Thụy Điển thừa lính nghĩa vụ
Trong khi nhiều nước châu Âu chật vật thu hút tân binh, Thụy Điển lại phải loại bớt, chỉ tuyển những người ưu tú vì có quá nhiều đơn xin nhập ngũ.
Tại địa điểm sâu trong rừng Scandinavia, Elin Forsberg bị ghì sát xuống đất, cánh tay bị hai binh sĩ khóa chặt sau lưng, khi thực hành nội dung huấn luyện bắt giữ kẻ địch. Cô gái 19 tuổi này là một trong những thành viên mới nhất của lực lượng vũ trang Thụy Điển sau quá trình cạnh tranh suất nhập ngũ đầy khốc liệt.
"Được nhập ngũ và trở thành tân binh là một đặc ân", Forsberg nói.
Trong cuộc huấn luyện, cô đóng vai kẻ xâm nhập vào kho vũ khí của trung đoàn. Đơn vị của cô cuối năm nay sẽ được điều tới Latvia, tham gia nhiệm vụ quốc tế đầu tiên của Thụy Điển với tư cách thành viên NATO.
Trong khi nhiều nước châu Âu chật vật thu hút tân binh, Thụy Điển mỗi năm phải từ chối hàng nghìn thanh niên mong muốn nhập ngũ.
Là thành viên mới nhất của NATO, Thụy Điển tin rằng cách tốt nhất để tăng cường khả năng phòng thủ là tăng chất lượng quân đội. Tuyển quân theo mô hình của Thụy Điển giống như bộ lọc người ưu tú, thay vì tuyển ồ ạt.
Theo quy định của Thụy Điển, tất cả nam nữ thanh niên ở quốc gia 10,5 triệu dân này đều phải nhập ngũ, song quân đội không cần nhiều quân. Thay vì tuyển tất cả, họ chỉ chọn ra những tân binh xuất sắc nhất thông qua quá định tuyển mộ, sàng lọc nghiêm ngặt.
Điều đó tạo ra vòng tuyển chọn chất lượng cho lực lượng tham gia nghĩa vụ quân sự, thường kéo dài tới 15 tháng tùy từng vị trí. Binh sĩ sau khi xuất ngũ sẽ tham gia lực lượng dự bị của đất nước trong 10 năm, hoặc cho đến khi bước sang tuổi 47.
Hệ thống tuyển chọn đã chứng tỏ thành công trong việc đào tạo lực lượng quân sự chất lượng cao. Nhiều lính nghĩa vụ sau khi ra quân thậm chí được các cơ quan dân sự hoặc công ty công nghệ săn lùng, đánh giá cao.
Để tham gia ứng tuyển nghĩa vụ quân sự, Forsberg đã dành nhiều tháng rèn luyện sức khỏe như nâng tạ, chạy bộ bất chấp thời tiết giá lạnh khắc nghiệt ở quê nhà Kungsbacka.
"Tôi luôn muốn gia nhập quân đội. Nếu ai đó nói rằng họ đang trong quân đội, bạn sẽ nhìn họ đầy ngưỡng mộ", cô nói.
Xung đột Ukraine đã thức tỉnh châu Âu rằng họ cần phải duy trì quân đội lớn và có khả năng sẵn sàng chiến đấu cao. Giới chức tình báo châu Âu cảnh báo Nga đang đặt mục tiêu tăng quân thường trực lên 1,5 triệu người vào cuối năm 2026 và có thể đụng độ với một nước thành viên NATO nếu chiến thắng ở Ukraine. Ưu thế quân sự của Nga đối với Ukraine sẽ tiếp tục tăng, "trừ khi các nước phương Tây nhanh chóng củng cố lực lượng", một quan chức tình báo nói.
Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng cảnh báo về cuộc tấn công của Moskva nhằm vào thành viên NATO là "hoàn toàn vô lý". Đầu năm 2022, Điện Kremlin từng đưa ra những bác bỏ tương tự trước cảnh báo của Mỹ về cuộc tấn công vào Ukraine.
Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius cũng cảnh báo rằng châu Âu nên chuẩn bị cho khả năng chiến tranh với Nga vào cuối thập kỷ này. Ông cho rằng quyết định bãi bỏ chế độ nghĩa vụ quân sự của Đức năm 2011 là sai lầm, thêm rằng chương trình này nên được nối lại.
Nghĩa vụ quân sự từng là chính sách phổ biến trên khắp châu Âu trong thế kỷ 19. Nhưng sau Chiến tranh Lạnh, hầu hết các nước đều từ bỏ chính sách nghĩa vụ quân sự, xây dựng lực lượng chuyên nghiệp có quy mô nhỏ hơn, cắt giảm ngân sách quốc phòng và ưu tiên cho mục tiêu phát triển kinh tế. Dân số già và phúc lợi xã hội tốn kém khiến việc duy trì ngay cả những đội quân nhỏ cũng trở nên khó khăn.
Đồng thời, trọng tâm chiến lược quân sự của các nước phương Tây cũng chuyển từ phòng thủ lãnh thổ sang đối phó với mối đe dọa mới như khủng bố và hỗ trợ nhiệm vụ quốc tế tại Afghanistan, Iraq. Những tiến bộ về công nghệ vũ khí cũng là lý do khiến nhu cầu về quân đội lớn suy giảm.
Từ năm 1990-2015, Đức giảm số lượng tiểu đoàn chiến đấu từ 215 xuống 34, theo Viện Nghiên cứu Chiến lược ở London. Trong cùng giai đoạn, các quốc gia châu Âu khác cũng có động thái tương tự. Số lượng tiểu đoàn của Italy giảm 67% , Pháp gần như tương đương. Các tiểu đoàn của Anh bị cắt giảm một nửa.
Mỹ cũng gặp khó khăn. Năm 2022, quân đội Mỹ không thể hoàn thành mục tiêu tăng tuyển quân 25%. Lục quân Mỹ đã phải hạ mục tiêu tuyển quân năm nay từ 65.000 xuống 55.000 người. Hải quân Mỹ dự đoán thiếu hụt khoảng 6.700 người trong tham vọng tuyển thêm 40.000 binh sĩ.
Thụy Điển là ngoại lệ, khi vẫn duy trì chế độ nghĩa vụ quân sự trong hơn một thế kỷ qua, coi đây là nền tảng để xây dựng quân đội. Những người trốn nghĩa vụ quân sự có thể bị phạt tiền hoặc lĩnh án tới một năm tù.
Nhưng Thụy Điển chưa từng phải áp dụng hình phạt như vậy, do số lượng ứng viên áp đảo nhu cầu. Kể từ năm 2017, Thụy Điển yêu cầu khoảng 100.000 người đăng ký dự tuyển nghĩa vụ quân sự, từ đó chọn ra khoảng 20% thực hiện bài kiểm tra tâm lý, thể chất. Khoảng 1/3 trong số họ được chọn làm lính nghĩa vụ.
Năm nay, trong số khoảng 100.000 thanh niên trong tuổi nhập ngũ, chỉ 6.200 người được chọn, tăng hơn 10% so với năm ngoái. Quốc gia này đặt mục tiêu tuyển mộ 8.000 quân vào năm tới và 10.000 quân trong năm sau đó.
Ứng viên lính nghĩa vụ Thụy Điển không chỉ được sát hạch về thể chất và sức khỏe tâm thần, mà còn được kiểm tra IQ và động lực gia nhập quân đội. Không phải tất cả những người đáp ứng yêu cầu nhập ngũ đều thực sự muốn phục vụ quân đội và Thụy Điển sẽ loại họ, nhằm đảm bảo binh sĩ không chỉ có kỹ năng mà còn có động lực chiến đấu cao.
Forsberg đã hoàn thành xuất sắc các bài kiểm tra đến mức cô được chọn để huấn luyện trở thành lính trinh sát pháo binh cho đại đội xe chiến đấu 90 thuộc trung đoàn Nam Scania.
Cô nhập ngũ hồi tháng 3, vài giờ trước khi lá cờ NATO tung bay trên căn cứ ở Revingehed, đánh dấu Thụy Điển chính thức trở thành thành viên liên minh.
Ngày nay, Thụy Điển có thể huy động khoảng 66.000 quân nhân, trong đó có khoảng 12.000 quân dự bị, 20.000 quân nhân tình nguyện, ít hơn nhiều so với mức đỉnh điểm 850.000 quân vào thời Chiến tranh Lạnh. Mục tiêu của Thụy Điển hiện là tăng quân thường trực lên 100.000 người vào năm 2030.
"Tôi mong ước trở thành lính nghĩa vụ từ khi còn đi học", Ida Carlsson, người mới gia nhập trung đoàn Nam Scania hồi tháng 3 và được chọn trở thành chỉ huy trung đội trinh sát nữ đầu tiên trong 13 năm.
Vì nghĩa vụ quân sự luôn thu hút những người tài giỏi nhất trong các thế hệ trẻ ở Thụy Điển, binh sĩ xuất ngũ luôn được coi trọng. Sau 14 tháng phục vụ trong quân đội với tư cách thông dịch viên tiếng Ba Tư, Anders Friden trở thành nhân viên đại sứ quán Thụy Điển ở Tehran, Iran.
Friden sau đó làm tư vấn quản lý ở Mỹ và hiện đầu quân cho một công ty công nghệ ở Zurich, Thụy Sĩ. Người đàn ông 35 tuổi cho biết tất cả ông chủ đều đánh giá cao những kỹ năng mà anh có trong khoảng thời gian phục vụ quân đội.
"Tôi nghĩ xã hội Thụy Điển công nhận rằng tham gia nghĩa vụ quân sự là việc đáng làm", anh nói.