Chuyện về người đầu tiên ở Hải Dương hiến giác mạc

Văn hoá-Xã hội - Ngày đăng : 16:20, 20/05/2024

Chị Nguyễn Thị Nga (sinh năm 1987) là người đầu tiên ở tỉnh Hải Dương hiến giác mạc sau khi qua đời...
coverok.png

Chị Nguyễn Thị Nga (sinh năm 1987) là người đầu tiên ở tỉnh Hải Dương hiến giác mạc sau khi qua đời. Tròn 10 năm sau ngày chị mất, nghĩa cử cao đẹp này vẫn đang từng ngày lan toả trong cộng đồng, góp phần xây dựng một xã hội nhân văn, nhân ái và giàu tình yêu thương.

tit1.png

Mùa này, giàn hoa giấy trước sân nhà nơi chị Nga từng sinh ra và lớn lên ở khu An Nhân Tây (thị trấn Tứ Kỳ) bung nở một màu đỏ thắm. Ngước nhìn những chùm hoa giấy đang đùa giỡn với ánh nắng, bà Vũ Thị Dụ (mẹ chị Nga) hồi tưởng về con gái bằng giọng nghẹn ngào: "Chùm hoa kia là con gái tôi, còn những tia nắng kia là ánh sáng con đã để lại cho đời. Nga đã đi xa nhưng lúc nào tôi cũng cảm thấy con như đang ở bên. Gia đình tôi rất tự hào về con gái".

img_7733(1).jpg
Bà Vũ Thị Dụ trước di ảnh con gái. Bà cho biết gia đình luôn tự hào trước nghĩa cử cao đẹp con gái mình đã để lại cho đời

Cho tôi xem những kỷ vật liên quan đến con gái được gói gém cẩn thận, bà Dụ kể hồi nhỏ chị Nga là người xinh xắn, thông minh, nết na. Nhưng khi đang học lớp 9, tai họa bỗng ập đến khi chị bị chẩn đoán mắc bệnh u tuỷ sống, bị liệt và phải nghỉ học. 10 năm ròng sau đó, chị Nga chỉ nằm một chỗ, không thể đi lại, mọi sinh hoạt hằng ngày dựa cả vào bố mẹ. Nhà nghèo, ông bà Dụ làm lụng vất vả cũng chỉ đủ tiền lo mấy miệng ăn và mua thuốc duy trì sự sống cho con gái. Bà Dụ phải đi xin vỏ chăn cũ, đem về nhà may vá thành những tấm vải nhỏ dùng để quây quấn, thấm những vết lở loét trên cơ thể của chị Nga do nằm lâu ngày. Cứ vài ngày, bà lại đến Bệnh viện Đa khoa huyện xin những ống thông nước tiểu đã qua sử dụng của sản phụ, mang về luộc sôi rồi cho con gái tái sử dụng.

Mấy năm cuối đời, bệnh tình của chị Nga xấu đi rất nhanh. Những cơn đau quằn quại ngày qua ngày giày vò thân xác chị và cả tâm can người mẹ tần tảo. Bà Dụ tuyệt vọng, khóc cạn nước mắt vì bao đêm trường thức trắng, thương con. Một ngày cơn túng quẫn lên đến đỉnh điểm, bà lấy dây buộc mình và con lại với nhau, định cắm vào ổ điện để giải thoát. "Nga cất lời can ngăn tôi, nói trước khi chết xin mẹ hãy cho con làm một việc ý nghĩa. Nghe em nói về việc mong muốn được hiến giác mạc sau khi chết, tôi sững sờ, tâm trạng rối bời, không nói được gì mà chỉ biết ôm con khóc. Nga rất lạc quan, còn động viên tôi không phải buồn", bà Dụ nhớ lại.

chum-1.jpg
10 năm đã trôi qua nhưng những ký ức, kỷ niệm đẹp về chị Nga vẫn được bà Dụ gìn giữ

Hoá ra từ mấy năm trước, trong một lần xem ti vi, chị Nga biết được việc hiến giác mạc sau khi qua đời sẽ giúp được những người khác bị mù do gặp tổn thương có cơ hội phục hồi thị lực. Chị ấp ủ tâm nguyện này, chờ đến thời điểm thích hợp mới nói ra vì lo bố mẹ suy nghĩ nhiều rồi đổ bệnh.

Trước tâm nguyện của con gái, cả gia đình bà Dụ ai cũng trăn trở, không biết phải thế nào vì bao đời nay ở địa phương chưa có ai làm điều này. Người trong xóm, ngoài làng xì xào, nói vợ chồng bà đồng ý thì thật nhẫn tâm, họ khuyên nên để con gái "chết toàn thây". Mất một thời gian khá dài, chị Nga cuối cùng cũng thuyết phục được gia đình đồng ý. Bà Dụ thay con gái viết đơn tình nguyện gửi lên Ngân hàng Mắt Trung ương (Bệnh viện Mắt Trung ương).

td-co-du-do-.png

Mùa xuân năm 2014, trái tim chị Nga ngừng đập sau 10 năm ròng rã kiên cường chiến đấu với bệnh tật. Đêm hôm đó, trời mưa, rét căm căm nhưng các bác sĩ của Ngân hàng Mắt Trung ương vẫn có mặt đúng giờ để giúp chị thoả tâm nguyện. Chị Nga trở thành người đầu tiên ở tỉnh Hải Dương hiến giác mạc nói riêng, bộ phận cơ thể người nói chung cho y học.

tit2(2).png

80 ngày sau, một buổi lễ "tôn vinh nghĩa cử cao đẹp của người hiến giác mạc" đã được Bệnh viện Mắt Trung ương và Hội Chữ thập đỏ huyện Tứ Kỳ phối hợp tổ chức trang trọng ngay tại quê nhà chị Nga.

ton-vinh-0d646149bc39cd9295a800db9f6d1fd6(1).jpg
Lãnh đạo Bệnh viện Mắt Trung ương, UBND huyện Tứ Kỳ tôn vinh nghĩa cử cao đẹp của chị Nga và gia đình (ảnh tư liệu)

Hôm ấy, các đại biểu và nhân dân tham dự buổi lễ rất xúc động khi nghe đại diện Bệnh viện Mắt Trung ương thông báo: "Giác mạc mà chị Nga để lại đã được ghép thành công cho 2 bệnh nhân. Cả 2 người này đã hồi phục thị lực, nhìn được bình thường". Bà Dụ đứng lặng người, rưng rưng hai hàng nước mắt nhưng đó là nước mắt của niềm hạnh phúc và tự hào.

img_5788.jpg
Một trong số nhiều bài báo lan tỏa nghĩa cử cao đẹp của chị Nga (ảnh gia đình cung cấp)

Thông tin về người đầu tiên ở tỉnh Hải Dương hiến giác mạc sau khi qua đời đã được nhiều cơ quan báo chí, truyền thông từ Trung ương đến địa phương lan toả. Nghĩa cử cao đẹp của chị Nga nhanh chóng làm thay đổi nhận thức, quan niệm của người dân, thức tỉnh hàng nghìn trái tim nhân ái, làm dấy lên phong trào đăng ký hiến tặng giác mạc và bộ phận cơ thể người không chỉ riêng ở tỉnh Hải Dương. "Sau buổi lễ, tôi nhận được nhiều cuộc điện thoại, kể cả ở tỉnh ngoài gọi hỏi về cách thức đăng ký hiến tặng giác mạc và bộ phận cơ thể người. Ở thị trấn Tứ Kỳ cũng có nhiều người đăng ký lắm, trong số này có cả vợ chồng tôi và con trai cả", bà Dụ thông tin.
Sau buổi lễ tôn vinh nghĩa cử cao đẹp của chị Nga, Bệnh viện Mắt Trung ương và Hội Chữ thập đỏ tỉnh Hải Dương đã phối hợp tổ chức 12 lớp tập huấn tuyên truyền về những kiến thức liên quan. Phong trào hiến tặng mô, tạng và bộ phận cơ thể người trong tỉnh cứ vậy lan toả, ngày càng nhận được sự ủng hộ của cộng đồng.

img_7791.jpg
Ông Vũ Bàn bên di ảnh bố là cụ Vũ Quang - người thứ 2 ở Hải Dương hiến giác mạc cho y học

Năm 2016, Hải Dương ghi nhận trường hợp thứ 2 hiến giác mạc sau khi qua đời. Đó là cụ Vũ Quang (sinh năm 1921) - một đảng viên sinh sống ở xã Minh Đức (cùng huyện Tứ Kỳ). Biết được nghĩa cử cao đẹp của chị Nga qua truyền hình, cụ đã tự mình viết đơn tình nguyện hiến giác mạc. Ông Vũ Bàn (con trai cụ Quang) cho biết: "Con cháu trong gia đình đã thực hiện đúng tâm nguyện của bố tôi. Cụ mất rồi, giác mạc không còn tác dụng nhưng lại có giá trị lớn với những người còn sống".

img_7623.jpg
Những cán bộ, công chức phường Minh Tân đã đăng ký hiến bộ phận cơ thể người cho y học

Về phường Minh Tân (Kinh Môn), tôi bất ngờ khi có trên 200 người dân đã viết đơn đăng ký hiến bộ phận cơ thể người, 51 người đã được Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia cấp thẻ. Cán bộ, công chức phường có 32 người thì trên 10 người đã đăng ký hiến. Ông Trần Khắc Quyền, Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND phường Minh Tân cũng đăng ký hiến bộ phận cơ thể người, chia sẻ: "Những thứ mình cho đi sau khi qua đời mà giúp ích được cho xã hội thì không phải ngần ngại. Tôi là cán bộ, đảng viên thì càng phải gương mẫu tham gia".

td-quyen2.png

Bà Trần Thị Giầu, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ phường Minh Tân và chồng là ông Nguyễn Văn Diễn cùng đăng ký hiến bộ phận cơ thể người. Một trong 2 người con của ông bà cũng đã làm theo bố mẹ. Bà Giầu cho biết ở nơi bà đang sinh sống có nhiều cặp vợ chồng đã đăng ký, nhiều người còn trẻ cũng hăng hái tham gia. "Lúc đầu khi mới vận động thì mọi người cũng lăn tăn. Nhưng qua hội nghị và từ những lần chị em đi chợ, ngồi chơi nói chuyện với nhau, tôi đều giải thích, tuyên truyền về ý nghĩa nhân văn cao cả của việc này nên họ dần hiểu, tình nguyện tham gia trên tinh thần cho đi là còn mãi", bà Giầu chia sẻ.

anh-doi(1).jpg
Không chỉ vận động chồng và con gái, bà Trần Thị Giầu (người cùng bên trái), Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ phường Minh Tân còn thường xuyên gần gũi vận động được nhiều người dân tham gia hiến bộ phận cơ thể người

Phong trào hiến bộ phận cơ thể người đã và đang phát triển ở nhiều nơi trong tỉnh. Theo Hội Chữ thập đỏ tỉnh, đã có hàng nghìn người ở tất cả 12 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đăng ký tham gia, gần 1.400 người đã được cấp thẻ. Các cấp hội trong tỉnh đang "kích hoạt" lại phong trào hiến tặng bộ phận cơ thể người trong cộng đồng sau một thời gian gián đoạn vì dịch Covid-19.

Ngày 25/4, Hội Chữ thập đỏ TP Chí Linh phối hợp với Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người tổ chức phổ biến kiến thức về hiến mô, tạng và bộ phận cơ thể người cho hơn 300 lãnh đạo UBND, Ủy ban MTTQ, trưởng các ban, ngành, đoàn thể các xã, phường trên địa bàn thành phố. Phó Giáo sư, tiến sĩ Đồng Văn Hệ, Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, Giám đốc Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người trực tiếp về truyền đạt kiến thức tại hội nghị này.

z5453151696922_fb8b7feb24e113c4c6947e5b1509ba5d(1).jpg
Phó Giáo sư, tiến sĩ Đồng Văn Hệ, Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, Giám đốc Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người trực tiếp tập huấn công tác tuyên truyền, vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người ở TP Chí Linh (Hải Dương)

Trao đổi với chúng tôi, ông Hệ cho biết Hải Dương là một trong 30 tỉnh, thành phố trên cả nước có phong trào đăng ký hiến bộ phận cơ thể người phát triển, lan tỏa đồng đều và ngày càng có nhiều người tham gia. Tỉnh có dân số đông, người dân giàu lòng nhân ái, các cấp Hội Chữ thập đỏ trong tỉnh lại có những cách làm sáng tạo nên phong trào này còn phát triển.

gheptang20052024.jpg

Nhu cầu ghép mô, tạng, bộ phận cơ thể người ở Việt Nam ngày càng lớn. Dân số nước ta đông hơn một số nước trong khu vực nhưng tỷ lệ người dân đăng ký hiến bộ phận cơ thể người lại thấp hơn.

Ông Hệ cho biết phải đổi mới cách làm để thúc đẩy phong trào này như Hải Dương đang làm. "Ở nhiều tỉnh, thành phố khác hầu như chỉ tập huấn cho cán bộ Hội Chữ thập đỏ nhưng như vừa rồi ở Chí Linh đã tổ chức tới lãnh đạo UBND, Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội cấp xã. Cách thức tổ chức này rất đáng để những nơi khác học tập", ông Hệ nói.

tit3(1).png

Phó Giáo sư, tiến sĩ Đồng Văn Hệ bày tỏ sự xúc động khi chúng tôi nhắc lại câu chuyện về chị Nga. Ông cho biết thời điểm năm 2014, số lượng người dân Việt Nam hiến giác mạc chưa nhiều. Tại Hải Dương và những tỉnh, thành phố lân cận mới có chị Nga là người đầu tiên. Vậy nên hành động cao đẹp của chị Nga khi đó đã trở thành một "hiện tượng". Hiện tượng ấy đã và đang lay động, giải phóng nhận thức, tư duy, tạo động lực cho rất nhiều người trong tỉnh Hải Dương mạnh dạn cầm trên tay lá đơn đăng ký tham gia hiến bộ phận cơ thể người.

img_7658.jpg
Hàng nghìn người Hải Dương đã thay đổi nhận thức, hăng hái tham đăng ký gia hiến bộ phận cơ thể người

Nghĩa cử cao đẹp của chị Nga ở Hải Dương nói riêng, những tấm gương khác ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước nói chung đã lay động hàng chục nghìn trái tim nhân ái. Tính đến tháng 5.2024, cả nước có trên 86.000 người đăng ký tham gia đăng ký hiến mô, tạng, bộ phận cơ thể, tăng khoảng 24.000 người so với năm 2022.

ghep-tag2.png

"Phong trào này ngày càng phát triển không chỉ góp phần tiếp nối những truyền thống nhân văn tốt đẹp của dân tộc mà còn viết lên một dòng chảy văn hoá mới của người Việt Nam - văn hoá tận hiến", ông Hệ nhấn mạnh.

td-he.png

Hội Chữ thập đỏ Hải Dương hiện có khoảng 70.000 hội viên và 15.000 cộng tác viên. Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Nguyễn Văn Thế nhận định đây sẽ là lực lượng nòng cốt để tiếp tục thúc đẩy phong trào hiến bộ phận cơ thể người. Ngay trong năm nay, hội tổ chức 20 lớp tập huấn sơ cấp cứu kết hợp lồng ghép tuyên truyền, vận động hiến bộ phận cơ thể người. "Chúng tôi sẽ đẩy mạnh phong trào này để góp phần tạo nên một xã hội đoàn kết, nhân văn, nhân ái, giàu tình thương yêu, tạo nền tảng để xây dựng, phát triển quê hương, đất nước", ông Thế nhấn mạnh.

td-the2.png

Viết về chị Nga và phong trào trên, tôi bất chợt nhớ lại những dòng thơ của nhà thơ Tố Hữu đã viết trước khi qua đời: “Tạm biệt đời ta yêu quý nhất/Còn mấy dòng thơ, một nắm tro/Thơ gửi bạn đường, tro bón đất/Sống là cho, chết cũng là cho”.

Nội dung: TIẾN MẠNH

Trình bày, ảnh: TUẤN ANH

TIẾN MẠNH - TUẤN ANH