Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương yêu cầu làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân để phát sinh vi phạm công trình thủy lợi
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương yêu cầu Ban Thường vụ các huyện ủy, thị ủy, thành ủy chỉ đạo tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân để phát sinh vi phạm công trình thủy lợi từ đầu năm 2024 đến nay.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương vừa có thông báo kết luận về tiến độ, kết quả xử lý vi phạm công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh. Theo đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy cơ bản nhất trí với báo cáo của Ban cán sự Đảng UBND tỉnh về tiến độ, kết quả xử lý và các giải pháp thực hiện xử lý vi phạm công trình thủy lợi thời gian qua.
Để tăng cường ngăn chặn và đẩy nhanh tiến độ xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu Ban cán sự Đảng UBND tỉnh phối hợp với Đoàn giám sát của HĐND tỉnh rà soát số liệu, xác định các trường hợp vi phạm để phân loại xử lý theo quy định.
Tiếp tục thực hiện nghiêm Thông báo số 1268-TB/TU ngày 24/11/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về xử lý vi phạm trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi nội đồng. Định kỳ 6 tháng (vào tháng 6 và tháng 12 hằng năm) báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tình hình, tiến độ, kết quả xử lý vi phạm công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh. Trong đó kịp thời báo cáo những khó khăn, vướng mắc và đề xuất phương án, giải pháp để đẩy nhanh tiến độ xử lý vi phạm.
Yêu cầu Ban Thường vụ các huyện ủy, thị ủy, thành ủy để phát sinh vi phạm trong công tác quản lý nhà nước về thủy lợi từ đầu năm 2024 đến nay chỉ đạo tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân và người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan, báo cáo Thường trực Tỉnh ủy kết quả thực hiện trong tháng 6/2024.
Ban Thường vụ Huyện ủy Nam Sách, Ban Thường vụ Huyện ủy Thanh Hà nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm trong việc chậm triển khai thực hiện Thông báo kết luận số 1268-TB/TU ngày 24/11/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
Theo báo cáo của Ban cán sự Đảng UBND tỉnh, từ đầu năm 2024 đến ngày 26/4, Hải Dương phát sinh 46 vụ vi phạm công trình thủy lợi, trong đó đã xử lý, giải tỏa 7 vụ. Huyện Ninh Giang phát sinh nhiều nhất với 11 vụ vi phạm, Gia Lộc 9 vụ, Tứ Kỳ 5 vụ; các huyện Thanh Miện, Thanh Hà, Kim Thành mỗi nơi 4 vụ; TP Hải Dương 3 vụ, Cẩm Giàng 3 vụ, Bình Giang 2 vụ và Nam Sách 1 vụ. Các vi phạm chủ yếu là làm nhà tạm, nhà kiên cố, lều quán, san lấp, lấn chiếm, xây tường bao, đào ao, lập vườn...
Tính đến nay, Hải Dương đã xử lý, giải tỏa 616 vi phạm công trình thủy lợi tồn tại từ những năm trước, trong đó có 355 trường hợp do chính quyền địa phương xử lý, giải tỏa (Bình Giang xử lý 174 trường hợp, Ninh Giang 141 và Tứ Kỳ 40 trường hợp); còn lại tự giải tỏa hoặc được giải tỏa khi thực hiện các dự án xây dựng công trình do ngân sách nhà nước đầu tư, dự án dân cư, đô thị, cụm công nghiệp liên quan đến các tuyến kênh.
Toàn tỉnh còn tổng số 2.250 vi phạm phải xử lý, giải tỏa, trong đó 1.051 vi phạm trước ngày 1/7/2018 (ngày Luật Thuỷ lợi có hiệu lực) và 1.199 vi phạm từ ngày 1/7/2018 đến nay. 1.422 trường hợp được xem xét giữ nguyên hiện trạng theo điều 48 Luật Thủy lợi vì không ảnh hưởng đến an toàn, năng lực phục vụ của công trình thủy lợi. Thời gian hoàn thành xử lý các vi phạm tồn tại xong trước ngày 31/12/2024.
Ban cán sự Đảng UBND tỉnh đánh giá công tác lãnh đạo, chỉ đạo xử lý vi phạm công trình thủy lợi từ tỉnh đến cấp huyện, cấp xã thời gian gần đây cơ bản kịp thời. Các sở, ngành, các địa phương, đơn vị đã tích cực vào cuộc, ban hành văn bản chỉ đạo, xây dựng kế hoạch tuyên truyền, vận động tự giải tỏa vi phạm; xây dựng kế hoạch xử lý, giải tỏa vi phạm tồn đọng; phát hiện, ngăn chặn các vi phạm mới phát sinh.
Một số huyện làm tốt như Ninh Giang, Bình Giang, Tứ Kỳ. Tuy nhiên vẫn còn 2 huyện Thanh Hà và Nam Sách chưa xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện xử lý vi phạm; một số địa phương vẫn để phát sinh vi phạm mới.