Nông nghiệp - Nông thôn

Những làng quê từ điểm đen về ô nhiễm môi trường thành nơi đáng sống ở Hải Dương

LONG HIỀN 04/06/2024 11:01

Tiêu chí môi trường đang được các địa phương tích cực thực hiện đã góp phần làm thay đổi diện mạo làng quê Hải Dương, ngày càng có thêm nhiều miền quê đáng sống.

z5494177147329_4fe69a5c5baa79414e561dfa3a924fb2.jpg
Những tuyến đường hoa ngày càng được nhân rộng tại nhiều vùng quê của Hải Dương

Làng quê xanh

Tân Hồng là xã nông thôn mới kiểu mẫu đầu tiên của huyện Bình Giang. Đường trục chính dẫn vào xã thẳng tắp, hai bên là đường hoa, cây cảnh, cánh đồng lúa chín vàng tạo nên khung cảnh làng quê thơ mộng. 100% đường ngõ, xóm ở đây đã được cứng hoá, bảo đảm sáng – xanh – sạch – đẹp. Rác thải được thu gom và xử lý theo đúng quy định. Các bãi rác tập trung được phủ xanh, không phát sinh mùi. Các thôn xây dựng được 6 km đường hoa. Việc chăm sóc đường hoa, cây cảnh do những người yêu thích cây cảnh tự nguyện đứng ra thực hiện. Nhìn cảnh quan môi trường như hiện nay, ít ai biết Tân Hồng từng là “điểm nóng” về vấn đề môi trường.

Những năm trước, một số doanh nghiệp nhỏ ở cụm công nghiệp đóng trên địa bàn xã thường xuyên xả thải gây ô nhiễm môi trường. Nước thải chưa qua xử lý đổ trực tiếp xuống các kênh mương thuỷ lợi ảnh hưởng tới sản xuất và đời sống của người dân. Dưới sự vào cuộc quyết liệt của Huyện ủy, UBND huyện Bình Giang, tình trạng xả thải trộm của các doanh nghiệp đã chấm dứt. Người dân tích cực giám sát, chủ động phát hiện dấu hiệu vi phạm để báo cáo cơ quan chuyên môn kịp thời ngăn chặn.

z5494178709620_91b958b88893ad3ca9165930dcba8dd3.jpg
Chi hội Phụ nữ thôn Mộ Trạch (Bình Giang) chăm sóc những tuyến đường hoa, bảo đảm cảnh quan thôn, xóm

Bà Nhữ Thị Đua, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Mộ Trạch chia sẻ: “Chị em trong thôn phụ trách chăm sóc một số tuyến đường hoa, còn lại do người dân tự chăm sóc. Một trong những điều tự hào của người dân chúng tôi chính là diện mạo nông thôn, từ giao thông đến cảnh quan môi trường ngày càng xanh, sạch và đẹp”.

Không có cụm công nghiệp đóng trên địa bàn nhưng ở xã Cổ Dũng (Kim Thành) môi trường cũng từng là vấn đề nhức nhối vì chăn nuôi nhỏ lẻ. Giờ đây, phát triển chăn nuôi trên địa bàn xã đã vào quy củ. Khu vực chăn nuôi được bố trí cách xa khu dân cư. Toàn bộ các thôn, xóm không còn tình trạng chăn nuôi nhỏ lẻ trong khu dân cư. Các kênh mương từng ô nhiễm do chất thải, nước thải chăn nuôi đã được "hồi sinh".

z5494187329588_37734e9b4d0fcee06d79ee6e9abf08f1.jpg
Các kênh mương ở xã Cổ Dũng không còn tình trạng ô nhiễm do chất thải chăn nuôi

Để duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí môi trường, ngoài ký hợp đồng với công ty môi trường thu gom rác thải sinh hoạt của các gia đình trong thôn vận chuyển ra khỏi địa bàn, phong trào dọn vệ sinh trong khu dân cư được tổ chức định kỳ. Các gia đình tham gia quét dọn vệ sinh đường làng, ngõ xóm hằng ngày. Các tổ chức đoàn thể đồng loạt ra quân dọn vệ sinh đường làng, ngõ xóm vào ngày thứ 7 hoặc chủ nhật hàng tuần. Đặc biệt, nhiều nơi người dân đã thực hiện các công việc cải tạo kênh mương, cống rãnh, ao hồ, trồng hoa, cải tạo cảnh quan môi trường... một cách tự nguyện, tự giác với tinh thần trách nhiệm cao. Những “cánh đồng không rác thải”, những bể thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật đã giúp người dân nâng cao ý thức giữ gìn môi trường nông thôn, nâng cao chất lượng cuộc sống, bảo vệ môi trường.

Nỗ lực chuyển mình

z5494569909408_14baa054d82d1c6fa8d7d682c121e20d.jpg
Mô hình phân loại rác tại nguồn được chị em phụ nữ xã Cẩm Văn thực hiện bài bản và đi vào nền nếp

Nhiều năm về trước, không ít vùng quê ở Hải Dương từng trở thành những “điểm đen” về môi trường. Nhưng từ khi phong trào xây dựng nông thôn mới được triển khai, nông thôn Hải Dương đã thay đổi. Xác định tiêu chí môi trường sẽ góp phần làm thay đổi bộ mặt làng quê, tạo mỹ quan nông thôn xanh - sạch- đẹp, vì vậy các xã xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu càng quan tâm, coi trọng việc bảo vệ và nâng cao chất lượng môi trường.

Ông Trần Thế Tuyền, Chủ tịch UBND xã Cẩm Văn (Cẩm Giàng) chia sẻ, thôn Văn Thai từng là nơi báo động do ô nhiễm môi trường từ nghề giết mổ trâu bò nay đã thay đổi hoàn toàn. Người dân sử dụng chế phẩm sinh học cải tạo ao hồ, nông dân thực hiện quy trình chăn nuôi sạch, phụ nữ xây dựng mô hình “ngôi nhà xanh”, phân loại rác thải tại nguồn... Những "công viên" làng, đường hoa kiểu mẫu đang đưa Cẩm Văn trở thành một trong nhiều miền quê đáng sống ở Hải Dương.

Ông Nguyễn Hữu Đáng, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn, Phó Chánh Văn phòng điều phối xây dựng nông thôn mới tỉnh Hải Dương khẳng định: “Giờ đây, bộ mặt nông thôn Hải Dương ngày càng khang trang từng bước đáp ứng nhu cầu nhu cầu sinh hoạt và sản xuất của người dân. Đặc biệt, tiêu chí môi trường không những được duy trì, nâng cao, mà còn góp phần làm cho cảnh quan môi trường nông thôn ngày càng khởi sắc, trở thành những miền quê đáng sống”.

Các đường trục xã, liên xã, trục thôn, liên thôn, xóm… được đầu tư, xây dựng đồng bộ. Hầu hết các tuyến đường trục xã, liên xã, liên thôn và đường trung tâm xã tới đường huyện đã được nhựa hóa, có biển báo, biển chỉ dẫn, gờ giảm tốc, dựng lan can an toàn, trồng cây xanh hè đường. Đường ngõ, xóm được cứng hóa, bảo đảm sáng, xanh, sạch, đẹp; đường trục chính nội đồng được nhựa hóa, bê tông hóa, hệ thống mương chính được kiên cố.

Tỷ lệ dân số nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh duy trì đạt 100%. 12/12 huyện, thành phố, thị xã bố trí bể chứa vỏ thuốc bảo vệ thực vật và đã có các chỉ đạo về việc thu gom vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật. Tỷ lệ chất thải nguy hại được xử lý đạt 99,8%. Tỷ lệ chất thải y tế được xử lý đạt 100%.

Tất cả các nghĩa trang đều được quy hoạch và xây dựng theo quy hoạch. Việc phân loại, thu gom, vận chuyển chất thải rắn trên địa bàn bảo đảm theo quy định, các mô hình phân loại chất thải tại nguồn được nhân rộng. Có thể khẳng định, tiêu chí môi trường đang có những tác động tích cực đến diện mạo nông thôn Hải Dương.

LONG HIỀN