Sợ trách nhiệm vì năng lực kém
Trong điều kiện như nhau mà một nơi năng động, phát triển hay tạo ra được cơ hội mới, nơi lại trì trệ thì rõ ràng năng lực của tổ chức lãnh đạo, đại diện là người đứng đầu bên trì trệ kém.
Trong những năm gần đây, một trong những công việc quan trọng của các đơn vị sự nghiệp là tham gia thiết kế định mức kinh tế kỹ thuật. Định mức tạo cơ sở để cơ quan chủ quản đặt hàng. Đây là yêu cầu để các đơn vị sự nghiệp hoạt động đúng quy định, được tạo điều kiện để phát triển lành mạnh. Vậy nhưng nhiều đơn vị kêu khó không làm, trong khi vẫn có lác đác đơn vị làm được. Đây chỉ là một ví dụ về trên nền cơ chế, chính sách chung của Đảng, Nhà nước vẫn có những đơn vị ra được sản phẩm cụ thể trong khi nhiều đơn vị thì không. Nhìn rộng ra cũng trên nền chính sách chung, điều kiện tự nhiên tương đồng, một số địa phương tạo ra sự bứt phá phát triển, trong khi đa số thì không. Sự khác biệt này thể hiện tinh thần trách nhiệm và năng lực của đội ngũ lãnh đạo, quản lý, nhất là vai trò của người đứng đầu các đơn vị, địa phương.
Lại có một số đơn vị xử lý những công việc của mình rất rốt ráo, suôn sẻ, cơ quan ổn định, phát triển, đời sống người lao động tốt lên. Nhưng khi phải phối hợp với các đơn vị khác để giải quyết công việc chung thì lại không nhịp nhàng bởi tư duy, phương pháp, tốc độ giải quyết công việc khác nhau. Bên thì rốt ráo, làm đến nơi đến chốn, bên thì chểnh mảng, sợ trách nhiệm, làm gì cũng phải dò la ý tứ của người nọ bên kia.
Tình trạng xin ý kiến cũng rất đáng bàn. Ở một số đơn vị công việc suôn sẻ, cán bộ làm đúng chức trách, không phải xin ý kiến công việc trong thẩm quyền giải quyết. Nhưng lại có những cán bộ, cơ quan, đơn vị rất hay xin ý kiến. Làm cái gì cũng xin ý kiến lãnh đạo, xin ý kiến các ngành trong khi có những việc không phải xin ý kiến vì nó thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của cá nhân hay tổ chức đó. Đó chắc hẳn là “căn bệnh” sợ trách nhiệm.
Sợ trách nhiệm còn dẫn đến né tránh công việc, "chuyền bóng" cho người khác...
Căn bệnh sợ trách nhiệm được nêu ra tại kỳ họp Quốc hội đang diễn ra với tầm mức “dịch bệnh”. Theo đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận), một trong hai nguyên nhân căn bản của căn bệnh sợ trách nhiệm là năng lực cán bộ hạn chế, nói nôm na là do dốt nên không biết quyết thế nào cho phải.
Cách đây khoảng 1 năm tình trạng sợ trách nhiệm, sợ sai ở Hải Dương cũng khá trầm trọng. Nhiều việc tồn đọng, trì trệ. Nó được đưa ra mổ xẻ tại nhiều cuộc họp, diễn đàn, công luận… Nhưng từ sự gương mẫu, cương quyết, chỉ đạo rốt ráo của người đứng đầu, lại được sự hưởng ứng của nhiều cấp, nhiều ngành nên đã tạo ra chuyển biến, thể hiện ở những kết quả cụ thể. Gần đây nhất, khi công bố chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2023, Hải Dương đã tăng 15 bậc so với năm trước, đứng thứ 17 trong cả nước.
Tuy nhiên, thẳng thắn nhìn nhận, tình trạng sợ sai, sợ trách nhiệm vẫn còn ở một bộ phận cán bộ, đảng viên và cán bộ chủ chốt. Đây cũng là điều cần quan tâm khắc phục trong thời gian tới.
Sợ sai, sợ trách nhiệm không chỉ do nguyên nhân chủ quan của cán bộ năng lực kém mà tất nhiên còn có nguyên nhân khách quan không thể phủ nhận. Đó là nhiều văn bản quy phạm pháp luật chồng chéo; nhiều quy định không khả thi, lạc hậu, tạo rủi ro cho người thực thi, cho doanh nghiệp; thủ tục phức tạp, chồng chéo dẫn đến kéo dài thời gian chuẩn bị đầu tư... Những vấn đề này từ Trung ương đến địa phương đã nhận ra, dư luận kỳ vọng sẽ được khắc phục nhanh trong thời gian tới để thúc đẩy sự phát triển của đất nước, quê hương, đem lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân.