Đại biểu Quốc hội cảnh báo "tiền đổ vào vàng"
Chênh lệch lớn giữa giá trong nước và thế giới là lý do khiến gia tăng buôn lậu, dòng tiền không vào sản xuất mà đổ vào vàng, theo đại biểu Quốc hội.
Tại thảo luận tổ về kinh tế xã hội sáng 23/5, các đại biểu Quốc hội bày tỏ lo ngại về giá vàng "nhảy múa" thời gian qua.
Ông Hà Sỹ Đồng, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Trị, nhìn nhận hai năm trở lại đây, giá vàng trong nước luôn cao hơn quốc tế, chênh 15-20 triệu đồng một lượng. "Điều này khiến thị trường vàng trong nước trở nên nhạy cảm hơn, kích thích hoạt động đầu cơ và nhập lậu, ảnh hưởng lên tỷ giá", ông Đồng nhận xét.
So với đầu năm, vàng miếng SJC trong nước tăng gần 24%, trong khi thế giới đắt thêm 20%. Điều người dân băn khoăn, theo ông Đồng, kim loại quý trong nước tăng đột biến "do ai, từ đâu".
"Vàng tăng giá do nguyên nhân thuần túy rằng đây là kênh đầu tư thay thế gửi tiền tiết kiệm, hay một nhóm lợi ích với các hành vi phi pháp, như tẩu tán tài sản, đầu cơ gây rối loạn thị trường", ông đặt vấn đề, thêm rằng Chính phủ cần có giải pháp căn cơ về thị trường vàng.
Ông Nguyễn Đại Thắng, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên cũng cho rằng phải có giải pháp để giải quyết tận gốc tình trạng giá nhảy múa.
"Chênh lệch lớn giữa giá trong nước và thế giới là lý do khiến tình trạng buôn lậu nhiều hơn, dòng tiền không vào sản xuất mà đưa vào vàng, đất", ông Thắng nói.
Thực tế thời gian qua, khi giá vàng trong nước tăng nóng, tình trạng nhiều người đổ đi mua vàng đã xảy ra. Một số thời điểm, nhiều thương hiệu lớn đã "cháy hàng" với vàng miếng và nhẫn trơn.
Từ 22/4, Ngân hàng Nhà nước bắt đầu gọi thầu vàng miếng SJC để tăng cung cho thị trường, sau 9 phiên, có 6 phiên thành công. Tổng cộng hơn một tháng qua, trên 48.000 lượng vàng miếng được nhà điều hành tung ra thị trường.
Tuy nhiên theo nhiều đại biểu Quốc hội, giải pháp này chưa hiệu quả khi thực tế "lại hâm nóng thị trường". Ông Trần Văn Lâm, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách nói, cách thức thực hiện các phiên đấu thầu vàng vừa qua không rõ mục tiêu. Theo ông, giá sàn - mức nhà chức trách công bố để doanh nghiệp bỏ thầu - cao, nên các đơn vị khi trúng thầu khó bán thấp hơn.
Để kéo vàng trong nước về sát với quốc tế, ông cho rằng, nhà chức trách cần tính đúng, đủ giá thành sản xuất trong nước, cộng với chi phí nhập khẩu và các chi phí khác để làm giá khởi điểm đấu thầu.
"Vừa qua, giá sàn đấu thầu sát với giá thị trường nên không hiệu quả. Chúng ta muốn bán vàng với giá cao để thu tiền về, hay đấu thầu ổn định thị trường, tâm lý người dân?", ông Lâm đặt vấn đề.
Ở khía cạnh này, ông Hoàng Văn Cường, Phó hiệu trưởng Đại học Kinh tế quốc dân cũng nói "cứ sau mỗi phiên đấu thầu, giá vàng lại tăng". Bởi, mức giá sàn chào thầu cao, khi doanh nghiệp trúng thầu, họ phải bán ra mức cao hơn mua vào, làm giá tiếp tục tăng.
"Như vậy, mục tiêu lúc này không phải giảm giá mà là đấu thầu vàng làm sao thu được nhiều tiền. Nếu mục tiêu để giảm giá, liên thông trong nước với quốc tế thì giá tham chiếu phải bằng thế giới cộng với các loại thuế phí và nhu cầu", ông Cường góp ý.
Ở chiều ngược lại, ông Phạm Đức Ấn, Chủ tịch Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) cho rằng hiện tượng càng đấu thầu giá càng tăng chỉ xuất hiện trong giai đoạn đầu.
Thực tế, từ phiên gọi thầu ngày 14/5, nhà chức trách đã điều chỉnh tần suất, khối lượng chào thầu với mức tối thiểu, tối đa hợp lý hơn.
"Sau khi hoàn thiện cơ chế, cách thức đấu thầu sẽ tránh được hiện tượng này", ông Ấn nói, thêm rằng cần đánh giá ở tất cả khía cạnh để có chính sách quản lý phù hợp. "Nếu chúng ta không muốn vàng hóa nền kinh tế làm ảnh hưởng đến tỷ giá, thì việc kiểm soát chặt chẽ thị trường vàng rất cần thiết", ông chia sẻ.
Về lý thuyết, việc đấu thầu là giải pháp tăng nguồn cung để trung hòa nhu cầu thị trường, qua đó giúp "hạ nhiệt" giá vàng miếng về sát với thế giới. Tuy nhiên, kim loại quý tăng cao sẽ tác động đến tâm lý của người dân, ảnh hưởng tới sản xuất, kinh doanh.
Trưa nay, giá vàng miếng SJC đã giảm hơn 1 triệu đồng mỗi lượng, lùi về dưới ngưỡng 90 triệu đồng, cao hơn thế giới khoảng 17 triệu. Cụ thể, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) yết giá vàng miếng ở mức 87,8-89,8 triệu đồng mỗi lượng, giảm 1,1 triệu đồng so với cuối ngày hôm qua. Biên độ giá mua - bán thu hẹp xuống 2 triệu đồng.
Các đại biểu Quốc hội đề nghị Nhà nước phải sớm có biện pháp căn cơ đưa giá vàng trong nước về trạng thái bình ổn, ít nhất là phải tương đồng với thế giới. Ông Hoàng Văn Cường đề nghị sửa đổi Nghị định 24 về quản lý kinh doanh vàng. Bởi theo ông, Nghị định này chỉ hiệu quả trong giai đoạn trước đây, nhưng đang gây tác dụng ngược trong quản lý thị trường này.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cũng sốt ruột khi Nghị định 24 đến nay vẫn chưa được sửa, dù được đề cập rất nhiều lần. Ông Thanh cho biết, Ủy ban Kinh tế sẽ tổ chức phiên giải trình liên quan đến quản lý thị trường vàng.