Góc nhìn

Hải Dương phòng “bà hỏa”

MẠNH TƯỜNG 24/05/2024 05:45

“Bà hỏa” dường như vẫn luôn rình rập ở nhiều nơi, nhất là trong mùa nắng nóng hiện nay. Chưa khi nào Hải Dương thực hiện mạnh mẽ nhiều giải pháp phòng cháy, chữa cháy như thời gian vừa qua.

z5453711945512_b9efefca3b6ab81b6b1d5bf5b920ad77-2-.jpg
Cháy lớn tại Công ty TNHH Hoàng Lê (TP Hải Dương) lúc 23 giờ ngày 17/2

Ngày 23/5, lần đầu tiên Hải Dương tổ chức Hội thi nghiệp vụ chữa cháy và cứu nạn cứu hộ “Tổ liên gia an toàn phòng cháy chữa cháy” cấp tỉnh. Từ phần thi kiến thức đến thực hành chữa cháy cho thấy sự am hiểu về kiến thức và nhuần nhuyễn kỹ năng thực hành của các tổ liên gia dự hội thi.

Được thành lập từ năm 2022, đến nay Hải Dương đã có khoảng 995 Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy với gần 45.000 thành viên tham gia. Các tổ liên gia này đã hoạt động tương đối nền nếp, không chỉ góp phần đẩy mạnh tuyên truyền về phòng chống cháy nổ mà còn phát hiện và xử lý hiệu quả một số vụ cháy ngay từ khi mới phát sinh, không để cháy lan, cháy lớn gây thiệt hại về người và tài sản.

Cùng với đẩy mạnh hoạt động của tổ liên gia phòng cháy, chữa cháy, Hải Dương cũng đã thực hiện nghiêm túc nhiều văn bản chỉ đạo về công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn tỉnh. Điển hình là đến trung tuần tháng 3/2024, toàn tỉnh mới có 9 cơ sở kinh doanh karaoke được phép hoạt động trở lại do chưa đủ điều kiện theo quy định như mở thêm lối thoát nạn, dùng vật liệu cách âm, cách nhiệt… Trước đó, tại thời điểm tháng 4/2023, Hải Dương có 367 cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke và đều bị đình chỉ hoặc tự dừng hoạt động do không bảo đảm quy định phòng cháy, chữa cháy. Nhiều cơ sở trong số này đã dừng hẳn hoạt động và chuyển mục đích kinh doanh.

Trong năm 2023, lực lượng chức năng đã phối hợp tuyên truyền, huấn luyện phòng cháy, chữa cháy cho hàng trăm cơ sở; vận động hàng nghìn hộ gia đình, hộ gia đình kết hợp sản xuất, kinh doanh ký cam kết bảo đảm an toàn phòng cháy; xử phạt gần 270 cơ sở vi phạm; đồng thời kiến nghị khắc phục hơn 13.000 hạn chế…

Tuy nhiên, bất chấp những cố gắng đó, một số nơi ở Hải Dương vẫn xảy ra cháy, làm chết người và thiệt hại tài sản. Gần đây nhất là một cháu bé 19 ngày tuổi ở thôn Phượng Hoàng, xã Cẩm Hoàng (Cẩm Giàng) đã qua đời do bị bỏng chiều 8/5. Cả bố mẹ của cháu bé cũng đều phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng nguy kịch. Nguyên nhân vụ việc đang được điều tra.

Trong đêm 4/5, tại cửa hàng hoa Lâm Oanh ở thị trấn Thanh Miện cũng xảy ra vụ cháy thương tâm làm cháu bé 12 tuổi tử vong, 2 người lớn bị thương. Được biết bên trong ngôi nhà một tầng rộng khoảng 70 m2 có gác lửng này chứa nhiều vật liệu dễ cháy như hoa nhựa, mút xốp, giấy bìa…

Trước đó, cũng trong đêm, kho xưởng sản xuất nhãn, bao bì carton, băng dính, tái chế phế liệu nhựa… rộng khoảng 1.000 m2 của Công ty TNHH Hoàng Lê ở TP Hải Dương đang bị đình chỉ hoạt động cũng bị cháy rụi. Rất may không thiệt hại về người… Trong năm 2023, toàn tỉnh đã xảy ra 37 vụ cháy, làm 2 người chết.

Cháy chủ yếu do sự cố hệ thống thiết bị điện; bất cẩn trong sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, thắp hương thờ cúng… Các vụ cháy lớn thường xảy ra vào ban đêm và ngoài giờ làm việc.

Thực tế, các vụ cháy trên địa bàn Hải Dương có diễn biến phức tạp, khó lường, chủ yếu do hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ của doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể phát triển nhanh về số lượng, quy mô; khu dân cư tập trung mật độ dân số ngày càng lớn; sử dụng nhiều điện, hàng hóa, vật tư dễ cháy trong nhà xưởng sản xuất, kho chứa, nơi tổ chức kinh doanh, dịch vụ. Hầu hết những nơi xảy ra cháy, người đứng đầu cơ sở, chủ hộ gia đình chủ quan, chưa thực sự quan tâm công tác phòng ngừa, chưa có phương án chữa cháy phù hợp.

Việc tập huấn, diễn tập phòng cháy, chữa cháy dù đã được nhiều cơ quan, đơn vị trong tỉnh quan tâm phối hợp tổ chức thực hiện, nhưng đối tượng được tham gia có hạn, có cuộc còn hình thức, khi xảy ra cháy trong tình trạng hoảng loạn rất khó xử trí. Khu vực xảy ra cháy ở ngõ nhỏ, sâu, điều kiện giao thông, nguồn nước, lực lượng, phương tiện tại chỗ còn hạn chế thì việc chữa cháy cũng cực kỳ khó khăn. Chưa kể số lượng, chất lượng phương tiện chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ của Hải Dương hiện nay chỉ đáp ứng được chữa đám cháy nhỏ và trung bình, cự ly gần. Khả năng đáp ứng chữa cháy, cứu nạn quy mô lớn, ở tầm cao và xa trung tâm TP Hải Dương là rất thấp.

Cháy, nổ có thể xảy ra bất cứ ở đâu, lúc nào nếu chúng ta chủ quan, lơ là. Thời gian tới, nắng nóng được dự báo sẽ tiếp tục diễn ra trên diện rộng, nguy cơ cháy, nổ ở khu dân cư, hộ gia đình, chợ, cơ sở kinh doanh, cháy rừng và cả phương tiện giao thông sẽ rất cao. Bên cạnh lực lượng chức năng, mỗi người dân cần nêu cao ý thức phòng cháy, chữa cháy để bảo vệ tính mạng, tài sản của bản thân, gia đình và cộng đồng.

Tôi nhớ một câu nói “Hãy dành 30 giây để quan sát lối và đường thoát nạn nơi bạn đến”, như nhắc mỗi doanh nghiệp, đơn vị, gia đình cần bố trí lối thoát nạn an toàn hoặc các lối ra khẩn cấp ở ban công, lối lên mái… Hãy sắm một bình chữa cháy mini trong mỗi gia đình và trang bị đầy đủ thiết bị, phương tiện và cách chữa cháy ở mỗi đơn vị để kịp thời xử trí khi gặp sự cố cháy, nổ.

MẠNH TƯỜNG