với CNN: “Chắc chắn cần phải theo dõi", trong khi chuyên gia kinh tế Daco cho biết ông coi báo cáo doanh số bán lẻ là một dấu hiệu cho thấy người tiêu dùng “thận trọng hơn một chút" và nếu chi tiêu bắt đầu giảm mạnh, điều đó có thể tác động tiêu cực đến nền kinh tế Mỹ.
Vấn đề đáng báo động lớn nhất trong nền kinh tế Mỹ hiện nay là mức nợ mà mọi người đang gánh chồng chất. Một lý do khiến chi tiêu của người tiêu dùng được duy trì rất tốt khi đối mặt với lạm phát cao hơn kết hợp với lãi suất cao nhất trong hơn hai thập kỷ là người tiêu dùng không nhất thiết phải chi tiêu trong khả năng của họ.
Số tiền tiết kiệm mà nhiều người tích lũy được trong thời kỳ đại dịch gần như đã bốc hơi, dẫn đến ngày càng nhiều giao dịch mua hàng bằng thẻ tín dụng không được hoàn trả đúng hạn.
Điều đó, kết hợp với thị trường lao động đang dần hạ nhiệt - đang làm giảm đòn bẩy của người lao động - đang khiến một số hộ gia đình mắc nợ nhiều hơn và rơi vào tình trạng nợ quá hạn nghiêm trọng, nghĩa là trả chậm hơn 90 ngày.
Dữ liệu gần đây của Fed tại New York cho thấy tỷ lệ số dư thẻ tín dụng bị quá hạn nghiêm trọng đã tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2012.
“Mức nợ tiêu dùng và tỷ lệ nợ quá hạn ngày càng tăng, nếu tiếp tục, không chỉ là vấn đề của từng cá nhân; chúng có thể có những tác động kinh tế vĩ mô đòi hỏi sự quan tâm từ các nhà hoạch định chính sách kinh tế. Khi thu nhập dồn vào việc trả nợ nhiều hơn, người tiêu dùng sẽ có ít thu nhập khả dụng hơn cho các giao dịch mua bán khác”, Sung Won Sohn, Giáo sư kinh tế và tài chính của Đại học Loyola Marymount, đồng thời là nhà kinh tế trưởng của SS Economics, đã viết trong một ghi chú gần đây.
Ông Sohn kết luận: Tỷ lệ nợ quá hạn gia tăng có thể sẽ buộc các ngân hàng và những người cho vay khác phải cho vay ít tiền hơn đối với những người đi vay được coi là rủi ro hơn hoặc khiến người cho vay tính lãi suất cao hơn. Cuối cùng, những tác động kết hợp này “có thể góp phần gây ra tình trạng suy thoái kinh tế trên diện rộng".