Chồng Việt nghỉ việc một năm đưa vợ đi vòng quanh thế giới
"Sáng thức dậy ở một nơi xa" là trải nghiệm gần một năm qua của vợ chồng anh Dũng và chị Chiaki.
Những ngày đầu tháng 5, anh Ngô Quang Dũng cùng cô vợ người Nhật rảo bước trên những con đường đất ở Madagascar, quốc gia châu Phi được mệnh danh là một trong những miền đất hoang dã nhất thế giới.
Cuộc sống một số ngôi làng ở đây khá đơn sơ, nhà xây bằng đất, người dân chủ yếu đi bộ, đun bếp củi, chiều chiều lũ trẻ lùa trâu và dê ngoài đồng về rồi nhảy sông tắm.
"Chiaki khá ngạc nhiên, nhất là khi tôi kể cuộc sống ở Việt Nam xưa giống hệt những gì đang diễn ra ở đây", Dũng, 28 tuổi, một kỹ sư IT nói.
Chàng trai quê Sơn Tây, Hà Nội nên duyên với Chiaki Hatori qua một câu lạc bộ tiếng Anh từ năm nhất tại Đại học Nông nghiệp Tokyo năm 2014. Tình yêu thời đại học vẫn vững vàng qua ba năm yêu xa khi Chiaki du học Pháp hay tốt nghiệp mỗi người một ngành khác nhau. Tháng 10/2021, khi dịch Covid-19 được kiểm soát, đôi uyên ương về Việt Nam làm đám cưới.
Hai ngày sau hôn lễ, Chiaki nhiễm Covid-19. Gần nửa đêm, cô bỗng nhiên trở nên nhợt nhạt, tay chân lạnh, khó thở như người hấp hối. Gia đình tức tốc đưa cô đi cấp cứu trong đêm. Được thở oxy, cô dần thở bình thường trở lại, nhưng suốt ba ngày tiếp theo việc ngồi dậy vẫn rất khó khăn. Sau nửa tháng Chiaki khỏi, cả hai mới quay lại Nhật đi làm.
Sau biến cố này, vợ chồng Dũng nhận ra "cái chết đôi lúc rất gần với mình". Họ nghĩ nhỡ có vấn đề sức khỏe, sau này sẽ không thể tự do đi lại nhìn ngắm thế giới hoặc vì chìm đắm công việc quá cũng sẽ nuối tiếc thời gian tuổi trẻ. "Giờ chúng ta còn trẻ, chưa nặng gánh con cái, em muốn đi ra ngoài để được biết nhiều hơn ngoài Nhật Bản và Việt Nam", Chiaki, một chuyên viên tư vấn doanh nghiệp nói và được chồng ủng hộ.
Cả hai dành vài tháng để chuẩn bị cho chuyến đi, bảo đảm việc mình nghỉ không ảnh hưởng đồng nghiệp. Họ chỉ xin trước visa Mỹ, liệt kê các quốc gia muốn đi và các địa điểm dự kiến sẽ thăm ở quốc gia đó chứ không lên lịch trình chi tiết.
"Chúng tôi đi làm được 4-5 năm, ăn tiêu tiết kiệm nên cũng có một khoản tài chính để nghỉ làm một năm đi chơi mà không cần lo lắng", Dũng cho biết.
Cuối tháng 7/2023, đôi trẻ bắt đầu hành trình mà họ gọi là "Tsubakurame", với ý nghĩa cuộc di cư của loài chim én may mắn trong văn hóa Nhật Bản. Bốn tháng đầu, họ đi qua các quốc gia gồm Mỹ, Mexico, Colombia, Bolivia, Peru, Chile và Brazil, sau đó trở về Mỹ một lần nữa để thuê xe đi vòng quanh 23 công viên quốc gia.
Lúc này họ quay trở lại Nhật Bản làm visa và ăn Tết với gia đình, trước khi bay đến Philippines gần một tháng để học lặn biển. Ngày 28 Tết, họ đáp chuyến bay trở về nhà để ăn Tết Nguyên Đán. Kết thúc ba tuần ở Việt Nam, họ xách vali lên và bay đến Sri Lanka, Ấn Độ, Gruzia, Thổ Nhĩ Kỳ và hiện ở Madagascar.
Trong gần ba tháng tiếp theo, cặp vợ chồng dự kiến sẽ đi tiếp vài nước châu Phi trước khi kết thúc hành trình một năm.
Quang Dũng có đam mê chụp ảnh và quay phim. Anh từng giành một số giải thưởng nên đi đến đâu cũng thích được nhìn ngắm động, thực vật. Chiaki lại đam mê tìm hiểu về văn hóa, lịch sử và con người. Ở mỗi điểm đến, họ sẽ tìm những địa điểm để cả hai được trải nghiệm theo sở thích.
Dũng kể có lần vợ chồng dành hai ngày ở một ngôi làng nhỏ nằm sâu trong dãy Andes của Bolivia, bao quanh là hai đỉnh núi Condoriri cao hơn 5.600 mét và Huayna Potosi hơn 6.000 mét, tạo ra kiểu địa hình và động thực vật hoàn toàn khác so với đất nước Đông Á của Chiaki hay Đông Nam Á của Dũng. Bốn phương tám hướng đều là đồng cỏ trải dài héo úa trong mùa khô, thi thoảng sẽ bắt gặp những đàn lama và alpaca (thuộc họ lạc đà) nhẩn nha gặm cỏ.
"Chúng tôi thường đi leo núi ở Nhật Bản, nhưng chưa từng tới nơi nào không có sóng điện thoại, TV, wifi và điện chỉ có hai tiếng buổi tối như ở đây. Việc bị ngắt kết nối khỏi thế giới cho chúng tôi những giây phút hoàn toàn chỉ có nhau, cùng với đất và trời", Dũng kể.
Lần khác, hai vợ chồng đi vào rừng rậm Amazon ở Brazil. Họ nhanh chóng bị choáng ngợp bởi sự vĩ đại của Amazon, kể cả flycam cũng chỉ nhìn được một nhánh sông. "Khi đi thuyền ra nhánh chính của Amazon chẳng khác nào đang ở giữa biển mà không có sóng, thực sự cảm thấy mình nhỏ nhoi và bị nuốt chửng", Dũng kể.
Với Chiaki Hatori, trải nghiệm để lại ấn tượng nhất trong hơn 9 tháng qua là ba tuần ăn Tết ở Việt Nam, khi được tự tay gói bánh chưng, luộc bánh; tự tay sắp xếp mâm cỗ và bày ngũ quả lên bàn thờ gia tiên. Có sở thích ăn đồ nếp, cô nàng đã "giải quyết" được khá nhiều bánh chưng cho bố mẹ. Cô cũng thích cảm giác đi chúc Tết, xem bắn pháo hoa khiến cái Tết trở nên ấm áp và náo nhiệt, khác hoàn toàn thời khắc chuyển giao năm mới trầm lắng ở Nhật.
Nàng dâu cũng nhận ra giá trị gia đình của người Việt được coi trọng hơn so với người Nhật. Chồng cô luôn ưu tiên gia đình hơn sự nghiệp. Mỗi khi có trận bóng đá của đội tuyển quốc gia hay một giai điệu quê hương đất nước và gia đình vang lên, cô nhận ra tình yêu và lòng tự hào của người Việt trào dâng.
"Từ sau chuyến đi này, Chiaki thường chủ động tương tác với bố mẹ trong nhóm gia đình, điều mà cô nói vốn ít có trong giới trẻ Nhật ngày nay.
Việc vợ chồng dùng hai hộ chiếu khác nhau gây ra những tình huống khó xử. Có những lần họ đã đặt vé đến một quốc gia, nhưng vào phút cuối bị hủy vì Dũng không đáp ứng được các thủ tục của họ.
Điều họ thấy may mắn là suốt hành trình lúc người này ốm có người kia chăm. "Nhiều lúc tôi bị sốt, bị ngộ độc, lúc phải đi viện hay nằm bẹp ở phòng trọ không cần phải lo lắng gì cả vì anh sẽ là người mua đồ ăn, thuốc thang, là người thức trông cho tôi ngủ", Chiaki chia sẻ.
Quang Dũng thích việc có thể nói chuyện với vợ về mọi thứ trong cuộc sống, từ việc nhỏ nhất tới việc lớn nhất. Họ là bạn đồng hành có thể chia sẻ với nhau, cùng nhau gánh vác mọi thứ.
Dũng và Chiaki cho biết không ham hàng hiệu, nhà cửa, xe hơi. Họ dùng tiền để mua một năm tuổi trẻ được mở mang tầm mắt và trải nghiệm tuyệt vời. Sau thời gian này, Dũng vẫn quay trở lại công ty cũ làm việc. Riêng Chiaki dự kiến sẽ tìm một công việc mới để có thể sử dụng vốn tiếng Pháp và hơn nữa thấy các công ty Pháp cân bằng công việc và cuộc sống tốt hơn Nhật.
"Hành trình này truyền cho chúng tôi cảm hứng để sống khác đi, dành cho nhau nhiều thời gian hơn. Dù bất cứ điều gì xảy ra, tôi và anh đều có thể nắm tay nhau ngắm bình minh lên, nhìn hoàng hôn xuống mỗi ngày", người vợ Nhật chia sẻ.