Việt Nam phản đối Trung Quốc đưa tàu bệnh viện đến Hoàng Sa
Bộ Ngoại giao cho biết Việt Nam phản đối hành động vi phạm chủ quyền tại quần đảo Hoàng Sa, khi đề cập thông tin Trung Quốc đưa tàu bệnh viện tới đây.
"Việt Nam kiên quyết phản đối mọi hoạt động vi phạm chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa", phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Đoàn Khắc Việt cho biết trong cuộc họp báo ngày 23/5, khi được hỏi về thông tin Trung Quốc điều tàu bệnh viện tới Hoàng Sa.
Truyền thông Trung Quốc ngày 22/5 đưa tin tàu bệnh viện Hữu Ái thuộc Bộ Tư lệnh Chiến khu miền Nam đã tới nhiều thực thể thuộc quần đảo Hoàng Sa để kiểm tra sức khỏe các binh sĩ đồn trú trái phép tại đây.
Tàu Hữu Ái còn tham gia huấn luyện chuyển người bị thương trong tình huống khẩn cấp, sơ cứu tuyến đầu và hỗ trợ tàu thuyền hư hỏng trên biển. Đây là con tàu thuộc lớp Type-919, có lượng giãn nước 4.000-5.000 tấn, chiều dài khoảng 100 m và có sàn đáp trực thăng.
Ông Việt tuyên bố Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế cũng như chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng biển được xác lập phù hợp với Công ước Quốc tế của Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982.
Khi được hỏi thông tin Trung Quốc ban hành quy định cho phép lực lượng hải cảnh "bắt người nước ngoài bị nghi xâm phạm biên giới" trên biển, ông Việt cho biết "Việt Nam luôn kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam tại các vùng biển, cũng như lợi ích chính đáng của công dân Việt Nam phù hợp với UNCLOS 1982 và luật pháp của Việt Nam".
Trung Quốc ngày 15/5 ban hành quy định cho phép hải cảnh nước này giam giữ hành chính tới 30 ngày đối với người nước ngoài bị nghi "vượt qua biên giới trên biển". Đối với những vụ phức tạp, hải cảnh có thể kéo dài thời gian bắt giam lên 60 ngày. Quy định này có hiệu lực từ 16/5, áp dụng trên các vùng biển Trung Quốc tuyên bố chủ quyền.
Giới chức Trung Quốc đơn phương vẽ ra đường đứt đoạn đòi yêu sách chủ quyền phi lý với gần như toàn bộ diện tích Biển Đông, bất chấp quy định của luật pháp quốc tế và phản ứng của dư luận thế giới.