Nông nghiệp - Nông thôn

Nông dân Vĩnh Hòa (Ninh Giang) chăm chút cho quả vải sớm

THÀNH ĐẠT 18/05/2024 09:30

Với mong muốn xây dựng thương hiệu cho quả vải sớm Vĩnh Hòa (Ninh Giang, Hải Dương), người dân ở đây đang tập trung chăm sóc, nâng cao chất lượng quả vải.

img_7735(1).jpeg
Gia đình anh Nguyễn Xuân Tùng ở thôn Ngọc Hòa, xã Vĩnh Hòa có hơn 100 gốc vải sớm theo mô hình VietGAP đã tiêu thụ thuận lợi và giá bán cao hơn

Sản xuất an toàn

Gia đình anh Nguyễn Xuân Tùng ở thôn Ngọc Hòa có 2 mẫu vườn trồng hơn 100 gốc vải sớm. Trước đây, gia đình anh Tùng chỉ chăm sóc vải theo kinh nghiệm, thói quen. Vải thu hoạch rồi bán cho thương lái mà ít quan tâm tới mẫu mã, chất lượng. Ngày trước, anh cho rằng trồng vải được hay mất đều do thời tiết quyết định. Từ năm 2022, khi tham gia mô hình sản xuất vải VietGAP, anh nhận thấy có nhiều lợi ích hơn. Anh Tùng cho biết: "Làm theo VietGAP thì người sản xuất phần nào quyết định được giá trị của quả vải mà không phụ thuộc hoàn toàn vào tiểu thương. Vải có nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng rõ ràng nên được khách hàng ưa chuộng, tiêu thụ thuận lợi và giá bán cũng cao hơn".

img_7919(1).jpeg
Nhiều năm qua người dân Vĩnh Hòa đã chủ động trồng rải vụ để tránh tình trạng thu hoạch đồng loạt, bị ép giá

Những ngày giữa tháng 5 này, hơn 1 ha vải sớm của hộ anh Nguyễn Thế Thắm đang bắt đầu vào mã, chuẩn bị cho thu hoạch. Theo anh Thắm, năm nay thời tiết bất thuận, tỷ lệ vải ra hoa, đậu quả thấp, giảm từ 30-40% so với năm trước. Tuy sản lượng vải đạt thấp nhưng chất lượng, mẫu mã vụ này dự báo sẽ tốt hơn vì nông dân tập trung chăm sóc. Sản xuất theo VietGAP khi chưa quen thì thấy phức tạp, nhiều công đoạn song khi đã thành thục thì tiện lợi, tiết kiệm được công sức, chi phí.

Ngoài việc xử lý lộc đông thì phòng trừ sâu bệnh là khâu khó nhất khi chăm sóc vải theo quy trình VietGAP. Thuốc bảo vệ thực vật phải nằm trong danh mục được phép sử dụng. Thời điểm phun trừ cũng phải phù hợp, không ảnh hưởng tới chất lượng. "Hiện tại, chúng tôi đã dừng phun thuốc bảo vệ thực vật để bảo đảm thời gian giữa lần phun cuối cùng với thời điểm thu hoạch là 15 ngày. Ai cũng hy vọng vụ vải này sẽ được giá cao, nhất là với diện tích sản xuất VietGAP", anh Thắm cho biết.

Nâng chất lượng

img_7748(1).jpeg
Năm nay thời tiết bất thuận, tỷ lệ vải ra hoa, đậu quả vải sớm ở Vĩnh Hòa đạt thấp, giảm từ 30-40% so với năm trước

Xã Vĩnh Hòa là một trong số ít địa phương đầu tiên của huyện Ninh Giang quy hoạch vùng vải sớm tập trung. Hiện toàn xã có gần 90 ha trồng vải sớm, tăng 50 ha so với năm 2020. Trước đây, vải sớm là cây trồng truyền thống của xã song chưa được quan tâm đầu tư, phát triển. Từ khi xây dựng mô hình sản xuất VietGAP, nhất là thời điểm sản phẩm vải sớm Vĩnh Hòa được công nhận đạt chuẩn OCOP 4 sao, giá trị quả vải nâng lên, nông dân mở rộng diện tích trồng. Toàn xã có hơn 10 ha vải sớm được cấp giấy chứng nhận VietGAP.

Theo ông Nguyễn Xuân Định, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp xã Vĩnh Hòa, vải sớm trồng tại địa phương có sự khác biệt. Nông dân sử dụng gốc cây vải thiều ghép với cành vải u trứng nên vải ở đây cho thu hoạch sớm, chất lượng tốt, vị ngon, ngọt hơn các loại vải sớm thông thường. Giá bán vải sớm ở xã Vĩnh Hòa tương đối ổn định, dao động từ 40.000-45.000 đồng/kg. Người dân cũng chủ động trồng rải vụ để tránh tình trạng thu hoạch đồng loạt, bị ép giá. Mặc dù giá trị, lợi nhuận từ vải sớm mang lại tương đối lớn song thời gian tới xã sẽ không mở rộng diện tích trồng mà tập trung nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu vải sớm Vĩnh Hòa.

Người trồng vải Vĩnh Hòa kỳ vọng khi sản xuất bài bản, tuân thủ đúng quy trình thì vị thế của quả vải sớm quê hương sẽ được nâng cao.

Để tạo thuận lợi cho người trồng vải nắm bắt thông tin về tình hình dịch bệnh, quy trình chăm sóc vải theo tiêu chuẩn VietGAP, Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp xã Vĩnh Hòa lập nhóm Zalo với 25 thành viên là tổ trưởng vùng sản xuất, có trách nhiệm thông báo các bản tin về chăm sóc, sản xuất tới từng hộ trong vùng. Các hộ cũng kịp thời phản ánh tình hình sản xuất thực tế, những sự cố phát sinh để hợp tác xã chủ động xử lý.

THÀNH ĐẠT