Thu lợi nghìn tỷ, khối tài sản kếch xù của Phan Quốc Việt bị xử lý ra sao?
Thu lợi hơn nghìn tỷ đồng, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Việt Á Phan Quốc Việt không nhớ nổi số tài sản bị kê biên. Sau phiên tòa phúc thẩm, số phận tài sản của bị cáo đã được định đoạt.
Công ty Việt Á có vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng, gồm 4 cổ đông sở hữu vốn. Trong đó, Phan Quốc Việt sở hữu 47,25% vốn điều lệ, bà Hồ Thị Thanh Thủy (vợ bị cáo Việt) sở hữu 24%.
Cơ quan điều tra (CQĐT) làm rõ, thông qua việc nâng khống giá thành vượt quá nhiều lần, Công ty Việt Á gây thiệt hại và được hưởng lợi số tiền hơn 1.235 tỷ đồng.
Vụ án bị phanh phui, cơ quan chức năng đã phong tỏa 52 sổ tiết kiệm đứng tên mẹ bị cáo Việt (tổng số tiền trị giá hàng trăm tỷ đồng) và 2 sổ tiết kiệm đứng tên con bị cáo (trị giá 20 tỷ đồng), cùng nhiều bất động sản giá trị khác, trong đó có 16 bất động sản ở số 9 Mạc Đĩnh Chi, phường Bến Nghé, TP Hồ Chí Minh.
Tại phiên tòa sơ thẩm, khi Hội đồng xét xử (HĐXX) đặt câu hỏi với Phan Quốc Việt về việc bị cáo có bao nhiêu tài sản bị phong tỏa, bị cáo đáp: “Không nhớ hết”.
Theo bản án sơ thẩm, đối với các khoản tiền hưởng lợi của Việt Á từ việc nâng khống giá thành vượt quá nhiều lần, gây thiệt hại hơn 1.235 tỷ đồng, HĐXX buộc công ty này nộp toàn bộ số tiền trên sau khi khấu trừ các khoản đã đưa hối lộ và những khoản liên quan.
Về số tiền trong tài khoản tiết kiệm của mẹ và con bị cáo Phan Quốc Việt, HĐXX cho rằng, đây là tiền liên quan đến việc bán kit test nên yêu cầu bị cáo Việt nộp lại để sung công quỹ Nhà nước.
Đối với 16 bất động sản ở số 9 Mạc Đĩnh Chi (phường Bến Nghé, TP Hồ Chí Minh), Chủ tịch Việt Á cho rằng, đây là tài sản của ông H.N.L. (bạn thân của bị cáo) trước đó vì rắc rối trong việc hợp tác làm ăn đã phải đem thế chấp cho một ngân hàng.
Để giúp bạn "đảo nợ", bị cáo Phan Quốc Việt đồng ý đứng tên mua lại 16 bất động sản rồi sau đó lại mang thế chấp ngân hàng để vay tiền giúp bạn. Tại tòa, ông H.N.L. thừa nhận việc này.
Có mặt tại tòa, đại diện ngân hàng đề nghị được xử lý tài sản trên, cụ thể là phát mại 16 bất động sản để thu nợ gốc và lãi đến thời điểm tháng 12/2023 là 853 tỷ đồng. Trong khi đó, ông H.N.L. chấp nhận phương án để các bên ngồi lại với nhau tự giải quyết. Về việc này, bản án sơ thẩm cho rằng, cần yêu cầu xem xét kết quả và cam kết 3 bên để giải quyết.
Phán quyết về khối tài sản kếch xù
Sau bản án sơ thẩm, mẹ và vợ bị cáo Phan Quốc Việt kháng cáo đòi tài sản. Bà Đàm Thị Trịnh (mẹ của bị cáo Phan Quốc Việt) yêu cầu HĐXX cấp phúc thẩm hủy bỏ kê biên, phong tỏa 52 sổ tiết kiệm đứng tên của bà.
Bà Hồ Thị Thanh Thủy (vợ Phan Quốc Việt) kháng cáo đề nghị HĐXX cấp phúc thẩm hủy bỏ việc kê biên, phong tỏa 2 sổ tiết kiệm đứng tên 2 con và chồng là Phan Quốc Việt với tổng số tiền 20 tỷ đồng. Theo bà Thủy, 20 tỷ đồng này là tiền tích cóp trong hơn 10 năm của hai vợ chồng để cho các con ăn học.
Tại phiên tòa phúc thẩm, mẹ bị cáo Phan Quốc Việt cho rằng, tiền trong các sổ tiết kiệm bị kê biên là số tiền bà cho con trai vay để làm ăn.
Về nguồn gốc số tiền cho Việt vay, bà Đàm Thị Trinh giải thích đó là tiền gia đình kinh doanh từ hàng chục năm qua, tiền người thân gửi về và 1.000 cây vàng là của hồi môn. Bà Trinh mong HĐXX cấp phúc thẩm xem xét, cho vợ chồng bà được nhận lại số tiền trên.
Sau khi xem xét, HĐXX cấp phúc thẩm cho rằng, nguồn gốc số tiền trong 54 sổ tiết kiệm là từ tiền hưởng lợi bất chính của Phan Quốc Việt, không có cơ sở để trả lại cho bà Trinh và bà Thủy. Do đó, tòa bác yêu cầu hủy bỏ phong tỏa 54 số tiết kiệm đứng tên mẹ và con bị cáo Phan Quốc Việt.
Theo HĐXX, việc mẹ con bị cáo Phan Quốc Việt vay nợ nhau là giao dịch dân sự, không thuộc phạm vi xem xét của vụ án này.
Trước đó, Phan Quốc Việt cho hay, sẵn sàng dùng số tài sản bị kê biên để khắc phục vụ án.