Kinh tế

Hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải qua Hải Dương - Chờ ngày được cứu

HÀ KIÊN - THÀNH CHUNG 23/05/2024 09:55

Đã có một số biện pháp được triển khai và đã có kết quả nhất định. Tuy nhiên, mức độ ô nhiễm hệ thống Bắc Hưng Hải vẫn ở mức cao.

anh-cover-bai.jpg

Nếu cần thiết sẽ thành lập ban quản lý lưu vực sông, nghiên cứu xử lý hình sự hành vi cố tình xả thải bẩn, dùng vệ tinh giám sát nguồn gây ô nhiễm hệ thống Bắc Hưng Hải. Đây là một số biện pháp mới nhất được đưa ra nhằm từng bước cứu lấy đại công trình thủy lợi đang bị "bức tử" từng ngày.

Từ sứ mệnh lịch sử tới... bị bức tử từng ngày

Ngày 1/10/1958, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã bổ nhát cuốc đầu tiên tại công trường thi công cống Xuân Quan, mở đầu việc xây dựng công trình đại thủy nông Bắc Hưng Hải.

Hàng vạn bộ đội, học sinh cùng dân công các huyện Gia Lộc, Bình Giang, Thanh Miện (Hải Dương); Gia Lương, Thuận Thành (Bắc Ninh); Kim Động, Khoái Châu, Văn Giang (Hưng Yên)… nô nức lên công trường, ra quân với khí thế quyết thắng. Nhiều tuyến đê dọc công trình này giăng kín khẩu hiệu, cờ đỏ sao vàng bay phấp phới, tiếng loa truyền thanh vang suốt đêm ngày...

Trích từ phim tài liệu Nước về Bắc Hưng Hải do Xưởng phim Việt Nam sản xuất năm 1959

Tinh thần, khí thế của những ngày tháng 10/1958 ấy, những ngày mà quân và dân cùng quyết tâm cao độ cho một công trình mang ý Đảng, lòng dân cũng là đoạn hồi ức không thể nào quên đối với cụ Nguyễn Thị Sợi ở xã Phạm Trấn (Gia Lộc). Cụ Sợi là một trong hàng trăm nam, nữ thanh niên của làng Nam Cầu ngày ấy đi đắp đê, đào kênh Đình Đào, một trong những công trình dẫn nước lớn của hệ thống Bắc Hưng Hải. Đã bước sang tuổi 101, dù trí nhớ của cụ đã bị thời gian xóa vợi phần nào nhưng riêng ký ức về những ngày thi đua hăng say trên công trường vẫn hệt như ngày nào.

Vượt qua khối lượng công việc khổng lồ bằng tinh thần đoàn kết, tự lực cánh sinh, chỉ sau 7 tháng, ngày 1/5/1959, đại công trình thủy nông được đào bằng sức dân đã hoàn thành. Công trình bảo đảm cung cấp nước tưới cho hơn chục nghìn ha lúa, hoa màu, cây công nghiệp và tiêu úng cho gần 20.000 ha lưu vực. Cũng nhờ hệ thống thủy nông này, không những diện tích, năng suất và sản lượng lúa tăng lên đáng kể mà cơ cấu trong nông nghiệp của vùng cũng được chuyển đổi mạnh, mang lại hiệu quả lớn.

Nay thì sao? Ô nhiễm nặng nề. “Ngày ấy chúng tôi thi đua xây dựng, lấy sức người để thắng thiên nhiên. Từng phần việc cứ thế hoàn thành, viết nên bản trường ca Bắc Hưng Hải. Từ ấy, biết bao thửa ruộng, luống rau phát triển nhờ nước, biết bao gia đình thoát cảnh nghèo khó, ổn định cuộc sống. Vậy mà giờ đây, nước của Bắc Hưng Hải ô nhiễm. Buồn và thất vọng lắm”, cụ Sợi chia sẻ.

buon-qua-mot-cong-trinh-thuy-loi-voi-biet-bao-ky-vong-nay-lai-o-nhiem-nang-ne.jpg

Theo số liệu thống kê từ Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải (Công ty Bắc Hưng Hải), đến cuối năm 2023 có khoảng 3.600 nguồn xả thải vào hệ thống thủy lợi này, với tổng lưu lượng ước tính hơn 502.000 m3/ngày đêm. Trong đó nước thải sinh hoạt chiếm 58,81%, nước thải công nghiệp chiếm 24,6%, nước thải thủy sản chiếm 7,35%, nước thải chăn nuôi chiếm 5,53%, còn lại là nước thải từ các cơ sở sản xuất, kinh doanh, y tế, làng nghề.

Tổng số nguồn xả thải vào hệ thống Bắc Hưng Hải thuộc diện phải cấp phép là 1.950 cơ sở. Nhưng đến cuối tháng 9/2020 mới có 295 cơ sở được cấp phép và chỉ 94 giấy phép còn thời hạn sử dụng.

Vấn đề ô nhiễm hệ thống Bắc Hưng Hải rất trầm trọng, nhưng việc xử lý hết sức nan giải. Nguyên nhân chính do nguồn thải chưa được xử lý xả trực tiếp vào hệ thống. Theo Công ty Bắc Hưng Hải, chỉ có gần 19% tổng lượng nước thải phát sinh đã được xử lý, trong đó nước thải công nghiệp chiếm hơn 60%. Hầu hết nước thải sinh hoạt, làng nghề, chăn nuôi, cơ sở sản xuất nhỏ lẻ chưa được xử lý dẫn đến nguồn thải xả vào hệ thống thủy lợi vượt quá khả năng tự làm sạch tự nhiên của kênh mương, làm cho mức độ ô nhiễm nước ngày càng gia tăng.

Diễn biến ô nhiễm nghiêm trọng tăng mạnh qua từng năm. Tỷ lệ mẫu có từ 5 thông số trở lên vượt quy chuẩn tăng từ 17,5% năm 2005 lên 69,44% vào năm 2021; tỷ lệ số mẫu bị ô nhiễm nghiêm trọng tăng từ 10,52% năm 2005 lên 75% vào năm 2021.

Hải Dương – Nơi cuối nguồn “lãnh đủ”

Trên địa bàn tỉnh Hải Dương, hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải đi qua 7 huyện, thành phố gồm: Cẩm Giàng, Bình Giang, Tứ Kỳ, Gia Lộc, Ninh Giang, Thanh Miện và TP Hải Dương với chiều dài 124 km, gồm 8 tuyến của kênh trục chính: Kim Sơn, Cửu An, Tây Kẻ Sặt, Tràng Kỹ, Đình Đào, Kênh Cái, Lộng Khê - An Thổ, Lộng Khê - Cầu Xe.

Điểm thượng nguồn của hệ thống Bắc Hưng Hải chảy qua Hải Dương là cống Tranh ở xã Thúc Kháng (Bình Giang).

Trước khi đại công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải được xây dựng, những cánh đồng khu vực này khát khao từng giọt nước trong khi nước sông Hồng cuồn cuộn chảy. Mưa 3 ngày đã úng, nắng 3 ngày đã hạn. Lòng người rạn nứt với cánh đồng, đau đớn cùng cây lúa héo khô. Nước là ước mong của hơn 1 triệu nông dân ở 3 tỉnh khi đó. Giờ đây, hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải đã có, nước cũng có, nhưng nước đó lại bẩn, bẩn đến nỗi không ít người dân than rằng: “Đưa dòng nước vào nửa mừng ruộng có nước, nửa lo là nguy hiểm, không biết cây lúa có chịu được không, hay là hạt lúa có ảnh hưởng tới sức khỏe mình không?".

Bà Lưu Thị Thiệp, sinh năm 1963, ở dốc cống Tranh, xã Thúc Kháng (Bình Giang) bức xúc: "Cây lúa, rau màu không thể dùng nước từ hệ thống Bắc Hưng Hải để tưới vì quá ô nhiễm. Còn người dân chúng tôi thì như bị tra tấn, nhất là ngày nắng, mùi hôi thối bốc lên, mùi tanh đến mức ngạt thở". Nhà bà Thiệp có 5 sào ruộng song thay vì dùng nước từ hệ thống này, bà phải dùng nước giếng khoan.

Sống cạnh cống Tranh nhưng bà Lưu Thị Thiệp cùng nhiều hộ dân khác ở xã Thúc Kháng (Bình Giang) không thể dùng nước từ hệ thống Bắc Hưng Hải để tưới cho hoa màu

Cuối tháng 2/2023, nguồn nước trong hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải đoạn qua huyện Bình Giang bị ô nhiễm nghiêm trọng, không có nước tưới khiến hơn 100 ha lúa của huyện này khô nẻ.

Từ đầu năm 2024 đến nay, số liệu từ báo cáo nhanh được công khai trên website của Công ty Bắc Hưng Hải cho thấy rất nhiều thời điểm khu vực thượng nguồn cống Tranh, tức ở phía Hưng Yên dòng nước có màu đen, bốc mùi hôi thối.

Hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải đoạn qua Hải Dương không những phải hứng chịu dòng ô nhiễm từ thượng nguồn đổ về, mà ngay trong tỉnh cũng bị ô nhiễm nặng. Khu vực TP Hải Dương, kênh T1 tiêu nước thải của làng nghề phường Tứ Minh, một phần của khu dân cư phía tây qua trạm bơm Lộ Cương; kênh T2 tiêu nước thải dân cư, bệnh viện, cụm công nghiệp trên địa bàn TP Hải Dương là 2 tuyến kênh có thể nói ô nhiễm nhất. Nước luôn có màu đen như màu mực, mùi hôi thối nồng nặc, thậm chí nổi nhiều váng, bọt.

kenh-t2.jpg
Kênh T2
Nước từ kênh T2 đen kịt
dòng nước luôn có màu đen kịt, bốc mùi hôi thối
thậm chí nổi váng
thậm chí nổi váng
4.jpg
cửa cống Bình Lâu cũng trong tình trạng tương tự
5.jpg
khiến bà Phạm Thị Quế ở số 1 đường Bình Lộc, phường Tân Bình (TP Hải Dương) cùng nhiều người dân ở đây phải chèn kín giẻ ở cửa để ngăn mùi bay vào nhà

Khu vực được cho là "sạch" nhất có lẽ là điểm cuối cùng của hệ thống Bắc Hưng Hải: cống Cầu Xe, cống An Thổ trên địa bàn huyện Tứ Kỳ bởi người dân vẫn dùng được nước từ hệ thống này để tưới hoa màu.

Chờ từng ngày được cứu

Ai đã đầu độc hệ thống Bắc Hưng Hải? Tại sông Cầu Bây, đoạn chảy qua khu vực huyện Gia Lâm (Hà Nội), nước sông lúc nào cũng ở trong trạng thái đen đặc, bốc mùi hôi thối do ngày ngày hứng chịu nước thải từ hàng loạt khu công nghiệp, khu dân cư trên địa bàn một số địa phương của Hà Nội. Cứ thế, dòng nước ô nhiễm không được xử lý chảy thẳng vào vị trí đầu nguồn sông Bắc Hưng Hải.

Và thế là mặt ruộng lại phải chịu cảnh khô, nứt nẻ hệt như những ngày trước khi hệ thống thủy lợi này chưa được xây dựng.

1(1).jpg
2(2).jpg

Cách cống Xuân Thụy không xa là một con kênh nhỏ chảy qua cụm công nghiệp xã Tân Quang, huyện Văn Lâm (Hưng Yên) và xã Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm (Hà Nội). Mỗi ngày, tổ hợp các cơ sở dệt nhuộm và nhà máy ở 2 xã giáp ranh này cùng nhau "đầu độc" dòng kênh bằng những thứ hóa chất độc hại.

Xuôi về phía hạ nguồn là vô số những cống xả thải khác trên một số địa bàn của cả Hà Nội và Hưng Yên.

1(1).jpg
Màu nước đen như màu mực của hệ thống Bắc Hưng Hải đoạn qua huyện Yên Mỹ (Hưng Yên)
2(1).jpg
Dòng nước đen đầu độc hệ thống Bắc Hưng Hải ở xã Nghĩa Trụ (Văn Giang, Hưng Yên)
3(1).jpg
Dòng nước đen đổ qua cống Kiêu Kỵ (Gia Lâm, Hà Nội) chảy thằng vào hệ thống Bắc Hưng Hải
5(1).jpg
Dòng nước đen, đặc quánh ở kênh Trần Thành Ngọ (Hưng Yên) đổ thẳng ra hệ thống Bắc Hưng Hải

Chỉ cần tra cứu trên Google là dễ dàng tìm thấy hàng loạt hình ảnh, clip, thông tin về mức độ ô nhiễm của hệ thống Bắc Hưng Hải như chúng tôi vừa điểm.

Theo số liệu thống kê của Bộ Công an, từ tháng 7/2023 đến tháng 3/2024, Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (C05) và Công an Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh, Hải Dương đã tiến hành kiểm tra, xử lý 55 vụ vi phạm quy định trong chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường liên quan đến hệ thống Bắc Hưng Hải, xử phạt vi phạm hành chính gần 8 tỷ đồng.

Có nơi đã nhiều lần bị cơ quan chức năng xử phạt vi phạm, song vẫn tái diễn. Điển hình như khu công nghiệp dệt may Phố Nối B, huyện Yên Mỹ (Hưng Yên) - một trong những "điểm đen" gây ô nhiễm nguồn nước.

1(5).jpg
2(5).jpg
4(3).jpg
5(3).jpg
3(5).jpg

Điển hình như khu công nghiệp dệt may Phố Nối B, huyện Yên Mỹ (Hưng Yên)- một trong những "điểm đen" gây ô nhiễm nguồn nước, đã từng bị cơ quan chức năng xử phạt nhiều lần.

Khu công nghiệp này hiện có 60 doanh nghiệp hoạt động, trong đó 80% là các công ty dệt nhuộm.

Đáng nói, khu công nghiệp này mới chỉ có một nhà máy xử lý nước thải vận hành, còn một nhà máy đang trong giai đoạn hoàn thiện.

Sử dụng ống ngầm, khu công nghiệp này không qua nhà máy xử lý nước thải mà xả thẳng nước thải ra ngoài thông qua hệ thống thoát nước mưa. Hệ thống thoát nước mưa của khu công nghiệp này chạy quanh các trục giao thông, trước cửa các doanh nghiệp.

Điểm cuối hệ thống này đổ ra bể chứa nước mưa, thông với kênh Trần Thành Ngọ chảy vào hệ thống Bắc Hưng Hải

Hậu quả, nước thải chưa qua xử lý như "vết dầu loang", không những trong khu công nghiệp này, mà còn đầu độc cả hệ thống Bắc Hưng Hải.

Đầu tháng 8/2023, Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 315/TB-VPCP về kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại hội nghị về xử lý ô nhiễm môi trường hệ thống công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải. Trong văn bản này, 6 nhóm giải pháp được nêu. 8 Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Công an, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương, Xây dựng, Khoa học và Công nghệ, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính cùng 4 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh, Hải Dương được giao từng nhiệm vụ cụ thể.

Theo ông Trịnh Thế Trường, Chủ tịch Công ty Bắc Hưng Hải, giải pháp căn cơ để giải quyết tình trạng ô nhiễm của hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải, đó là các địa phương phải có biện pháp thu gom, xử lý các nguồn thải.

Nếu xử lý hành chính, xử phạt nhiều lần vẫn không khắc phục thì phải khởi tố để xử lý hình sự. Đây là quan điểm chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an liên quan đến ô nhiễm Bắc Hưng Hải. Thời gian tới, C05 sẽ hướng dẫn công an các địa phương thực hiện thí điểm một số vụ để nêu gương, cảnh tỉnh.

Cục Viễn thám quốc gia (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đang lên kế hoạch giám sát các nguồn phát thải cao, nguy cơ gây ô nhiễm trên toàn hệ thống Bắc Hưng Hải thông qua dữ liệu trực tiếp thu về từ trạm viễn thám VNREDSat-1, SPOT 6 và các loại dữ liệu phụ trợ khác. Từ đó bóc tách dữ liệu về nguồn ô nhiễm, tình trạng ô nhiễm, cùng với thông số từ các trạm quan trắc để dự báo, cảnh báo và xử lý vi phạm.

Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường cũng nhấn mạnh nếu cần thiết sẽ thành lập Ban Quản lý lưu vực sông và trao quyền, gắn trách nhiệm đối với lãnh đạo UBND tỉnh rõ ràng, để từ đó có sự vào cuộc quyết liệt và phối hợp, gắn kết tốt giữa các địa phương nhằm hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường cũng như có cơ hội cứu những dòng sông “chết”.

1920x1080-0.png

Cuối tháng 3/2024, trạm bơm dã chiến Xuân Quan được vận hành. 8 tổ máy của trạm này bơm một lượng 16 m3 nước/s từ sông Hồng vào, góp phần pha loãng nguồn nước ô nhiễm của hệ thống Bắc Hưng Hải.

Song đây chưa phải giải pháp triệt để. Phải xử lý nguồn nước thải trước khi xả vào hệ thống này mới là điều cần làm. Vì nếu hệ thống này vẫn bị đầu độc bởi thứ nước đen đặc quánh, bốc mùi hóa chất như thế này thì "pha loãng" thế nào đây?

dsc_3771.jpg
Trạm bơm dã chiến Xuân Quan
ua-nuoc-mua-cua-kcn-det-may-pho-noi-b-nuoc-mau-den-dac-quanh-boc-mui-hoa-chat-phia-mieng-cong-thoat-nuoc-lien-tuc-co-vang-chay-radinh-huy-online-171197407718761061131.jpg
Bể chứa nước mưa của khu công nghiệp Phố Nối B: nước màu đen đặc quánh, bốc mùi hóa chất, phía miệng cống thoát nước liên tục có váng chảy ra

Ngày 20/9/1958, trong lần đầu tiên đến thăm công trường, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh ý nghĩa của đại thủy nông Bắc Hưng Hải đối với công việc chống hạn. Người nói rằng “công trình Bắc Hưng Hải thành công thì mỗi năm đồng bào đỡ mấy triệu công chống hạn, thu hoạch lại càng tăng thêm. Bây giờ chịu khó phấn đấu trong mấy tháng, sau này sẽ hưởng hạnh phúc lâu dài hàng trăm năm”.

Thế nhưng, tháng 5/2024, tròn 65 năm kể từ khi công trình thế kỷ Bắc Hưng Hải được đưa vào sử dụng, ý nghĩa và mong mỏi ấy đã hao mòn. Người dân đặt câu hỏi rằng sau những quyết tâm, trước hết thể hiện bằng việc Chính phủ giao nhiệm vụ cho từng bộ, ngành, địa phương như vừa nêu, Bắc Hưng Hải khi nào sẽ được hồi sinh?

Nội dung: HÀ KIÊN

Ảnh: THÀNH CHUNG

Bài viết có sự cố vấn nội dung của Nhà báo ĐỖ DOÃN HOÀNG, cùng một số hình ảnh, thông tin từ Báo Thanh Niên

HÀ KIÊN - THÀNH CHUNG