Góc nhìn

Cải cách tiền lương là đòi hỏi cấp thiết hiện nay

NGUYỄN THỊ VIỆT NGA 18/05/2024 08:49

Chính sách cải cách tiền lương sẽ tạo công bằng hơn trong cách trả lương, là động lực để thu hút, giữ chân người tài ở khu vực công.

luong.jpeg
Chính sách tiền lương mới sẽ khích lệ đội ngũ công chức, viên chức làm việc chuyên cần, chuyên nghiệp. Ảnh: PHONG TUYẾT

Từ ngày 1/7/2024, cả nước sẽ chính thức thực hiện chính sách cải tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp theo Nghị quyết 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Trung ương Đảng khóa XII.

Việc cải cách tiền lương năm 2024 rất cần thiết, đặc biệt là đối với khu vực công. Bởi lẽ trên thực tế hiện nay, cách tính lương ở khu vực công đã quá lạc hậu. Tổng thu nhập từ lương, thưởng của người lao động khu vực công đã trở nên rất thấp so với mặt bằng cuộc sống, nhất là từ sau đại dịch Covid-19 đến nay. Những tác động tiêu cực của dịch bệnh cộng với sự suy thoái của kinh tế thế giới khiến cho đời sống người dân nói chung và công chức, viên chức nói riêng gặp rất nhiều khó khăn, trong đó có khó khăn do giá cả các mặt hàng, dịch vụ thiết yếu đều tăng cao. Kế hoạch cải cách tiền lương khu vực công đã được xây dựng từ đầu nhiệm kỳ, nhưng do sự bùng phát của đại dịch Covid-19, đất nước phải dành nguồn lực để chống chọi với đại dịch và khôi phục kinh tế sau đại dịch nên thời điểm cải cách tiền lương bị lùi lại.

Vì vậy, thời điểm này khá hợp lý để thực hiện cải cách tiền lương. Hơn nữa, nạn "chảy máu chất xám" ở khu vực công diễn ra trong mấy năm gần đây đã đến mức đáng báo động (đặc biệt ở hai lĩnh vực giáo dục và y tế). Nguyên nhân quan trọng khiến các công chức, viên chức rời bỏ công việc ở khu vực công chính là tiền lương thấp, không đáp ứng được nhu cầu cuộc sống. Như vậy, cải cách tiền lương là đòi hỏi cấp thiết trong thời gian này

Với việc cải cách tiền lương lần này, chúng ta có phương pháp tính lương mới ở khu vực công, trả lương theo vị trí việc làm, hoàn toàn khác cách tính lương truyền thống dựa trên thang bảng và hệ số lương. Có thể thấy, cách tính lương mới đã tiệm cận với cách tính lương của nhiều quốc gia trên thế giới. Cách tính lương này về cơ bản đã điều chỉnh thu nhập của người lao động theo hướng tăng lên đáng kể, khoa học hơn, công bằng hơn, sẽ khắc phục được tình trạng cùng làm một công việc, cùng năng lực trình độ nhưng có những người lương rất cao do làm lâu năm, cứ mỗi thời gian định kỳ lại tăng lương một lần; có người lương lại rất thấp do mới ra trường, mới đi làm... Tiền lương không phản ánh đúng vị trí việc làm, năng lực, trình độ của công chức, viên chức nên khó động viên người lao động nỗ lực phấn đấu.

Chính sách cải cách tiền lương sẽ tạo sự công bằng hơn trong cách trả lương, đồng thời lương của người lao động tăng lên sẽ tạo ra động lực để thu hút và giữ chân người giỏi ở khu vực công. Bởi vì, với đa số người lao động, trước khi quyết định gắn bó với công việc gì thì mối quan tâm đầu tiên bao giờ cũng là mức lương, sau đó đến môi trường làm việc và cơ hội, khả năng phát triển.

Ở khu vực tư nhân, cạnh tranh về lương và các chế độ đãi ngộ luôn là mấu chốt để thu hút người tài. Tiền lương công chức, viên chức chưa đáp ứng được nhu cầu cuộc sống thì sẽ khó tạo ra đội ngũ công chức, viên chức chuyên nghiệp, chuyên cần. Bởi lẽ khi còn phải loay hoay quá nhiều với vấn đề "cơm áo gạo tiền sao" cho đủ, thì công chức viên chức sẽ san sẻ thời gian, năng lực và tâm huyết vào các công việc khác để kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống. Đó có thể là tìm công việc làm thêm, thậm chí là nguồn gốc cho những hành vi tham nhũng, hoặc có tâm lý chán nản, sẵn sàng chuyển công việc khác khi có cơ hội

Tuy nhiên, nếu chỉ đơn thuần tăng lương thì chưa chắc đã tạo ra được đội ngũ công chức, viên chức chuyên nghiệp, chuyên cần. Tăng lương khu vực công cần đi đôi với một số giải pháp khác: nâng cao năng suất lao động, xây dựng đội ngũ tinh gọn, giàu năng lực; đổi mới cách đánh giá, khen thưởng, kỷ luật công chức, viên chức...

NGUYỄN THỊ VIỆT NGA