Dành cho người yêu thơ

“Bắt đền tháng năm” - Tiếc nuối tuổi học trò vụt bay

LAM ANH 26/05/2024 08:32

Bài thơ “Bắt đền tháng năm” đã gợi lên trong lòng độc giả tình cảm sâu sắc và những ý niệm suy tư về thời gian.

Bắt đền tháng năm

Ta bắt đền tháng năm
Phá tung một góc trời bằng phượng đỏ
Và gió
Lật tơi bời trang vở cuối mùa thi
Mùa hạ chờ ta
Khi mùa xuân ra đi

Ta bắt đền tháng năm
Kỷ niệm xưa nằm lại
Con tàu chở trời xanh
Lắc lư đi mãi
Mùa hạ thành sân ga

Ta bắt đền tháng năm
Cõng sao về để đêm thành sâu thẳm
Mắt học trò nồng nàn trong nắng
Buồn
Xôn xao

Lặng im là tháng năm, cồn cào là ta
Đã bao lần người trở về như thế
Và mỗi lần ta biết mình không thể
Bắt đền tháng năm
BÌNH NGUYÊN TRANG

Bình Nguyên Trang tên thật là Vũ Thị Quỳnh Trang sinh năm 1977, quê ở Nam Định. Chị là nữ nhà thơ được nhiều bạn trẻ biết đến bằng những trang thơ đầy nữ tính, giàu nội tâm, đôi khi man mác nỗi u hoài xa vắng. Trang khá nhạy cảm và tinh tế trong từng cung bậc cảm xúc nên chỉ với riêng tháng 5, chị đã có hai bài thơ đầy nỗi niềm, đó là: “Tháng năm về phố cũ” và “Bắt đền tháng năm”. Đặc biệt, bài thơ “Bắt đền tháng năm” đã gợi lên trong lòng độc giả tình cảm sâu sắc và những ý niệm suy tư về thời gian.

Bài thơ có 4 khổ, được viết theo thể thơ tự do như mạch hoài niệm bâng khuâng, những hồi ức về thời gian học trò, tuổi thanh xuân đều được tái hiện qua từng câu chữ. Bài thơ mở đầu bằng những bất ngờ, những hình ảnh tượng trưng của tháng 5: "Phá tung một góc trời bằng phượng đỏ/Và gió/Lật tơi bời trang vở cuối mùa thi/Mùa hạ chờ ta/Khi mùa xuân ra đi".

“Phượng đỏ” là loài hoa thường được biết đến với vẻ đẹp rực rỡ và sự sống động của mình. Cái khéo của tác giả ở đây chính là kết hợp nó với động từ mạnh “phá tung” thể hiện sự mạnh mẽ, phá vỡ bất kỳ phần nào của không gian, của thế giới quen thuộc. Màu đỏ ấy cứ thế bừng cháy lên, phá tung mọi đường viền, mọi giới hạn của sắc màu. Để cho hình ảnh tiếp theo xuất hiện, tách riêng thành hai từ “và gió” thể hiện sự ngập ngừng, ngắt quãng cắt đứt tính mạch lạc của đoạn thơ. Có lẽ không chịu an phận, bằng sự nhanh nhẹn, hồn nhiên của mình, những cơn gió ấy đã lục lọi làm “lật tơi bời” những trang vở cuối mùa thi. Hai chữ “tơi bời” đảo ngược ấy, làm rối tung thay đổi trạng thái ban đầu, nói gợi một cuộc kiếm tìm vu vơ, vô định, mà cũng ngờ nghệch biết chừng nào. Trong khoảnh khắc giao thời đó, khi mà mùa xuân rời đi để nhường chỗ cho mùa hạ bừng cháy là ý niệm sâu sắc về dòng chảy của thời gian, sự thay đổi của cuộc sống, nó không chỉ mang đến sự hy vọng, tươi mới mà còn mở ra nhiều cơ hội mới trong tương lai.

Tháng năm có nỗi niềm mơ hồ như sương như khói, bàng bạc hoài niệm trong mỗi ánh mắt, trong nụ cười ấm áp nhưng cũng có những nỗi niềm cụ thể gọi thành tên gợi về tuổi thơ và những kỷ niệm thời học trò: "Ta bắt đền tháng năm/Kỷ niệm xưa nằm lại/Con tàu chở trời xanh/Lắc lư đi mãi/Mùa hạ thành sân ga".

Ở đây, thời khắc chuyển giao của đất trời không mơ hồ mà được tác giả gọi bằng đúng cái tên “Tháng năm”. Dáng hình tháng năm trong ký ức mỗi người đều khác biệt. Đó có thể là tuổi học trò vụng dại, là thanh xuân nhiệt huyết, là mối tình chớm nở, là cơn mưa khiến người ta cảm lạnh… Còn đối với Bình Nguyên Trang, kỷ niệm của tác giả gắn liền với hình ảnh “con tàu” và “sân ga”. Chẳng phải tự nhiên mà người ta lại ví thời gian như đoàn tàu, ví những cuộc chia xa như sân ga bởi có lẽ hình ảnh của “con tàu chở trời xanh” có thể tượng trưng cho cuộc hành trình với nhiều biến động, sự chuyển động không ngừng. Chuyến tàu tháng năm đã ôm ấp chất chứa biết bao nhiêu hy vọng về hành trình của tuổi trẻ, của ước mơ và hoài bão. Còn sân ga chính là nơi kết thúc, nhưng cũng là sự khởi đầu của một giai đoạn mới. “Mùa hạ sân thành ga” chính là biểu tượng cho sự chờ đợi, chuẩn bị cho những thay đổi, những bước tiến mới trong cuộc sống muôn màu. Để rồi tác giả nhận ra bước vào hành trình mới ấy, bỏ lại đằng sau ta tiếc nuối: "Ta bắt đền tháng năm/Cõng sao về để đêm thành sâu thẳm/Mắt học trò nồng nàn trong nắng/Buồn/Xôn xao".

Hình ảnh nhân hóa thật lạ mà cũng rất sinh động: “Cõng sao về” mang theo những ước mơ, hy vọng, hoài bão của bản thân, tuy nhiên những khát vọng đó lại là một sự bí ẩn, sự sâu lắng và cũng là nơi chứa những suy tư, tâm trạng sâu kín. Câu thơ này đã tạo ra sự nhất quán và liên kết giữa hành động và hình ảnh tạo nên một cảm giác tĩnh lặng, sâu sắc và đầy ý nghĩa. Nhưng lạ nỗi trong sâu thẳm ấy của đêm ta lại tìm thấy nắng, hình ảnh này tạo ra cảm giác ấm áp, nồng nàn và đầy yêu thương. Người ta thường nói “Đôi mắt là cửa sổ tâm hồn”, chính vì thế “đôi mắt học trò nồng nàn trong nắng” chính là đang bộc lộ sự khát khao đến cháy bỏng, niềm tin và hy vọng của tuổi trẻ. Tác giả sử dụng từ “buồn” mà lại “xôn xao” thật đắt để miêu tả tâm trạng phức tạp của mình. Có lẽ không từ nào đắt hơn bởi nó lột tả được đúng cái khí chất buồn của người trẻ. Để rồi bài thơ được khép lại bằng một sự chiêm nghiệm mà như thức tỉnh: "Lặng im là tháng năm, cồn cào là ta/Đã bao lần người trở về như thế/Và mỗi lần ta biết mình không thể/Bắt đền tháng năm".

Thức tỉnh ấy là khi tác giả nhận ra rằng tháng năm trôi qua một cách yên bình, không rõ ràng, không để lại dấu vết. Chỉ có chúng ta ở lại với sự phức tạp, ồn ào và lo lắng. Nữ thi sĩ nhận ra sự vô vọng khi phải đối mặt với sự thật không thể thay đổi là không thể "bắt đền tháng năm".

Bằng giọng thơ nhẹ nhàng, tha thiết từ đầu đến cuối mà đọc lên ta như gặp chính tâm hồn mình mỗi độ tháng năm về. Đó là ký ức chẳng thể nhạt phai, là kỷ niệm thời học sinh chẳng thể xóa nhòa. Nhớ thương, bồi hồi, luyến tiếc, tất cả chỉ còn là hoài niệm nhưng chính những hoài niệm về tháng năm trong một khúc nhạc giàu suy tư đã góp phần làm đẹp tâm hồn ta, tiếp thêm cho ta nguồn động lực về một cuộc sống đang diễn ra với những màu sắc tươi đẹp nhất.

LAM ANH