Thế trận đường Trường Sơn góp phần làm nên thắng lợi Chiến dịch mùa xuân 1975
Năm tháng sẽ qua đi, nhưng đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc như một “con đường huyền thoại” của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại trong thế kỷ 20.
Từ những con đường mòn men theo dải Trường Sơn hùng vĩ, đội quân “đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng” đã mở rộng tuyến đường Trường Sơn – đường Hồ Chí Minh thành một “trận đồ bát quái xuyên rừng rậm,” là tuyến chi viện chiến lược cho các chiến trường.
Theo các chuyên gia lịch sử, quân sự nhận định, chiến công của Bộ đội Trường Sơn trên đường Hồ Chí Minh góp phần quan trọng làm nên thắng lợi của Chiến dịch mùa xuân 1975, mãi là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam.
Khai sơn, phá thạch, lập thế trận cầu đường
Trong gần 50 năm quân ngũ, Thiếu tướng Võ Sở có 10 năm gắn bó với đường Trường Sơn và 17 năm công tác tại Binh đoàn 12 (đơn vị kế tục truyền thống Đoàn 559 Bộ đội Trường Sơn).
Ông Võ Sở, nguyên Chính ủy Binh đoàn 12, hiện đang là Chủ tịch Hội Truyền thống Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh.
Đã 65 năm kể từ ngày mở đường (19/5/1964-19/5/2024), chiến tranh đã lùi xa nhưng với cá nhân ông Võ Sở và những cán bộ, chiến sỹ, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến thì đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh luôn là niềm tự hào.
Ông vào Trường Sơn năm 1964, lúc Đoàn 559 bắt đầu chuyển từ phương thức gùi thồ sang vận chuyển bằng cơ giới và cũng là lúc cuộc chiến đấu trên dãy Trường Sơn hùng vĩ bước vào giai đoạn quyết liệt nhất.
“Ngày ấy, Bộ đội Trường Sơn mang trên vai trách nhiệm mà Đảng, nhân dân và Quân đội giao cho, với tâm nguyện ‘tất cả vì miền Nam ruột thịt,’ quyết đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, chúng tôi đã vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hy sinh để làm tròn nhiệm vụ,” vị tướng già kể.
Bộ đội Trường Sơn là “Binh chủng hợp thành” gồm đủ các lực lượng: Vận tải, Công binh, Cao xạ, Bộ binh, Xăng dầu, Thông tin, Giao liên..., tất cả đều hừng hực chung một ý chí quyết tâm “Đánh địch mà đi, mở đường mà tiến.”
Để cho tuyến chi viện chiến lược không một ngày ngừng nghỉ, tất cả đã cùng nhau bám trụ, chiến đấu kiên cường, chống lại sự đánh phá, ngăn chặn khốc liệt của địch với đủ loại vũ khí, trang thiết bị quân sự hiện đại nhất thế giới lúc bấy giờ.
Thiếu tướng Võ Sở nhớ lại: “Chúng tôi đã phải chiến đấu trong điều kiện thiếu thốn trăm bề và khí hậu khắc nghiệt của núi rừng Trường Sơn. Với lính Trường Sơn, phải mặc quần áo ướt hàng tuần, phải ăn măng le, củ chuối thay cơm là chuyện thường, nhưng hàng gửi ra chiến trường thì không tơ hào một cân, một lạng.”
Thiếu tướng Võ Sở khẳng định người lính Trường Sơn quả cảm, kiên cường, dẻo dai, sẵn sàng hy sinh vì đồng đội, vì nhiệm vụ. Chính họ là những người làm nên lịch sử, làm nên kỳ tích đường Trường Sơn, kỳ tích của những người lính Cụ Hồ.
Cùng quan điểm đó, Thiếu tướng Hoàng Kiền, nguyên Tư lệnh Binh chủng Công binh khẳng định thắng lợi của Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975 đã kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Trong thắng lợi đó, có đóng góp to lớn, quan trọng của các lực lượng Bộ đội Trường Sơn, trong đó lực lượng Công binh Trường Sơn luôn đi trước mở đường, bảo đảm đường cơ động lực lượng và binh khí kỹ thuật cho các binh đoàn chủ lực nhanh chóng, kịp thời tham gia các chiến dịch.
Thiếu tướng Hoàng Kiền cho hay nhiệm vụ cơ bản của Bộ đội Trường Sơn là vận tải chiến lược, vì vậy, công tác xây dựng cầu đường luôn phải đi trước một bước.
Ngay từ năm 1961, tuyến Đường 129 (Lằng Khằng-Mường Phìn) đã được hai tiểu đoàn công binh của Quân khu 4 xây dựng vừa phục vụ Chiến dịch giải phóng Mường Phìn, Pha Lan, Đồng Hến, vừa là tuyến đường vận tải cơ giới đầu tiên trên tuyến chi viện Trường Sơn.
Ngày 9/8/1964, Trung đoàn 98 “bổ nhát cuốc đầu tiên” mở đường Bản Đông-Mường Noòng. Từ đó, các tuyến đường cơ giới được đẩy mạnh xây dựng.
“Trong mùa xuân 1975, công binh Trường Sơn bảo đảm giao thông 7 tuyến đường, với tổng chiều dài hơn 2.500 km; phá dỡ hàng trăm chướng ngại vật, bảo đảm cho các lực lượng cơ động thần tốc, an toàn, góp phần quan trọng vào thắng lợi hoàn toàn của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại của dân tộc,” Thiếu tướng Hoàng Kiền cho biết.
Phát huy truyền thống Trường Sơn
Sau năm 1975, Bộ đội Trường Sơn được chuyển thành Binh đoàn 12 – một đơn vị xây dựng kinh tế thuộc Bộ Quốc phòng.
Kế thừa và phát huy truyền thống Bộ đội Trường Sơn anh hùng, Binh đoàn 12 lại có mặt ở những nơi khó khăn nhất, vùng sâu, vùng xa, trải rộng trên địa bàn 21 tỉnh, thành phố trên cả nước và 5 tỉnh của nước bạn Lào, tiến hành lao động sản xuất, xây dựng nhiều công trình trọng điểm quốc gia, kết hợp chặt chẽ xây dựng phát triển kinh tế với giữ vững quốc phòng, an ninh của đất nước.
Đại tá Vũ Phúc Hậu, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Phó Tư lệnh Binh đoàn 12 khẳng định trong thời kỳ mới, cán bộ, chiến sỹ Binh đoàn 12 (Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn) tiếp tục phát huy truyền thống Bộ đội Trường Sơn phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.
“Tự hào là thế hệ tiếp nối truyền thống đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân của Bộ đội Trường Sơn, Binh đoàn 12 quán triệt sâu sắc và tổ chức thực hiện nghiêm quan điểm của Đảng về kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh; phát huy tinh thần chủ động, khắc phục mọi khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ, nâng cao vị thế, uy tín, thương hiệu Trường Sơn trong thời kỳ mới,” ông Hậu nói.
Lịch sử đường Trường Sơn – đường Hồ Chí Minh cũng như truyền thống đầy tự hào của Bộ đội Trường Sơn rất cần được đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục trong toàn quân, toàn dân. Đó là trăn trở của nhiều tướng lĩnh, cựu chiến binh và những người làm văn hóa, giáo dục.
Nhà báo, nhà văn Phạm Thành Long, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Trường Sơn cho hay Hội Truyền thống Trường Sơn – đường Hồ Chí Minh Việt Nam trong những năm qua đã tích cực tuyên truyền đến thế hệ trẻ thông qua nhiều phương tiện truyền thông, các câu lạc bộ văn nghệ Trường Sơn; tổ chức cuộc thi viết, sáng tác văn học nghệ thuật; tổ chức các phong trào thi đua để tiếp tục lan tỏa giá trị truyền thống của Bộ đội Trường Sơn.
Bên cạnh đó, ông Phạm Thành Long cho rằng việc xây dựng bia di tích và lập hồ sơ di tích Trường Sơn cũng rất quan trọng.
“Di sản Trường Sơn rất nhiều, trải dài ở 20 tỉnh Việt Nam, Lào, Campuchia. Đây là vật chứng giới thiệu hiệu quả, sinh động nhất về tuyến Đường Trường Sơn huyền thoại,” ông nói.
Theo đó, những chuyến du lịch thăm lại chiến trường xưa hình thành sẽ góp phần giáo dục thế hệ trẻ về di sản huyền thoại của cha ông.
Trải qua 16 năm (1959-1975), từ những con đường mòn men theo dải Trường Sơn hùng vĩ, tuyến đường đã được mở rộng, vươn xa, với tổng chiều dài toàn tuyến lên tới 20.000km, xuyên Bắc-Nam và ba nước Đông Dương, vươn tới tất cả các chiến trường, vận chuyển hơn 1 triệu tấn vật chất, vũ khí; đưa hơn 2 triệu lượt người hành quân từ hậu phương lớn miền Bắc cho tiền tuyến lớn miền Nam, góp phần đặc biệt quan trọng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.