Khám phá nét đa dạng của 3 công viên địa chất toàn cầu ở Việt Nam
Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, Hà Giang; Công viên địa chất toàn cầu Non Nước Cao Bằng và Công viên địa chất toàn cầu Đắk Nông đang là các điểm đến du lịch hấp dẫn du khách.
Tại Việt Nam, UNESCO đã vinh danh 3 công viên địa chất toàn cầu, đó là Công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn, Hà Giang; Công viên địa chất toàn cầu Non Nước Cao Bằng và Công viên địa chất toàn cầu Đắk Nông.
Hiện 3 công viên địa chất toàn cầu này đã trở thành những điểm đến du lịch hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế.
Công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn
Ngày 3/10/2010, Cao nguyên đá Đồng Văn đã trở thành công viên địa chất UNESCO đầu tiên của Việt Nam và thứ hai ở Đông Nam Á.
“Tsi muaj lub roob siab dua koj lub hauv caug” “Không có ngọn núi nào cao hơn đầu gối” - câu thành ngữ này của người Mông nghe tự hào biết mấy. Bạn sẽ càng cảm nhận được câu nói này khi tới Cao nguyên đá Đồng Văn, một vùng núi đá vôi hùng vĩ có độ cao trên 1.000m.
Công viên địa chất này nằm trên địa phần 4 huyện Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn và Mèo Vạc với tổng diện tích tự nhiên là 2.356km2, với trên 70% diện tích đá vôi lộ diện.
Vùng đất này là sự kết hợp ngoạn mục và độc đáo giữa những đỉnh núi cao vun vút và hẻm vực sâu thăm thẳm, với đỉnh cao nhất - Mạc Vạc (1.971m) và hẻm sâu nhất - Tu Sản, cũng là hẻm vực sâu nhất của Đông Nam Á, với chiều sâu vách đá lên tới hơn 700m.
Có niên đại từ kỷ Cambrian (khoảng 550 triệu năm trước), đến nay, Cao nguyên đá Đồng Văn đã trải qua 7 thời kỳ địa chất khác nhau. Du khách đến đây, có thể nhìn tận mắt những dấu vết còn lưu lại trong các di chỉ cổ sinh vật học, địa tầng, địa mạo, kiến tạo, karst, hang động và đứt gãy quan trọng.
Những "vết tích" này còn phản ánh hai trong số năm sự kiện lớn trong lịch sử sinh giới của Trái đất là những ranh giới tuyệt chủng sinh giới hàng loạt. Cụ thể là Biến cố sinh học Devon muộn xảy ra ở ranh giới Frasnian-Famennian, khoảng 364 triệu năm trước, làm cho 19% số họ và 50% số giống cổ sinh bị tuyệt diệt và Biến cố sinh học Permi-Trias xảy ra cách đây 251 triệu năm trước, là sự kiện lớn nhất trong 5 biến cố của sinh giới, làm tuyệt diệt khoảng 90% số giống và loài sinh vật biển.
Không chỉ đa dạng về cổ sinh vật, Cao nguyên đá Đồng Văn còn có hai khu bảo tồn thiên nhiên là Khu bảo tồn thiên nhiên Du Già và Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Khau Ca. Hai khu bảo tồn này phong phú về các loài động, thực vật như cây lá kim, sơn dương phương Nam (một loài dê núi đơn độc) và nhiều loài chim bản địa.
Do đó, nơi này có hệ động thực vật rất phong phú, bao gồm 289 loài thực vật bậc cao, thuộc 83 họ; hệ động vật trên núi đá vôi với 171 loài trong 73 họ và 24 bộ. Có 27 loài gồm 17 loài thú, 2 loài chim và 8 loài bò sát là những động vật quý hiếm được ghi trong Sách Đỏ Việt Nam.
Nổi tiếng nhất nơi này là loài voọc mũi hếch. Voọc mũi hếch, còn được gọi là voọc lông tuyết (Rhinopithecus avunculus) thuộc họ Khỉ Cựu, là một trong năm loài linh trưởng đặc hữu của Việt Nam. Loài vật này còn được phát hiện ở vùng núi châu Á, phía Nam Trung Quốc, thường sống ở những khu vực núi cao hiểm trở, thời tiết khắc nghiệt.
Đây là một trong 25 loài linh trưởng có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất trên thế giới, được xếp vào mức độ nguy cấp cao nhất trong Sách Đỏ về các loài động vật bị đe dọa của Hiệp hội Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới và Việt Nam. Loài voọc mũi hếch đã từng được coi cho là đã tuyệt chủng cho đến khi được phát hiện lại vào đầu những năm 1990, chỉ được tìm thấy ở tỉnh Hà Giang với 200 cá thể.
Cao nguyên đá Đồng Văn là nơi sinh sống của hơn 250.000 người dân thuộc 17 dân tộc anh em Mông, Na Chí, Pu Péo, Lô Lô, Nùng, Hoa, Giấy… của dải đất Việt. Mỗi dân tộc có một nét sinh hoạt và tập tục lễ hội riêng tạo nên di sản văn hóa độc đáo và phong phú của khu vực này với những Chợ tình Khau Vai, Lễ hội Gầu Tào của người Mông, Lễ hội Cúng thần rừng của người Pu Péo, Lễ ấp sắc của người Dao...
Từ một miền đá khó khăn, ít được biết đến, Cao nguyên đá Đồng Văn đã khởi sắc, phát triển, trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn trong nước và quốc tế. Các điểm di sản, giá trị văn hóa được xây dựng trở thành các sản phẩm, điểm du lịch đa dạng, độc đáo, điển hình như Cột cờ Lũng Cú, Di tích Nhà Vương, Phố Cổ Đồng Văn, Hẻm Tu Sản, Đèo Mã Pì Lèng; Lễ hội khèn Mông, Chợ phong lưu Khâu Vai; Làng Văn hóa Dân tộc Nặm Đăm, Pả Vi, Lô Lô Chải; Khu nghỉ dưỡng Làng Mông-Quản Bạ, Papiu-Bắc Mê... và nhiều sản phẩm ẩm thực, nông sản tự nhiên, đặc trưng, hấp dẫn.
Lượng khách đến với Hà Giang chỉ từ 2.000 lượt khách vào năm 2010 đã tăng lên nhanh chóng, đạt mốc 2,2 triệu lượt vào năm 2022 và trên 3 triệu lượt khách năm 2023.
Năm 2014 và năm 2019, UNESCO đã tái công nhận Cao nguyên đá Đồng Văn là thành viên của mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO giai đoạn 2015-2018 và giai đoạn 2019-2022.
Tháng 9/2023, Hội đồng Mạng lưới Công viên Địa chất Toàn cầu UNESCO tại Hội nghị Quốc tế lần thứ 10 tổ chức ở Maroc, đã đánh giá cao và tiếp tục công nhận danh hiệu Công viên Địa chất Toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn lần thứ 3.
Đặc biệt, ngày 6/9/2023, Hà Giang vinh dự được Tổ chức Giải thưởng du lịch thế giới trao giải Điểm đến du lịch mới nổi hàng đầu châu Á.
Công viên địa chất toàn cầu Non Nước Cao Bằng
Non nước Cao Bằng chính thức được UNESCO công nhận là Công viên Địa chất Toàn cầu vào ngày 12/4/2018, trở thành công viên địa chất toàn cầu thứ hai tại Việt Nam sau Công viên Địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn tại Hà Giang.
Công viên Địa chất Toàn cầu Non nước Cao Bằng có diện tích hơn 3.000km2, trải dài trên 6 huyện Hà Quảng, Trà Lĩnh, Quảng Uyên, Trùng Khánh, Hạ Lang, Phục Hòa và một phần diện tích các huyện Hòa An, Nguyên Bình và Thạch An.
Đây là nơi sinh sống của 8 dân tộc anh em, như: Tày, Nùng, H’Mông, Kinh, Dao, Sán Chay (Sán Chỉ), Hoa, Lô Lô. Nơi đây còn được xem là một trong những nơi được người tiền sử ngụ cư sớm nhất ở Việt Nam, và là cái nôi của cách mạng Việt Nam thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Ngoài ra còn nhiều di tích văn hóa, lịch sử, khảo cổ, đa dạng sinh học, cùng hàng trăm di sản văn hóa vật thể và phi vật thể khác.
Công viên Địa chất Non nước Cao Bằng là một vùng đất hiếm có ở Việt Nam để du khách có thể tìm hiểu lịch sử của trái đất qua các dấu tích. Các hóa thạch, trầm tích biển, đá núi lửa, khoáng sản…, đặc biệt là các cảnh quan đá vôi, là những minh chứng tuyệt vời cho sự tiến hóa và thay đổi của trái đất.
Đến nay, các nhà khoa học đã phát hiện, đánh giá và đề xuất xếp hạng trên 130 điểm di sản địa chất độc đáo với các dạng địa hình, cảnh quan đá vôi phong phú, đa dạng (như các tháp đá, nón, thung lũng, hang động, hệ thống sông hồ, hang ngầm…) phản ánh một chu kỳ tiến hóa karst hoàn chỉnh ở vùng nhiệt đới bắc Việt Nam.
Thêm vào đó là rất nhiều kiểu loại di sản địa chất khác như hóa thạch cổ sinh, ranh giới giữa các phân vị địa chất, đứt gãy, các loại hình khoáng sản hình thành ở vùng đất này.
Vùng đất này có bề dày văn hóa, lịch sử với hơn 215 di tích văn hóa, lịch sử được xếp hạng, trong đó có 3 Khu di tích quốc gia đặc biệt, đó là: Khu Di tích Quốc gia Đặc biệt Pác Bó – nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh trở về nước năm 1941 lãnh đạo phong trào cách mạng Việt Nam sau hơn 30 năm bôn ba ở nước ngoài; Khu Di tích Quốc gia Đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo - nơi năm 1944 Đại tướng Võ Nguyên Giáp thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam ngày nay; Khu di tích quốc gia đặc biệt Địa điểm Chiến thắng Biên giới năm 1950.
Công viên Địa chất Toàn cầu Non nước Cao Bằng có nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng như khu Du lịch Sinh thái Phia Oắc, Phia Đén, quần thể hồ Thang Hen, động Ngườm Ngao… và đặc biệt là Thác Bản Giốc, từng được bình chọn là một trong bốn thác vùng biên giới lớn và đẹp nhất trên thế giới.
Năm 2023, tỉnh Cao Bằng đã đón khoảng 1,9 triệu lượt du khách, tăng 72% so với năm 2022, trong đó, có khoảng 34.000 lượt du khách quốc tế.
Tại phiên họp tháng 12/2022, Hội đồng UNESCO đã thông qua quyết định tiếp tục công nhận danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu UNESCO non nước Cao Bằng sau kỳ tái thẩm định lần thứ 1. Kết quả này khẳng định kết quả và nỗ lực của tỉnh Cao Bằng trong bảo tồn các giá trị của Công viên theo các tiêu chí và khuyến nghị của chuyên gia UNESCO.
Năm 2024, Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng vinh dự giành quyền đăng cai Hội nghị Quốc tế lần thứ 8 của mạng lưới CVĐC toàn cầu khu vực châu Á-Thái Bình Dương hứa hẹn sẽ là sự kiện bùng nổ, cơ hội để quảng bá di sản địa chất, văn hóa tri thức bản địa vươn ra thế giới.
Công viên địa chất toàn cầu Đắk Nông
Công viên Địa chất Đắk Nông được UNESCO công nhận là Công viên Địa chất Toàn cầu vào tháng 7/2020, trở thành công viên địa chất toàn cầu thứ ba tại Việt Nam sau Công viên Địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn tại Hà Giang và Công viên Địa chất Toàn cầu Non nước Cao Bằng.
Trải dài trên diện tích 4.760km2, bao gồm các huyện Krông Nô, Cư Jút, Đắk Mil, Đắk Song, Đắk G’long và thị xã Gia Nghĩa, Công viên địa chất Đắk Nông có khoảng 65 điểm di sản địa chất, địa mạo, bao gồm hệ thống gần 50 hang động với tổng chiều dài hơn 10.000 m, các miệng núi lửa, thác nước…
Nơi đây từ lâu đã nổi tiếng là một vùng đất đỏ trù phú với hệ sinh thái rừng nhiệt đới, nơi lưu giữ các giá trị đặc trưng về đa dạng sinh học. Vùng đất này cũng lưu giữ nhiều nét độc đáo về văn hóa, địa chất, tự nhiên cũng như dấu tích hoạt động của người tiền sử.
Lịch sử của vùng đất này bắt nguồn từ 140 triệu năm cách ngày nay, khi nơi đây còn là một phần của đại dương rộng lớn với các dấu tích được tìm thấy như đá trầm tích, hóa thạch cúc đá và các loại hóa thạch khác. Vận động kiến tạo của lớp vỏ Trái đất đã khiến khu vực này được nâng lên và xuất hiện núi lửa. Chính hoạt động phun trào núi lửa đã che phủ đến một nửa diện tích khu vực này bởi các lớp dung nham bazan.
Là một phần của cao nguyên M'Nông nên thơ, hùng vĩ, Công viên Địa chất Đắk Nông là nơi hội tụ các giá trị tiêu biểu về địa chất địa mạo, khảo cổ, văn hóa và đa dạng sinh học đặc trưng của khu vực.
Điểm đặc biệt nhất trong khu vực Công viên Địa chất Đắk Nông là hệ thống hang động trong đá bazan, phân bố ở khu vực Đray Sáp-Chư R'Luh, được phát hiện từ năm 2007.
Hệ thống hang động núi lửa này đã được Hiệp Hội Hang động Núi lửa Nhật Bản xác lập kỷ lục Đông Nam Á về cả quy mô, độ dài và tính độc đáo. Trong các hang động còn ẩn chứa nhiều điều bí mật về cơ chế thành tạo, các tổ hợp khoáng vật, đa dạng sinh học và di chỉ khảo cổ.
Trong khu vực Công viên Địa chất còn có các di sản địa kiểu cổ sinh như các hóa thạch Cúc đá, Sò, Hai mảnh vỏ.. để chứng minh thời kỳ này nơi đây còn là một phần của đại dương rộng lớn.
Ngoài ra, còn có các hồ nước tự nhiên đầy thơ mộng như hồ Ea Snô, hồ Tây... được tạo thành từ các sụt võng kiến tạo, các miệng núi lửa độc đáo và đặc trưng như Nâm Blang, Nâm Kar, Băng Mo.... và hệ thống các thác nước đẹp, hùng vĩ như thác Gia Long, thác Trinh Nữ, Dray Sáp.
Bên cạnh đó, Công viên Địa chất Đắk Nông còn đa dạng và phong phú các mỏ và điểm quặng khoáng sản bauxit, antimon, thiếc sa khoáng, puzơlan, đá quý và đặc biệt là đá bán quý opal - chalcedon kích thước lớn.
Các phát hiện về di chỉ khảo cổ người tiền sử sinh sống trong khu vực hang động núi lửa của Công viên Địa chất đã thu hút sự chú ý của rất nhiều nhà nghiên cứu, du khách trong và ngoài nước.
Kết quả nghiên cứu bước đầu cùng với việc thu thập các di vật khảo cổ có mật độ khá dày đặc, ghi nhận đây là dấu tích văn hóa của cư dân Hậu kỳ Đá mới và Sơ kỳ Kim khí có niên đại (6.000-3.000 năm) cách ngày nay. Các di vật khảo cổ được phát hiện bao gồm đồ đá, đá nguyên liệu và các công cụ đá hình đĩa, rìu ngắn, công cụ mảnh tước, phiến tước, hòn ghè, hòn kê, hòn mài.
Về đồ gốm có rất nhiều loại vật dụng, với độ dày, mỏng khác nhau được làm từ đất sét pha cát. Hoa văn trên các mảnh gốm khá sắc nét và đa dạng như chấm gạch, gạch vải, văn thừng…Ngoài ra còn có xương động vật, các mảnh xương ống của động vật và có cả xương người tiền sử.
Ngoài những nét đặc trưng nêu trên, Công viên Địa chất Đắk Nông còn là khu vực có bề dày văn hóa, lịch sử, với những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể như Không gian Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO ghi danh tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; di tích cấp quốc gia đặc biệt Đường mòn Hồ Chí Minh và 5 di tích cấp quốc gia khác như Ngục Đắk Mil, Căn cứ kháng chiến B4-Liên tỉnh IV, Di tích lịch sử lưu niệm N'Trang Gưh, Địa điểm Chiến thắng Đồi 722-Đắk Sắk, Địa điểm bắt liên lạc khai thông đường Hồ Chí Minh đoạn Nam Tây Nguyên đến Đông Nam Bộ.
Công viên Địa chất Đắk Nông còn là nơi giúp du khách trải nghiệm đời sống tinh thần đa dạng, phong phú của phần lớn các dân tộc trên địa bàn tỉnh, thể hiện rõ nét qua các tín ngưỡng dân gian, các nghi lễ, lễ hội, ngữ văn dân gian, nghệ thuật diễn xướng, các trò chơi dân gian,...những di sản văn hóa cần được gìn giữ, bảo tồn và phát huy.
Khu Bảo tồn thiên nhiên Nâm Nung, Vườn quốc gia Tà Đùng, rừng đặc dụng - cảnh quan Đray Sáp và một phần phía nam của Vườn quốc gia Yok Đôn (xã Ea Pô, huyện Cư Jút) là những nơi lưu giữ các giá trị đặc trưng về đa dạng sinh học của khu vực Công viên Địa chất Đắk Nông.
Hệ thống động thực vật trong Công viên Địa chất rất phong phú với nhiều giống, loài quý hiếm, có tên trong Sách Đỏ Việt Nam và thế giới như: Voi, hổ, bò rừng và nhiều loài linh trưởng (Voọc Đen má trắng, Chà Vá chân đen, bò sát, chim Hồng Hoàng, Gà tiền mặt đỏ)...; Sồi Ba cạnh, Đỉnh Tùng, Sao, Trắc, Giáng Hương, Căm xe...
Đây là tiềm năng lớn để Công viên Địa chất phát triển các mô hình du lịch sinh thái, thám hiểm, nghiên cứu về đa dạng sinh học...thu hút các nhà khoa học cũng như du khách trong và ngoài nước đến tham quan, nghiên cứu.
Với các giá trị tiêu biểu nêu trên, có thể nhận thấy rằng Công viên Địa chất Đắk Nông là tài sản vô vùng quý giá, không chỉ của cộng đồng các dân tộc tỉnh Đắk Nông mà còn của Việt Nam và của nhân loại.
Việc xây dựng thành công danh hiệu Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO cho khu vực núi lửa Krông Nô là một hướng đi đúng đắn của địa phương để gìn giữ và phát huy các giá trị di sản; đồng thời góp phần phát triển kinh tế-xã hội một cách bền vững.