Nông nghiệp - Nông thôn

Kinh nghiệm từ những vườn vải bội thu ở Thanh Hà

MINH NGUYÊN 01/06/2024 14:45

Bên cạnh những cánh đồng vải bát ngát màu xanh không cho thu hoạch thì ở Thanh Hà (Hải Dương) năm nay có rất nhiều vườn lại sai trĩu quả, nông dân thu nhập khá.

img_1788.jpg
Gia đình chị Nguyễn Thị Liên thu được rất nhiều vải trong khi những nhà xung quanh mất mùa

Chăm sóc kỹ lưỡng

Vùng vải Thanh Hà năm nay im ắng khác hẳn mọi năm. Đa số các vườn cây không cho quả đã ra lộc. Phải đi rất lâu chúng tôi mới tới được vườn của gia đình chị Nguyễn Thị Liên ở thôn Thanh Lanh, xã Thanh Quang. Hiếm có vườn vải nào mà đông người thu hái như ở đây. Vườn vải u hồng sai trĩu, quả đỏ mọng. Tại một gốc cây đang có 5 người thu hoạch, bó vải, cân vải. “So với nhiều vườn vải khác thì vườn nhà tôi năm nay được mùa. Ngoài may mắn cũng có nhiều yếu tố khác”’, chị Liên nói. Vườn vải hơn 2 mẫu của gia đình chị Liên năm nay vẫn đạt khoảng 7 tấn quả.

Ở Thanh Hà, năm nay nhà nào thu được 2-3 tấn vải đã là nhiều. Gia đình ông Vũ Đắc Rèn ở thôn Vĩnh Xá, xã Thanh Cường thu được khoảng 2,5 tấn vải sớm, giảm khoảng 50% so với năm ngoái nhưng giá bán cao. Riêng vải u trứng trắng, gia đình ông thu 1 tấn quả, giá bán bình quân 80.000 đồng/kg, tăng 20.000 đồng/kg so với cùng thời điểm năm ngoái. Ngoài ra, vải u hồng và tàu lai bán 35.000 đồng/kg, thị trường tiêu thụ nhanh, cho lãi hơn 100 triệu đồng.

Theo chị Nguyễn Thị Liên thì đặc tính của vải là cây “cách nhật”, ý nói là năm được năm mất. Muốn vải năm nào cũng ra quả đều đòi hỏi người trồng phải chăm sóc thật kỹ lưỡng. Vườn vải của gia đình chị Liên có hàng trăm gốc, nhưng cây vải không quá cao. Ngay sau khi thu hoạch, gia đình chị cắt tỉa cành thấp ngang tầm với, gốc cây dù lâu năm nhưng nhìn không già cỗi. Cây thấp cũng giúp việc thu hoạch và chăm bón dễ dàng, đều đặn hơn. Những thời điểm quan trọng của cây vải như vào lộc đông, nhú hoa, bung hoa, chị đều quan sát rất kỹ để chăm cây phù hợp. Chị đã tìm hiểu rất nhiều thông tin từ internet, áp dụng theo hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn, học hỏi kinh nghiệm để chăm bón cây kỹ lưỡng. Năm nay, hầu hết diện tích vải của gia đình chị đều cho quả, dù không nhiều như mọi năm.

“Thời tiết ngày càng cực đoan, rất dễ hỏng ăn. Vì thế, thời điểm vải ra lộc, gia đình tôi không cho ra đợt lộc thứ 2”, ông Vũ Đắc Rèn cho biết. Sau khi thu hoạch, ông Rèn cắt cành, chăm bón để tháng 6 âm lịch ra đợt lộc đầu tiên. Tính toán cho đủ để tháng 8 cây ra đợt lộc thứ 2, không cho ra đợt lộc thứ 3. Tháng 9 khoanh nhẹ thân cây. Đến tháng 10 nếu thời tiết ấm, lá vải bánh tẻ thì khoanh 1 lần nữa để khống chế lộc. Vì thế, không năm nào gia đình ông mất mùa hoàn toàn.

img_1803.jpg
Nhiều gia đình thu lãi cao từ vải sớm

Mất mùa, được giá

“Mất mùa được giá” là nhận định đúng cho mùa vải này. Năm nay, huyện Thanh Hà thu khoảng 22.000 tấn vải, chủ yếu vải sớm, giảm khoảng 50% so với năm 2023. Vì vải ít nên giá cao, ổn định. Các trà vải lần lượt được thu hoạch, giá bản vải u trứng trắng 120.000 đồng/kg, sau đó đến vải u gai 50.000 đồng/kg, tàu lai 40.000 đồng/kg, u hồng 35.000 đồng/kg. Giá các loại vải đều cao hơn so với cùng thời điểm năm ngoái từ 10.000-15.000 đồng/kg, giữ mức ổn định kéo dài trong mùa thu hoạch. Ông Nguyễn Văn Phương ở thôn Thanh Lanh, xã Thanh Quang cho biết giá cao nên nhà ai có vải cũng đều phấn khởi, bõ công chăm sóc.

Với kinh nghiệm làm vườn, chăm sóc vải, nhiều nông dân Thanh Hà đã thu lãi cao từ vải. Sau thu hoạch, chủ vườn cắt tỉa cành tạo tán, phòng trừ sâu bệnh, bảo vệ đợt lộc đầu tiên. Đây cũng là đợt lộc có ý nghĩa quyết định đến năng suất và chất lượng vải vụ sau. Các hộ cũng tích cực dọn vườn, hạn chế sâu bệnh phát triển, tăng cường bón phân cho cây để bù đắp lượng dinh dưỡng đã mất khi cho thu hoạch, tạo điều kiện cho cây sinh trường tốt, có đủ sức chống chịu với thời tiết cực đoan.

img_1800.jpg
Thu hoạch đến đâu người dân cắt tỉa, dọn vườn đến đó để chuẩn bị cho mùa sau

Đến ngày 29/5, toàn huyện Thanh Hà đã thu hoạch khoảng 13.000 tấn vải, đạt hơn 55% tổng sản lượng vải năm 2024. Các trà vải đã thu hoạch gồm: u trứng trắng, u gai. Nông dân đang tập trung thu hoạch vải tàu lai và u hồng.

Ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch UBND xã Thanh Quang, nơi có nhiều vải sớm nhất huyện Thanh Hà cho biết năm nay, số hộ thu lãi 100 triệu đồng trở lên từ vải không nhiều.

MINH NGUYÊN