Khách thuê trọ thấp thỏm sống trong ngõ sâu
Nghe tin về vụ hỏa hoạn khiến 14 người tử vong ở phố Trung Kính, Thu Thủy run rẩy bởi chỗ trọ hiện tại của cô nếu cháy cũng khó thoát thân.
Cô gái 26 tuổi thuê phòng rộng 15 m2 trong căn nhà ống nằm ở con ngõ nhỏ chỉ đủ hai xe máy tránh nhau trên đường Nguyễn Khang, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy. Thu Thủy đã ở đây hai năm.
"Nhà cách đường chính tới 500 m, lỡ xảy ra hỏa hoạn cứu hoả khó mà tiếp cận", Thủy nói. Nhiều tháng trước, cô và một số người thuê trọ liên tục yêu cầu chủ nhà lắp đặt thêm thiết bị báo cháy không dây và mở lối chuồng cọp nhưng đến nay chưa được đáp ứng. Chủ nhà cũng thờ ơ với quy định phòng chống cháy như mượn vỏ bình cứu hỏa để qua mắt giới chức, viện lý do "khu trọ toàn người ý thức tốt, bày vẽ làm gì cho tốn tiền".
Cô gái quê Hải Dương muốn chuyển đi nhưng giá nhà thuê mỗi năm một cao, chỗ trọ gần nơi làm việc nên cô vẫn nhắm mắt ở lại.
15 năm thuê trọ tại Hà Nội, Hương Mai, sống ở quận Thanh Xuân luôn ám ảnh bởi những căn nhà ống trong ngõ sâu do từng chứng kiến hỏa hoạn. Dù vậy, người phụ nữ 30 tuổi vẫn chấp nhận thuê tại đây vì giá rẻ hơn những khu vực trung tâm khác.
"Ở đây cũng thuận tiện do gần chợ, gần trường. Hơn nữa, vợ chồng tôi đang tích góp tiền để mua nhà, còn lo cho con trai năm nay vào lớp một", Mai nói.
Do chủ nhà không chi tiền cho các thiết bị chữa cháy vì "không chắc đã sử dụng", Hương Mai tự trang bị cho gia đình mặt nạ phòng độc, bình cứu hỏa, thang dây, búa trong trường hợp phải phá cửa sổ. Dù vậy, người phụ nữ này cho rằng những thiết bị phòng cháy chữa cháy này chỉ hữu dụng khi phát hiện kịp thời. Trong trường hợp hít phải khói độc hay cơ thể bị bén lửa, "khó mà thoát thân".
Lo lắng của Thu Thủy, Hương Mai xuất phát từ việc gần đây liên tục xảy ra các vụ hỏa hoạn thương tâm. Tháng 9/2023, vụ cháy chung cư mini trên phố Khương Hạ, quận Thanh Xuân, Hà Nội, khiến 56 người thiệt mạng. Mới đây nhất, vụ cháy tại phố Trung Kính, quận Cầu Giấy khiến 14 người tử vong.
Theo thống kê của Bộ Công an, trong 5 năm, tính đến năm 2022, toàn quốc xảy ra hơn 17.000 vụ cháy, làm 433 người chết. Địa bàn xảy ra cháy chủ yếu ở thành thị (60%), nguyên nhân phần lớn do sự cố hệ thống, thiết bị điện (45% số vụ). Chỉ tính riêng bốn tháng đầu năm 2023, toàn quốc xảy ra 522 vụ cháy, trung bình hơn bốn vụ mỗi ngày, làm chết và bị thương 46 người. Một số vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản xảy ra tại nhà ống, nhà phân lô, nhà ở kết hợp kinh doanh nhà trọ, nhà kho, xưởng sản xuất.
Pháp luật Việt Nam có quy định về việc trang bị, lắp đặt các thiết bị phòng cháy chữa cháy với từng loại nhà, công trình xây dựng. Phụ lục V của Nghị định 136/2020/NĐ-CP liệt kê danh mục dự án, công trình thuộc diện phải thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy chữa cháy gồm: nhà chung cư, nhà tập thể, nhà ở ký túc xá cao, nhà hỗn hợp, khách sạn, nhà khách, nhà nghỉ, nhà trọ, cơ sở lưu trú khác cao từ 7 tầng trở lên hoặc có tổng khối tích từ 5.000 m3 trở lên. Riêng các công trình quy mô nhỏ hơn không cần xin thẩm duyệt nhưng được khuyến khích chấp hành phòng cháy chữa cháy để đảm bảo an toàn trong quá trình kinh doanh cho thuê.
Trong trường hợp không lắp đặt các thiết bị phòng cháy chữa cháy theo quy định, căn cứ Điều 44 Nghị Định 144/2021/NĐ-CP sẽ bị xử phạt 15-25 triệu đồng, áp dụng với hành vi vi phạm hành chính của cá nhân. Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền tăng gấp đôi.
Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển Đô thị Việt Nam, cho rằng việc thực hiện và cơ chế kiểm tra, giám sát công tác phòng cháy, chữa cháy chưa chặt chẽ, khiến các hộ gia đình, cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú tiềm ẩn nhiều rủi ro về cháy nổ.
Giải thích lý do nhiều người dân dù sợ vẫn chọn thuê hoặc mua nhà tại các ngõ ngách sâu, ông Nghiêm nói giá cả nhà trong ngõ sâu phù hợp với mức thu nhập của phần lớn người lao động. Kiểu nhà này ở các quận trung tâm nên thuận tiện di chuyển, đi làm, học tập.
Dù lo sợ hỏa hoạn nhưng nhiều người vẫn chủ quan, thậm chí còn lo chống trộm hơn chống cháy. Khảo sát hơn 1.000 độc giả của VnExpress năm 2023 với câu hỏi "Nhà bạn có thiết bị phòng cháy chữa cháy và phương án thoát hiểm không?" 36% cho biết "đang tính toán và sẽ trang bị", 13% cảm thấy "không cần thiết, không trang bị".
Khi biết con gái 23 tuổi thuê nhà ở trong ngõ sâu trên phố Dương Quảng Hàm, quận Cầu Giấy, anh Quốc Toản, 49 tuổi, ở quận Ngô Quyền, Hải Phòng liền đặt mua thang dây loại 10 m, mặt nạ phòng độc, bình chữa cháy để có thể thoát hiểm từ ban công tầng ba, nếu chẳng may xảy ra cháy nổ.
Ngoài trang bị đồ chống cháy, anh Toản còn sắm thêm mỏ lết và ống tuýp sắt, dạy con cách kẹp bẻ khóa thanh nan hoa và phá kính khi gặp sự cố. Theo anh, đây là cách nhanh chóng và dễ dàng nhất mà người chân tay yếu cũng có thể làm được.
"Mua được gì để chống cháy tôi đã mua hết rồi, chỉ sợ cháy đêm, các con ngủ say không phát hiện kịp được thì quá nguy hiểm", anh Toản nói. Muốn con gái chuyển trọ nhưng nhà thuê gần trường đại học lại sát chợ nên cô bé khất lần, nói đợi ra trường sẽ tính.
Để khách ở trọ an tâm lưu trú, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, cho rằng cơ quan chức năng cần kiểm tra, giám sát chặt chẽ các công trình, tránh xây dựng tự phát.
"Có cung ắt có cầu nhưng thay vì cấm hoạt động để chờ trang bị dễ gây thiếu hụt nơi ở, vô tình đẩy giá nhà tăng cao, các cấp quản lý nên giám sát, hành động quyết liệt ngay từ bước đầu", chuyên gia nói.
Sau vụ hỏa hoạn ở Trung Kính ngày 24/5, và yêu cầu lắp thiết bị phòng chống cháy không được chủ nhà đáp ứng, Thu Thủy dự định chuyển trọ.
Cô gái 26 tuổi nói muốn thuê một căn chung cư hai phòng ngủ, giá khoảng 7,5 triệu đồng một tháng. Thủy tính một phòng cô ở, phòng còn lại sẽ tìm người ở ghép để giảm chi phí.
"Dù sao ở chung cư hệ thống phòng cháy chữa cháy được lắp đặt đồng bộ và kiểm tra định kỳ, nếu xảy ra sự cố thì khả năng thoát nạn, thoát hiểm vẫn cao hơn", cô nói.