Nỗ lực tìm giải pháp hạ nhiệt giá vé máy bay
Theo các chuyên gia kinh tế, giá vé máy bay dù tăng trong thời gian qua, vẫn thấp hơn giá trần. Vì vậy, muốn hạ nhiệt vé máy bay cần giải pháp đồng bộ từ nhiều cơ quan ban ngành, nhà quản lý, doanh nghiệp, hàng không...
Nhiều nguyên nhân
Ông Nguyễn Bác Toán, Phó Tổng giám đốc Vietjet cho biết, có 5 nguyên nhân dẫn tới vé máy bay tăng cao: Do tình trạng thiếu tàu bay và linh kiện thay thế do chuỗi cung ứng bị đứt gãy sau dịch COVID - 19; Các nhà sản xuất động cơ máy bay yêu cầu các hãng phải đưa tàu bay đi sửa các lỗi, khiến một số tàu bay phải nằm bãi, giảm 15 - 20% tàu bay; Chi phí nhiên liệu chiếm 40 - 50% chi phí vận hành của các hãng, trong khi giá xăng tăng 20 - 25%. Bên cạnh đó, áp lực thay thế nhiên liệu thân thiện môi trường; các biến động chính trị của các khu vực trên thế giới tạo áp lực lên các hãng hàng không, khi mà khu vực chúng ta có đến 85% chi phí sử dụng ngoại tệ; nhân lực chất lượng cao cho ngành hàng không sụt giảm; cuối cùng là nhu cầu của khách hàng, chi tiêu cho ngành hàng không giảm...
Ông Đặng Anh Tuấn, Phó Tổng giám đốc Vietnam Airlines cũng thừa nhận, giá vé máy bay hiện nay đã tăng bình quân 15 - 20%. Tuy nhiên, mức tăng hiện nay còn rất xa so với mức giá trần mà nhà nước quy định. Giá vé hiện phổ biến chỉ đạt khoảng 76% so với giá vé quy định, có chặng chỉ 43% so với quy định.
Theo ông Đặng Anh Tuấn, nguyên nhân khiến giá vé máy bay tăng trước tiên là do chi phí nhiên liệu, thiết bị bay tăng 76 - 77%. Các khoản chi phí này nằm ngoài tầm kiểm soát không chỉ riêng của Vietnam Airlines, mà cả các hãng hàng không khác. Ví dụ với xăng, so với năm 2019, mặt hàng giá xăng năm nay tăng 5.700 tỉ đồng và chi phí tỉ giá biến động tăng thêm 4.700 tỉ đồng. Tổng mức tăng do chi phí nhiên liệu lên tới khoảng 11.000 tỉ đồng. Khoản tăng này nằm ngoài tầm kiểm soát của Vietnam Airlines cũng như tất cả các hãng hàng không.
Ngoài ra, các xung đột địa chính trị, chuỗi cung ứng đứt gãy cũng khiến phát sinh nhiều vấn đề và chi phí cho các hãng. Cụ thể như trước đây, để sửa chữa bảo hành một chiếc máy bay mất khoảng 150 ngày thì hiện tại đến 200 - 300 ngày, thậm chí đến 1 - 1,5 năm. Thời gian bảo trì kéo dài khiến chi phí vận hành cũng tăng cao...
"Ngoài ra, chi phí thuê máy bay hiện tại tăng gấp đôi nhưng cũng rất khó để thuê được. Thực tế, công suất vận hành hàng không của Việt Nam giảm đáng kể khi các hãng như Bamboo, Pacific đang phải tái cơ cấu lại hoạt động. Đối với Vietnam Airlines, các nhà sản xuất đang triệu hồi máy bay về để bảo trì khoảng 10% lượng máy bay đang hoạt động (12 chiếc), tình trạng tương tự với Vietjet. Điều này cho thấy, năng lực vận tải của ngành hàng không trong năm nay giảm mạnh. Để phục vụ tốt hơn khách hàng, chúng tôi gần như hoạt động hết công suất, làm đêm làm hôm. Nhờ vậy, tỷ trọng lấp đầy rất cao và còn cao hơn so với những giai đoạn trước", ông Tuấn chia sẻ.
Đồng ý với các phát biểu trước đó của đại diện Vietnam Airlines, Vietjet và Vietravel tại Hội thảo, ông Trương Việt Cường - PTGĐ Bamboo Airways cho biết, giá vé máy bay của tất cả các hãng trong thời gian qua có tăng, song vẫn luôn tuân thủ quy định và không vượt mức giá trần theo quy định của Bộ GTVT. Điều này đã được Cục Hàng không Việt Nam kiểm tra và báo cáo Bộ GTVT trong trung tuần tháng 5 vừa qua.
“Tuy nhiên, việc các hãng bay tuân thủ mức giá vé theo quy định của Nhà nước vẫn chưa đáp ứng được mong mỏi của khách hàng. Vì khách hàng luôn mong muốn giá vé rẻ hơn”, Phó Tổng giám đốc Bamboo Airways nói.
Số lượng máy bay toàn ngành hàng không nội địa giảm hiện đã từ 230 chiếc còn 160 – 170 chiếc. Năng lực khai thác đã giảm 25 – 30% so với trước đây. Trong khi các chi phí đầu vào của các hãng hàng không tăng cao; sức khỏe tài chính của các hãng, từ sau đại dịch đến nay, bị suy yếu, áp lực nợ nần nặng nề…
“Bởi vậy, để công bằng và đảm bảo cho các hãng hàng không còn duy trì khai thác được, chúng ta cần tìm giải pháp giá vé máy bay hợp lý mà thị trường có thể chấp nhận được, chứ không phải giá vé rẻ nhất”, ông Trương Việt Cường nói.
Phân tích về các chi phí ảnh hưởng đến giá vé máy bay, ông Trương Việt Cường cho biết có 3 nhóm chi phí lớn.
Nhóm chi phí thứ nhất, chiếm tới 55 – 60% tổng chi phí đầu vào, là các chi phí thuê tàu bay, sửa chữa động cơ, chi phí ngoại tệ… Đây đều là các chi phí mà các hãng không có khả năng tác động và phải chấp nhận theo mặt bằng chung của thế giới. Không may là các chi phí này hiện có xu hướng bất lợi với các hãng khi đều tăng rất cao.
Nhóm chi phí thứ 2 là các loại thuế, phí theo quy định. Các hãng nộp đúng theo đơn giá của nhà nước và cũng không có khả năng tác động.
Nhóm chi phí thứ 3 là chi phí vận hành khai thác như chi phí lao động, chi phí phục vụ máy bay… Các hãng đều nỗ lực tối ưu các chi phí này song không tác động nhiều đến giá vé. “Quỹ lương chiếm chưa tới 10% tổng chi phí, kể cả khi các lao động hàng không làm việc không lương cũng không giúp tác động nhiều tới các chi phí”, Phó Tổng giám đốc Bamboo Airways cho biết.
Phân tích trên đường bay Hà Nội – TP Hồ Chí Minh, ông Trương Việt Cường cho biết, thời gian bay đã tăng dần từ 1h40 phút lên 2h10 vì máy bay phải bay chờ nhiều do mật độ khai thác ở 2 sân bay quá cao. Thời gian bay tăng lên khiến chi phí đã tăng tương ứng lên khoảng 10%. Rõ ràng nhóm chi phí vận hành, dù các hãng cố gắng quản trị song cũng khó tối ưu.
Mặt khác, cũng trên đường bay Hà Nội – TP Hồ Chí Minh, giá vé trung bình là 1.160.000 đồng chưa bao gồm thuế phí, tương đương 51,8% giá trần là 3.200.000 đồng . Giai đoạn cao điểm Tết âm lịch là 1.900.000 đồng, tương đương 59% giá trần. Kể cả ở thời điểm giá trần được nâng lên, thì giá vé bình quân của Bamboo Airways thậm chí còn giảm đi, chỉ tương đương 51% giá trần. “Do đó, không phải cứ giá trần tăng là hãng bay tăng giá vé”, Phó Tổng giám đốc Bamboo Airways khẳng định.
Cần sự chung sức
Theo đại diện các hãng máy bay, mặc dù giá vé máy bay tăng cao, nhưng "sức khỏe" của các hãng vẫn hết sức nghiêm trọng. Ví dụ, Vietnam Airlines dù thông báo lãi đậm trở lại trong quý I/2024, nhưng không phải từ giá vé tăng, mà phần lớn nhờ xóa được khoản nợ hơn 3.000 tỉ từ việc Pacific Airlines (công ty con) trả hết máy bay cho chủ nợ, cũng như thanh lý, nhượng bán tài sản cố định và đẩy mạnh khai thác các đường bay quốc tế.
Tương tự, hãng Bamboo Airways vẫn đang chật vật trong quá trình tái cơ cấu, từ đội bay 30 chiếc nay thu hẹp chỉ còn 7 - 8 chiếc, buộc phải dừng khai thác các chặng bay ít hiệu quả. Pacific Airlines cũng trả hết tàu bay từ cuối tháng 3...
Mặc dù vậy, theo ông Trương Việt Cường, thời gian vừa qua, Bamboo Airways vẫn luôn nỗ lực đem tới các cơ hội mua vé giá hợp lý cho hành khách bằng việc triển khai nhiều chương trình ưu đãi, khuyến mại. Trong cả năm 2023 và 4 tháng đầu năm 2024, Bamboo Airways khoảng 70 chương trình giảm giá.
Hiện Bamboo triển khai chương trình ưu đãi Midnight Sale giảm 8% cho tất cả các các nhóm giá khoang phổ thông, mở bán hàng tuần trên website và ứng dụng Bamboo Airways từ 10h tối thứ 6/7/Chủ nhật đến 2h sáng ngày hôm sau. Chương trình kéo dài đến hết 31/3/2025 (không áp dụng trong giai đoạn cao điểm, lễ tết). Bên cạnh đó, Bamboo Airways dự kiến triển khai chương trình "Chào thu" vào giai đoạn thấp điểm từ 5/9/2024 đến hết năm trên 1 số hành trình, với mức giá chỉ từ 199k (chưa bao gồm thuế phí và không áp dụng trong giai đoạn cao điểm, lễ Tết).
Để hỗ trợ gỡ khó cho các hãng hàng không, ông Trương Việt Cường đề xuất Chính phủ xem xét: Giảm phí điều hành bay và cất hạ cánh trong năm 2024 – 2025 cho các chuyến bay nội địa; điều chỉnh giảm thuế xăng dầu; hỗ trợ như miễn các phí cất hạ cánh, phụ thu bay đêm; điều chỉnh linh hoạt giá trần theo giá xăng dầu thế giới để công bằng với cả hãng hàng không và người tiêu dùng…
Ngoài ra, Phó Tổng giám đốc Bamboo Airwas cũng bày tỏ mong muốn các cơ quan báo chí phối hợp giải thích, cung cấp các số liệu rõ ràng để người tiêu dùng hiểu và có cái nhìn đúng về bản chất của giá vé máy bay.
Đồng quan điểm này, ông Đặng Anh Tuấn, Phó Tổng giám đốc Vietnam Airlines, cho biết, đơn vị vẫn luôn cố gắng để làm tốt hơn những gì hiện tại để giảm giá vé máy bay. Cụ thể, hãng đang nỗ lực tiết giảm các loại chi phí trong khoảng 10% so với hiện tại để giúp hạ nhiệt giá vé máy bay. Tuy nhiên, việc hạ nhiệt giá vé máy bay không chỉ phục thuộc vào ngành hàng không mà cần một giải pháp tổng hợp từ nhiều phía: Nhà quản lý, hàng không, du lịch, doanh nghiệp... để đạt hiệu quả tốt nhất.
Đối với góc độ địa phương, ông Trần Văn Linh, Trưởng phòng Quản lý du lịch Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang chia sẻ, trong cơ cấu giá vé máy bay, thì tiền vé của hãng hàng không chỉ chiếm khoảng 50 - 60%, còn lại là chi phí ở nhiều khâu khác. Vì vậy muốn hạ nhiệt giá vé máy bay, trước tiên cần các đơn vị liên quan liên kết chặt chẽ, thu hút được khách để lấp đầy các chuyến bay. Các đơn vị có liên quan cần chia sẻ hài hòa thì may ra mới giảm được chi phí chứ không thể riêng hãng máy bay.
Theo thông báo kết quả kiểm tra hoạt động bán vé của 4 hãng hàng không mà Cục Hàng không vừa báo cáo Bộ Giao thông Vận tải, các hãng đều tuân thủ về mức giá vé máy bay của Thông tư 17 và Thông tư 34 trên các đường bay nội địa; đồng thời thực hiện đúng quy định về niêm yết, kê khai giá theo quy định.