Thế giới mong muốn có cuộc chiến thay thế đồng USD
Có nhiều lý do để thế giới mong muốn có các lựa chọn thay thế đồng USD; đó là dự đoán khó định trong chính sách kinh tế dài hạn của Mỹ, kéo theo đó là giá trị của đồng USD...
Có nhiều lý do để thế giới mong muốn có các lựa chọn thay thế đồng USD.
Đó là dự đoán khó định trong chính sách kinh tế dài hạn của Mỹ, kéo theo đó là giá trị của đồng USD; là các cuộc đàm phán bế tắc về việc có nên nâng mức trần nợ công hay không. Nếu không được nâng lên, Chính phủ Mỹ có thể rơi vào cảnh vỡ nợ, đe dọa vị thế là tài sản an toàn nhất thế giới của trái phiếu chính phủ. Đó là cuộc chiến chống lạm phát chưa có hồi kết của Mỹ.
Trong vài năm qua, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã để lạm phát tăng mạnh hơn bất kỳ thời điểm nào kể từ những năm 1980 và vẫn chưa kiểm soát hoàn toàn được tình hình. Dù vậy thực sự chưa có đồng tiền nào tiến được đến vị trí đồng tiền dự trữ của thế giới. Ngược lại, ngay cả khi những lý do để tránh xa đồng USD ngày càng tăng, sự vượt trội của đồng tiền này so với các đồng tiền đối thủ gần nhất lại càng mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Những nỗ lực nhằm thách thức đồng USD lại càng củng cố vị thế thống trị của đồng tiền này.
Chỗ đứng vững chắc của “đồng bạc xanh”
Điều này được thể hiện rõ nhất trong tỷ lệ giao dịch ngoại hối liên quan đến đồng USD. Kể từ đầu thế kỷ XXI, tỷ lệ này đã ổn định ở mức từ 85-90%, một phần do việc sử dụng đồng USD trong thanh toán, thương mại và các dòng vốn trên toàn cầu. Nhưng nó cũng liên quan đến vai trò trung gian của đồng tiền này đối với các nhà giao dịch ngoại hối. Các nhà giao dịch có thể trực tiếp đổi bảng Anh để lấy đồng yen, nhưng họ sẽ gặp khó khăn khi muốn đổi đồng ringgit của Malaysia để lấy đồng zloty của Ba Lan. Khi đó, các nhà giao dịch sẽ phải bán ringgit để lấy đồng USD, sau đó dùng USD để mua đồng zloty.
Trong khi đó, vị thế của các đồng tiền khác lại đang lung lay. Năm 2001, đồng euro là một đối thủ đang lên, khi được sử dụng trong một khối các quốc gia có tổng sản phẩm quốc nội tương đương với Mỹ và có mặt trong 38% các giao dịch ngoại hối.
Nhưng trong 20 năm tới, khi các đồng tiền khác như đồng nhân dân tệ của Trung Quốc được sử dụng rộng rãi hơn, chúng sẽ dần chiếm lấy thị phần giao dịch của đồng euro, nhiều hơn so với thị phần mà các đồng tiền này giành được từ đồng USD. Năm 2022, thị phần của đồng euro đã giảm xuống còn 31%. Đồng yen cũng có diễn biến tương tự. Và vì vậy, khoảng cách dẫn đầu của đồng USD so với các đối thủ gần nhất ngày càng được nới rộng.
Trong những năm gần đây, đồng USD cũng được sử dụng nhiều hơn trong các giao dịch thanh toán xuyên biên giới. “Đồng bạc xanh” chiếm 47% các giao dịch được thực hiện thông qua hệ thống thanh toán của Hiệp hội Viễn thông tài chính liên ngân hàng toàn cầu (SWIFT), tăng từ mức 38% ba năm trước.
Xu hướng tương tự cũng thể hiện rõ trong cơ cấu phân bổ tiền tệ trong dự trữ ngoại hối của các ngân hàng trung ương. Dự trữ ngoại hối này đóng vai trò là tấm đệm giảm xóc trong những thời kỳ bất ổn hoặc khủng hoảng. Điều đó có nghĩa là chúng phải có tính thanh khoản rất cao và nên bao gồm các đồng tiền được giao dịch nhiều nhất với đồng nội tệ.
Và trong trường hợp này, một lần nữa đồng USD lại thắng thế. Dù tỷ trọng của đồng euro đã tăng lên trong 10 năm sau khi đồng tiền này ra đời, và đạt 28% vào năm 2009 so với mức 62% của đồng USD, nhưng con số này đã giảm mạnh sau cuộc khủng hoảng nợ của Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone), xuống còn 20% vào năm 2023 so với 58% của đồng USD. Đồng nhân dân tệ, đồng đôla của Australia và đồng đôla của Canada mỗi loại chiếm hơn 2% trong dự trữ ngoại hối của các ngân hàng Trung ương. Nhưng tương tự diễn biến trên thị trường ngoại hối, sự gia tăng của các đồng tiền này lại chỉ khiến các đối thủ lớn nhất của đồng USD giảm thị phần.
Sức hút của đồng USD còn bền vững theo những cách khác. Nhu cầu cao chưa từng có đối với đồng USD đang làm giảm lợi suất đối với trái phiếu bằng đồng tiền này, khiến nó trở thành lựa chọn ưu tiên cho các công ty và chính phủ khi đi vay bằng ngoại tệ. Đồng USD chiếm khoảng một nửa trong số các khoản vay ngân hàng và chứng khoán nợ xuyên biên giới.
Quan điểm Fed có nhiều sức mạnh hơn các ngân hàng trung ương khác đảm bảo rằng đồng USD sẽ mạnh lên trong một cuộc khủng hoảng ngay cả khi vấn đề nghiêm trọng nhất bắt nguồn từ chính nước Mỹ, như những gì đã diễn ra vào năm 2008. Điều đó có nghĩa là các tài sản bằng đồng USD, đặc biệt là trái phiếu chính phủ Mỹ, được coi là an toàn hơn các tài sản khác và do đó sẽ hữu ích hơn khi dùng làm tài sản thế chấp.
Tiền kỹ thuật số không phải là đối thủ
Những nỗ lực thúc đẩy các lựa chọn thay thế khác cũng thất bại. Các đồng tiền điện tử như bitcoin thường biến động mạnh về giá trị, khiến chúng không phải là một công cụ lưu giữ giá trị đáng tin cậy.
Các ngân hàng Trung ương đang dần bắt đầu phát hành tiền kỹ thuật số của mình. Nhưng dự án thí điểm lớn nhất là đồng nhân dân tệ kỹ thuật số của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC tức ngân hàng Trung ương), mới chỉ đạt tổng khối lượng giao dịch là 1.800 tỷ nhân dân tệ (tương đương 250 tỷ USD) tính đến tháng 6/2023. Ngay cả khi các đồng tiền kỹ thuật số này cất cánh, ít nhất một đồng tiền trong số đó cần phải chứng minh được tính hữu dụng độc nhất vô nhị của nó - và phải làm được điều đó trước nước Mỹ - mới có thể tạo được lợi thế đáng kể so với đồng USD.
Những mối đe dọa tiềm tàng khác đối với đồng USD vẫn đang rình rập. Sự phát triển của các hệ thống thanh toán thay thế và các giao dịch không cần đến đồng USD có thể tăng tốc. Nếu hệ thống thanh toán xuyên biên giới của Trung Quốc (CIPS) phát triển vượt bậc, vận may của đồng nhân dân tệ có thể tăng vọt. Còn ở hiện tại, ngay cả trong nội địa Trung Quốc, năm ngoái là năm đầu tiên các khoản thanh toán xuyên biên giới bằng đồng nhân dân tệ vượt qua các khoản thanh toán bằng đồng USD.
Khi nhìn lại những gì đã diễn ra với đồng tiền dự trữ trước đây của thế giới là đồng bảng Anh, đồng tiền đã suy giảm suốt hàng chục năm trước khi bị đồng USD thay thế, nếu đồng USD có để mất vị thế của mình thì những thay đổi như vậy có thể sẽ diễn ra rất chậm.