Mỹ, Anh tiến hành các cuộc không kích ở miền Tây Yemen
Tối 23/5, các máy bay chiến đấu của liên quân Mỹ-Anh đã tiến hành 2 vụ không kích mới nhằm vào sân bay Hodeidah, miền Tây Yemen.
Theo kênh al-Masirah, các cuộc không kích mới diễn ra chưa đầy 24 giờ sau khi liên quân tiến hành 6 vụ không kích cũng nhằm vào sân bay nói trên, song không nêu rõ chi tiết. Lực lượng Houthi thường không công bố thương vong trong các vụ tấn công này.
Người dân địa phương cho biết đã nghe thấy tiếng nổ lớn tại sân bay. Trong khi đó, liên quân chưa bình luận về thông tin trên, song tuyên bố ngày 22/5 đã phá hủy 4 thiết bị không người lái của Houthi ở khu vực do lực lượng này kiểm soát.
Sân bay Hodeidah nằm ở khu vực phía Nam của thành phố cảng Hodeidah ở Biển Đỏ, hiện do lực lượng Houthi kiểm soát. Sân bay này đóng cửa từ cuối năm 2014 khi Houthi chiếm một số thành phố miền Bắc Yemen, trong đó có Hodeidah.
Cùng ngày 23/5, phát biểu trên kênh al-Masirah, thủ lĩnh của Houthi Abdulmalik al-Houthi thông báo trong tuần này, Houthi đã tiến hành 8 vụ không kích bằng 15 tên lửa và thiết bị không người lái nhằm vào các tàu chở hàng ở Biển Đỏ, Biển Arab, Vịnh Aden và Ấn Độ Dương. Đến nay, các công ty vận tải chưa báo cáo thương vong hay thiệt hại do các vụ không kích.
Trước đó cùng ngày, Cơ quan Điều hành Thương mại Hàng hải Vương quốc Anh (UKMTO) cho biết một tên lửa rơi xuống vùng biển gần một tàu chở hàng đi qua Biển Đỏ, cách thành phố cảng Hodeidah khoảng 170 km về phía Nam. UKMTO chưa nhận được báo cáo thương vong hay thiệt hại do vụ tấn công.
Kể từ khi xung đột Hamas - Israel bùng phát tháng 10/2023, Houthi đã nhiều lần tấn công các tàu trên Biển Đỏ, gây quan ngại về hoạt động vận tải trên tuyến đường biển quan trọng này. Đáp trả các cuộc tấn công của Houthi, Mỹ và Anh sau đó đã tiến hành chiến dịch quân sự chung nhằm vào các mục tiêu Houthi ở Yemen. Bất ổn an ninh ở Biển Đỏ đã buộc nhiều hãng vận tải biển tạm ngừng hoạt động vận chuyển hàng hóa qua Biển Đỏ và chuyển hướng sang tuyến đường biển dài hơn và chi phí đắt hơn quanh Mũi Hảo Vọng ở cực Nam châu Phi.