Điều gì thúc đẩy Hàn-Trung-Nhật tổ chức một hội nghị thượng đỉnh đầu tiên sau hơn 4 năm?
Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc ngày 23/5 thông báo các nhà lãnh đạo Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh ba bên đầu tiên sau hơn 4 năm tại thủ đô Seoul vào ngày 26-27/5 tới.
Theo hãng tin Reuters, Phó Cố vấn An ninh quốc gia Hàn Quốc Kim Tae-hyo cho biết Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol sẽ có cuộc hội đàm song phương riêng rẽ với Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida vào ngày 26/5, trước cuộc gặp ba bên vào ngày hôm sau.
Dự kiến sau cuộc gặp thượng đỉnh, ba bên sẽ thông qua một tuyên bố chung về sáu lĩnh vực bao gồm kinh tế và thương mại.
Ba nước đã nhất trí tổ chức hội nghị thượng đỉnh hằng năm bắt đầu từ năm 2008 để tăng cường hợp tác khu vực, nhưng sáng kiến này đã bị gián đoạn do căng thẳng các bên và đại dịch Covid-19. Hội nghị thượng đỉnh ba bên gần đây nhất được tổ chức vào cuối năm 2019 tại Trung Quốc.
Hãng tin AP cho hay hội nghị thượng đỉnh sắp tới dự kiến diễn ra trong bối cảnh Hàn Quốc và Nhật Bản đang nỗ lực cải thiện mối quan hệ căng thẳng do tranh chấp lịch sử, đồng thời tăng cường quan hệ đối tác an ninh ba bên với Mỹ trong bối cảnh sự cạnh tranh Trung-Mỹ ngày càng gia tăng.
Mối quan hệ giữa Hàn Quốc và Nhật Bản xuống dốc nghiêm trọng do các mâu thuẫn bắt nguồn từ việc Nhật Bản chiếm đóng Bán đảo Triều Tiên những năm 1910-1945. Nhưng mối quan hệ giữa hai nước dần nối lại đáng kể từ năm 2023 khi hai nước thực hiện một loạt bước quan trọng để tăng cường hợp tác khi đối mặt với chương trình hạt nhân đang phát triển của Triều Tiên và những thách thức chung khác.
Về phần mình, Bắc Kinh trước đây luôn cảnh báo những nỗ lực của Washington nhằm nâng cao hơn nữa quan hệ với Seoul và Tokyo có thể gây ra căng thẳng và đối đầu trong khu vực.
Theo các nhà quan sát ngoại giao, việc Trung Quốc sẵn sàng tham gia hội nghị thượng đỉnh ba bên là xuất phát từ động cơ chiến lược, nhằm bảo vệ lợi ích khu vực của nước này trong bối cảnh liên minh do Mỹ-Nhật-Hàn do Washington dẫn đầu gia tăng áp lực đối với Bắc Kinh.
Kang Jun-young, Giáo sư nghiên cứu về Trung Quốc tại Trường Nghiên cứu Quốc tế thuộc Đại học Ngoại ngữ Hankuk, nhận định: “Trong những năm gần đây, Trung Quốc đang tìm cách lôi kéo Hàn Quốc khỏi liên minh Hàn-Mỹ-Nhật. Tuy nhiên, bất chấp những nỗ lực, kết quả mang lại không đáng kể”. Theo ông Kang, Bắc Kinh coi Seoul là mắt xích yếu nhất trong mạng lưới liên minh của Mỹ.
Ông Kang chỉ ra hội nghị thượng đỉnh dự kiến cũng sẽ ít gây gánh nặng hơn cho Trung Quốc vì nó thường đề cập đến các vấn đề kinh tế, xã hội và văn hóa hơn là các vấn đề chính trị và ngoại giao. “Trung Quốc sẽ tìm cách giảm thiểu các cuộc thảo luận chính trị và ngoại giao có khả năng khiến Hàn Quốc và Nhật Bản phản đối Trung Quốc”, tờ Korea Times dẫn lời Giáo sư Kang.
Trong hội nghị thượng đỉnh tới, Hàn Quốc và Nhật Bản có thể tìm cách tận dụng ảnh hưởng của Trung Quốc để gây sức ép lên Triều Tiên nhằm ngăn chặn các chương trình phát triển hạt nhân và tên lửa của nước này mặc dù điều này khó có kết quả.
"Tôi cho rằng cuộc gặp lãnh đạo ba nước có ý nghĩa nhưng khó có thể tạo ra bước ngoặt trong việc thay đổi đáng kể tình hình trên Bán đảo Triều Tiên. Có lẽ nó chỉ nhằm mục đích xác nhận những khác biệt hiện có về quan điểm ", Yang Moo-jin, Giáo sư tại Đại học Nghiên cứu Triều Tiên ở Seoul, cho hay.