Đề xuất Cảnh sát giao thông được truy đuổi nếu người vi phạm bỏ chạy
Tại dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Bộ Công an đề xuất Cảnh sát giao thông (CSGT) được trang bị vũ khí, công cụ hỗ trợ và truy đuổi người vi phạm nếu không chấp hành dừng xe, bỏ chạy.
Tại dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Bộ Công an đề xuất bổ sung một số quy định nhằm ngăn chặn hành vi người tham gia giao thông không chấp hành yêu cầu kiểm tra, kiểm soát, cản trở, chống người thi hành công vụ...
CSGT được trang bị vũ khí, công cụ hỗ trợ
Theo đó, tại điều 69 của dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Bộ Công an đề xuất về việc trang bị, sử dụng phương tiện, thiết bị, vũ khí, công cụ hỗ trợ khi tuần tra, kiểm soát giao thông.
Lực lượng CSGT sẽ được trang bị vũ khí, công cụ hỗ trợ theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; phương tiện giao thông đường bộ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, thiết bị thông minh hỗ trợ chỉ huy giao thông.
Các lực lượng tham gia phối hợp với CSGT thực hiện tuần tra, kiểm soát được trang bị phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, vũ khí, công cụ hỗ trợ phù hợp với nhiệm vụ được giao.
Trước đó, tại Thông tư 32/2023 của Bộ Công an quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung và quy trình tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ của CSGT có hiệu lực từ 15/9/2023, cũng đã quy định cụ thể về trang phục, trang bị phương tiện giao thông, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ và vũ khí, công cụ hỗ trợ của CSGT khi tuần tra kiểm soát.
Theo Thông tư 32, các loại vũ khí, công cụ hỗ trợ của CSGT gồm: Súng ngắn, súng trường, súng tiểu liên, súng bắn điện, súng bắn lưới, súng bắn đạn cao su, súng bắn đạn cay, súng bắn đạn đánh dấu, bình xịt cay, dùi cui điện, áo giáp, khóa số 8, gậy chỉ huy giao thông.
CSGT truy đuổi nếu người vi phạm bỏ chạy
Tại Điều 72 của dự thảo Luật, Bộ Công an cũng đề xuất việc ngăn chặn các hành vi không chấp hành yêu cầu kiểm tra, kiểm soát, chống người thi hành công vụ.
Trong đó, lực lượng thi hành công vụ sẽ giải thích cho người vi phạm biết rõ về hành vi không chấp hành yêu cầu kiểm tra, kiểm soát, có hành vi chống người thi hành công vụ; quyền và trách nhiệm của người vi phạm; thuyết phục, yêu cầu chấm dứt ngay hành vi vi phạm, chấp hành yêu cầu kiểm tra, kiểm soát.
Trường hợp người vi phạm có hành vi chống người thi hành công vụ thì tùy theo tình huống, tính chất mức độ nguy hiểm của hành vi, người thi hành công vụ được sử dụng vũ lực, công cụ hỗ trợ hoặc vũ khí theo quy định của pháp luật để ngăn chặn hành vi vi phạm và phòng vệ chính đáng.
Dự thảo cũng đề xuất trường hợp người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ không chấp hành tín hiệu, hiệu lệnh dừng phương tiện và bỏ chạy thì người thi hành công vụ được thực hiện quyền truy đuổi để ngăn chặn và xử lý hành vi vi phạm.
Liên quan đến các đề xuất trên, đại diện Bộ Công an cho biết, tình trạng ngang nhiên vi phạm, coi thường pháp luật khi tham gia giao thông vẫn diễn ra phổ biến, văn hóa giao thông còn nhiều yếu kém. Các loại tội phạm hoạt động trên các tuyến giao thông đường bộ diễn biến phức tạp. Các vấn đề về an ninh như biểu tình trái pháp luật, tụ tập đông người trên đường bộ ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.
"Việc xây dựng, ban hành Luật trật tự, an toàn giao thông đường bộ xuất phát từ yêu cầu thực tiễn khách quan, với mục tiêu quan trọng là bảo đảm tính mạng, sức khỏe, tài sản của người dân khi tham gia giao thông, xác định cụ thể cơ quan Nhà nước chịu trách nhiệm chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước; đảm bảo sự điều chỉnh sát thực tế về mặt pháp lý; khắc phục những hạn chế, vướng mắc, bất cập của Luật Giao thông đường bộ hiện hành", đại diện Bộ Công an đánh giá.