Về xã Lê Lợi (Chí Linh) nghe hát văn
Dù khó hát, không dễ thuộc lời, kén chọn đất diễn, người nghe... song hát văn vẫn được người dân xã Lê Lợi, TP Chí Linh (Hải Dương) học hỏi, giữ gìn, phát triển và trở thành “nghề” gắn bó với nhiều cung văn.
Được truyền về làng
Hát văn không phải là loại hình nghệ thuật truyền thống của xã Lê Lợi mà được hình thành dựa trên nhu cầu đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân. Ông Nguyễn Đăng Nội (72 tuổi) ở thôn An Lĩnh dù tuổi đã cao, sức khỏe giảm sút, giọng hát không còn ngân nga, trong trẻo như trước đây nhưng ông vẫn gắn bó, trăn trở với hát văn.
Theo lời kể của ông Nội, hát văn là nghề “cha truyền con nối” của gia đình ông. “Quê gốc của tôi ở xã Nam Hưng, huyện Nam Sách, khi bố tôi lấy mẹ mới về xã Lê Lợi sinh sống. Ông cũng mang theo nghệ thuật hát văn về đây. Tôi hay theo bố đi biểu diễn ở các đền trên địa bàn Chí Linh nên những câu hát văn ngấm vào người khi nào không hay”, ông Nội nói.
Cơ duyên để ông Nội trở thành cung văn là vào khoảng năm 1977, sau khi xuất ngũ về, có người bạn rủ đi hát ở Hà Nội nên ông đi theo. Rồi thấy hát văn vừa thỏa mãn được đam mê, sở thích ca hát lại có thêm thu nhập nên ông gắn bó với nghề này.
Cùng với thế hệ của ông Nội, còn một số người ở xã Lê Lợi cũng biết hát văn. Theo lời kể của một số cung văn ở đây, một trong những người có công lan truyền hát văn là ông Phạm Văn Trạnh (đã mất).
Nhà ông Trạnh ở gần đền Sinh - đền Hóa, vào dịp lễ hội hay đầu năm thường diễn ra các hoạt động tâm linh, trong đó hát văn là phần không thể thiếu. Những âm thanh du dương, không gian mang màu sắc tâm linh đó đã thu hút ông Trạnh đến với hát văn. Tuy nhiên, khi đó, do không có thầy dạy nên ông Trạnh mày mò tự học qua các giá hầu hoặc vào dịp lễ hội. Sau khi thành nghề, ông đã truyền dạy cho nhiều thế hệ học trò ở địa phương cũng như những nơi khác về hát văn.
Giữ gìn và phát triển
Dù được truyền về đất Lê Lợi bằng cách nào đi chăng nữa thì không thể phủ nhận được hát văn đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa với người dân nơi đây.
Là học trò của ông Phạm Văn Trạnh, anh Trần Nhật Quang năm nay 49 tuổi nhưng đã có hơn 30 năm gắn bó với hát văn. Anh Quang kể, khi còn bé, anh thường xuyên theo mẹ lên khu vực đền Sinh - đền Hóa bán hàng và được thấm từng câu hát văn từ trong đền vọng ra. Sau nhiều ngày trăn trở, anh đã đến học ở nhà ông Trạnh. Kiến thức ông Trạnh truyền đã giúp anh Quang thêm hiểu biết và ngày càng đam mê môn nghệ thuật này.
Theo anh Quang, chỉ cần học từ 6 tháng đến 1 năm là có thể hát được nhưng để thành thạo, am hiểu các làn điệu thì phải mất đến vài năm. Sau khi học được nghề, cung văn phải thường xuyên luyện tập thì mới đạt được độ “chín”. “Dù đã gắn bó với nghề hơn nửa đời người nhưng có những làn điệu, tôi phải mất đến hơn chục năm mới thành thục và tự tin biểu diễn. So với những loại hình hát khác, hát văn rất khó, phải tròn vành, rõ chữ, luyến láy nhịp nhàng, uyển chuyển và người hát phải cầm trịch được canh hát”, anh Quang cho biết.
Còn ông Nguyễn Đăng Nội đã truyền dạy hát văn cho nhiều học trò, trong đó có những người ở tỉnh ngoài. Với ông Nội, cái khó của hát văn chính là trong lời hát có cả từ Hán Việt và thuần Việt. Khi dạy học trò, ông phải giải nghĩa từng từ để thấy được ý nghĩa của từng câu hát. “Tôi yêu cầu học trò phải hiểu được nghĩa thuần Việt, thuộc được bài hát bằng chữ Hán Việt, có như vậy mới thể hiện được tình cảm trong từng câu hát”, ông Nội nói.
Theo thống kê của UBND xã Lê Lợi, địa phương hiện có khoảng 35 cung văn, biểu diễn ở nhiều tỉnh, thành phố. “Để giữ gìn và phát triển hát văn, UBND xã đã có kế hoạch thành lập câu lạc bộ thu hút những người yêu thích tham gia”, Phó Chủ tịch UBND xã Lê Lợi Nguyễn Hữu Quang cho biết.
Điều băn khoăn lớn nhất của ông Nội và anh Quang hiện nay là hát văn đã bị pha tạp, nhiều người không giữ nguyên được những làn điệu văn cổ như trước đây hay có những người học thời gian ngắn đã nhanh chóng ra làm nghề nên còn non nớt, hát chưa đúng nhịp điệu...