Vải Thanh Hà (Hải Dương) có mẫu mã đẹp, chất lượng hơn hẳn các vùng trồng vải khác trên cả nước
Thăm các vườn vải xuất khẩu tại Thanh Hà (Hải Dương), Cục trưởng Cục Trồng trọt Nguyễn Như Cường đánh giá cao chất lượng vùng vải trồng GlobalGAP bởi quả vải có mẫu mã đẹp, chất lượng hơn hẳn các vùng trồng vải khác trên cả nước.
Sáng 26/5, đoàn công tác của Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) do Cục trưởng Cục Trồng trọt Nguyễn Như Cường làm trưởng đoàn thăm và làm việc tại vùng vải thiều sản xuất theo tiêu chuẩn xuất khẩu ở huyện Thanh Hà.
Cục trưởng Cục Trồng trọt Nguyễn Như Cường đánh giá cao chất lượng vùng vải trồng GlobalGAP của huyện Thanh Hà bởi quả vải có mẫu mã đẹp và chất lượng hơn hẳn các vùng trồng vải khác trên cả nước. Tuy nhiên, để bảo đảm chất lượng vải phục vụ xuất khẩu, nông dân phải tuyệt đối tuân thủ quy trình sản xuất, sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, tránh tình trạng bị nước nhập khẩu trả lại vì không đạt chất lượng. Việc này sẽ làm ảnh hưởng tới uy tín của các mặt hàng xuất khẩu khác của Việt Nam.
Với một số giống vải lai như vải u trứng trắng cho giá trị kinh tế cao nhưng tỷ lệ đậu quả vẫn còn thấp, cơ quan chuyên môn sẽ tiếp tục nghiên cứu để xây dựng và hướng dẫn nông dân quy trình sản xuất bảo đảm an toàn, hiệu quả.
Đến nay, toàn tỉnh đã thu hoạch được khoảng 30% sản lượng vải, trong đó huyện Thanh Hà khoảng 25%. Hiện các vùng trồng VietGAP, GlobalGAP, nông dân bán vải với giá trung bình 40.000 đồng/kg, cao hơn 10.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm trước.
Toàn tỉnh hiện có 8.850 ha, trong đó huyện Thanh Hà 3.285 ha với 42 vùng trồng VietGAP và 11 vùng GlobalGAP. Sản phẩm tại các vùng này đáp ứng đủ điều kiện phục vụ xuất khẩu sang các thị trường cao cấp. Các vùng sản xuất còn lại cơ bản đều được sản xuất theo quy trình an toàn. Tổng sản lượng các trà vải ước 40.000 - 45.000 tấn.