Trường nghề ở Hải Dương khó tuyển giáo viên
Tuyển dụng và giữ giáo viên dạy nghề đang là bài toán khó đối với nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp của Hải Dương.
Thu nhập thấp
Trường Cao đẳng Du lịch và Công thương ở Cẩm Giàng đang thiếu khoảng 10 giáo viên, trong đó có nhiều ngành nghề quan trọng như công nghệ ô tô, điện công nghiệp… Mặc dù nhà trường đã trao đổi, hợp tác với các trường đại học chuyên ngành kỹ thuật trong cả nước mời sinh viên tốt nghiệp về giảng dạy những vẫn rất khó. Nhiều trường có cơ chế tuyển dụng sinh viên sau khi tốt nghiệp nhưng cũng không tuyển được.
Ông Vũ Xuân Kiên, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết nguyên nhân chính do thu nhập của giáo viên dạy nghề thấp. “Sinh viên tốt nghiệp ngành công nghệ ô tô của trường vào làm tại các doanh nghiệp có thể nhận mức lương từ 9-10 triệu đồng/tháng. Với mức lương chênh lệch như vậy thì rất khó có thể mời gọi các em ở lại làm giảng viên”, ông Kiên ví dụ.
Anh Phạm Văn Chất ở xã Đồng Quang (Gia Lộc) từng học Khoa Sư phạm kỹ thuật của Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội cho biết ban đầu anh định ra trường sẽ xin vào dạy ở một trường nghề nhưng khi tìm hiểu thấy thu nhập thấp nên anh “rẽ ngang” về làm kỹ sư cho một công ty của Nhật Bản ngay ở khu công nghiệp Đại An. “Với mức thu nhập dưới 10 triệu đồng thì nhiều người không muốn làm giáo viên trường nghề trong khi doanh nghiệp luôn trải thảm đỏ đón những kỹ sư có trình độ, tay nghề”, anh Chất nói.
Tạo nguồn từ chính những sinh viên, học sinh của trường là cách nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp của Hải Dương đã thực hiện song kết quả cũng không khả quan.
Theo ông Nguyễn Minh Vỹ, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Giao thông vận tải đường thủy I ở phường Nam Đồng (TP Hải Dương) đào tạo nguồn giáo viên nghề tại chỗ có nhiều ưu điểm. Các em đã quen với môi trường giáo dục nghề nghiệp; thành thạo kỹ năng từng học ở trường. “Thế nhưng đa phần học viên xuất sắc, thạo nghề đều từ chối khi nhà trường mời ở lại làm giáo viên”, ông Vỹ chia sẻ.
Hải Dương hiện có 33 cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp đang loay hoay với bài toán tuyển dụng và giữ chân giáo viên. Thậm chí nhiều giảng viên, giáo viên dạy nghề có kinh nghiệm lâu năm cũng bỏ nghề vì thu nhập thấp.
Cần chính sách tốt hơn
Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đang lấy ý kiến đóng góp về Đề án “Xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2024-2035”. Đề án đặt mục tiêu thu hút 120.000 nghệ nhân, chuyên gia, người lao động giỏi, người dạy nghề tham gia giáo dục nghề nghiệp. Mục tiêu đã rõ nhưng để thu hút được nhà giáo cho các trường nghề không dễ.
Theo ông Vũ Trung Hiếu, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề, Hải Dương đang quyết liệt triển khai Đề án “Phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu sản xuất, kinh doanh, góp phần xây dựng Hải Dương trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại vào năm 2030” thì việc bảo đảm và nâng cao chất lượng giáo viên cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp rất quan trọng.
Để thu hút giáo viên cho các trường nghề Nhà nước cần có chính sách tốt hơn. Ngoài bảo đảm thu nhập, giáo viên trường nghề còn cần được tạo điều kiện đi học nâng cao trình độ, tay nghề. Các trường nghề có thể đẩy mạnh hợp tác quốc tế để giáo viên bắt kịp với kiến thức và kỹ năng giảng dạy ở cấp khu vực và quốc tế.
Thông tư 07/2023/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động , Thương binh và Xã hội chính thức có hiệu lực cách đây 8 tháng. Thông tư quy định về mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, xếp lương, điều kiện thi hoặc xét thăng hạng chức danh viên chức thuộc lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp. Theo quy định này, mức lương của giáo viên trường nghề cao nhất có thể lên đến hơn 14 triệu đồng/tháng.
“Tuy nhiên, không phải giáo viên nào cũng được hưởng mức lương này. Những giáo viên mới sẽ chỉ được nhận mức lương khoảng 4-5 triệu đồng/tháng, quá thấp so với nhu cầu thực tế đời sống. Vì vậy, Nhà nước cần sớm nghiên cứu một cơ chế dành riêng cho giáo viên trường nghề để họ yên tâm công tác”, anh N.V.H., giáo viên mới của một trường nghề tại huyện Cẩm Giàng chia sẻ.
Các trường nghề của Hải Dương cần đa dạng hóa các hình thức đào tạo, bồi dưỡng; biên soạn tài liệu, chương trình bồi dưỡng phù hợp. Tạo điều kiện để giáo viên tham gia các đợt hội giảng giáo dục nghề nghiệp. Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng trong nước và ngoài nước cho giáo viên dạy các nghề trọng điểm cấp quốc tế, khu vực theo chương trình tiên tiến của nước ngoài; chú trọng đào tạo kỹ năng nghề, nghiệp vụ sư phạm dạy nghề quốc tế, ngoại ngữ, công nghệ thông tin. Các trường cũng cần hợp tác tốt với các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp công nghệ cao có các dây chuyền sản xuất hiện đại, để giáo viên thường xuyên cập nhật, tiếp cận khoa học, công nghệ mới.
Khi có chính sách đãi ngộ thỏa đáng, hy vọng các trường nghề sẽ không còn phải loay hoay tuyển dụng, giữ chân giáo viên như hiện nay.