TP Hải Dương kết nối tốt hơn, đẹp hơn, đáng sống hơn
Tròn 5 năm kể từ khi TP Hải Dương được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt tiêu chí đô thị loại I (17/5/2019-17/5/2024), “trái tim” của cả tỉnh đang thay đổi từng ngày để trở thành nơi đáng sống.
Kiến thiết hạ tầng giao thông
Dù trở thành đô thị loại I nhưng TP Hải Dương vẫn còn tiêu chí thực hiện dang dở, tiêu chí cần nâng cao chất lượng. Ngoài hoàn thiện và nâng cao chất lượng những tiêu chí này, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố xác định việc xây dựng hình ảnh thành phố hiện đại, năng động, thân thiện để ghi điểm với bạn bè, du khách gần xa là nhiệm vụ thường xuyên.
Để bảo đảm quy mô đô thị loại I, thành phố đã sáp nhập thêm 5 xã Tiền Tiến, Quyết Thắng (Thanh Hà), Liên Hồng, Gia Xuyên (Gia Lộc) và Ngọc Sơn (Tứ Kỳ). Vì lẽ này mà tiêu chí về giao thông có phần áp lực hơn. Thế nên ngay sau khi được công nhận là đô thị loại I, TP Hải Dương bắt tay ngay vào việc kiến thiết hạ tầng giao thông.
5 năm không phải quá dài nhưng đủ để thấy cú hích về giao thông của thành phố. Các cửa ngõ phía bắc, tây, nam đều có dấu ấn của những công trình giao thông trọng điểm. Cầu vượt Ngô Quyền là minh chứng cho những nỗ lực, quyết tâm của TP Hải Dương trong thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, hoành hành. Không chỉ giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông mà công trình này còn mở ra không gian phát triển cho khu vực phía bắc thành phố. Ngoài yếu tố kỹ thuật thì công trình này còn nổi bật về tính thẩm mỹ.
Đường vành đai I nối 2 xã Liên Hồng, Ngọc Sơn với chiều dài 5,67 km được khởi công xây dựng tại khu vực phía nam thành phố được hoàn thành vào đúng dịp thành phố kỷ niệm 85 năm ngày thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên, tiền thân của Đảng bộ TP Hải Dương (26/8/1938-26/8/2023). Càng ý nghĩa hơn khi tuyến đường này được gắn biển "đại lộ Võ Văn Kiệt". Từ đại lộ này, 2 địa phương mới về thành phố có thêm cơ hội phát triển.
Khắc phục những vướng mắc tưởng chừng khó tháo gỡ, đường Vũ Công Đán ở phía tây đang thi công ở giai đoạn cuối cùng để kết nối TP Hải Dương với các vùng huyện Bình Giang, Cẩm Giàng. Con đường này vốn là nút thắt cổ chai vì chật hẹp trong khi ngoài áp lực giao thông thì kiến trúc đô thị khu vực này vẫn còn bỏ ngỏ. Khi giải phóng mặt bằng không còn là điểm nghẽn, dáng dấp tuyến đường Vũ Công Đán hiện đại, đồng bộ dần hình thành. Đáng quý nhất là sự đồng thuận vì cái chung của người dân khi dịp Tết Giáp Thìn cần nơi đoàn tụ, thờ cúng tổ tiên nhưng họ vẫn sẵn sàng phá dỡ nhà cửa, bàn giao đất để dự án sớm được triển khai.
Sẽ trọn vẹn hơn nếu ở cửa ngõ phía đông của thành phố, cầu Bùi Thị Xuân được xây dựng. Cây cầu này đóng vai trò tạo kết nối năng động, linh hoạt giữa các phường, xã ngoại thành và nội đô. TP Hải Dương đã thi tuyển phương án kiến trúc cầu, lựa chọn ý tưởng xây dựng cầu lấy cảm hứng từ gốm Chu Đậu, sản phẩm thủ công mỹ nghệ tiêu biểu của mảnh đất xứ Đông. Song do phải điều chỉnh chủ trương đầu tư, đánh giá lại hiệu quả vốn vay nên công trình cầu Bùi Thị Xuân đành lỡ hẹn trong nhiệm kỳ này. Dẫu vậy, những nỗ lực tạo đột phá về hạ tầng giao thông của thành phố xứng đáng được ghi nhận.
Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố đến năm 2040 được phê duyệt vào tháng 4/2023. Với quy hoạch này, hình ảnh thành phố ngôi sao với 5 cực phát triển được thay bằng 4 vùng đô thị với 6 phân khu chức năng. Từ nền tảng này, thành phố mang khát khao về một đô thị công thương, đô thị sống khoẻ, đô thị sáng tạo, đô thị đẹp thân thiện với con người, đô thị an toàn, an tâm.
Mùa nào hoa nấy
Cùng với hạ tầng giao thông thì tiêu chí cây xanh đô thị cũng là điểm trừ của TP Hải Dương khi lên đô thị loại I. Tiêu chuẩn về mật độ cây xanh của đô thị loại I là 10 m2/người nhưng thời điểm đó, thành phố mới đạt 7 m2/người. Trong khi đó, quy hoạch cây xanh còn nhiều hạn chế, bất cập, không ít tuyến đường trồng cây lộn xộn.
Để nâng cao chất lượng cây xanh đô thị, TP Hải Dương ngoài quan tâm đến số lượng, mật độ cây trồng còn chú trọng tới cảnh quan, thẩm mỹ. Nhờ vậy mà chỉ trong thời gian ngắn, Hải Dương đã trở thành thành phố muôn sắc hoa, mùa nào hoa nấy. Từng mùa đều có những loài hoa đặc trưng theo từng tuyến đường khiến người dân thích thú, say mê, háo hức ghi lại hình ảnh đẹp bên hoa cũng như lưu giữ hình ảnh thành phố để càng thêm gắn bó, yêu thương.
Mọi người hân hoan cùng thành phố đón xuân sang với sắc tím, hồng của hoa ban hay hoa phong linh nhuộm vàng đại lộ Võ Nguyên Giáp khi giao mùa từ xuân sang hè. Rồi mùa hạ tới, diện mạo đô thị loại I rực rỡ với đủ loài hoa khoe sắc như tường vi, bằng lăng, phượng, muồng hoàng yến… Thu sang, TP Hải Dương nồng nàn hương hoa sữa. Đông đến, thành phố khác lạ, hoài niệm khi các loài hoa thay lá mới. Một điểm nhấn nữa phải kể đến là vườn hoa Trường Thịnh mang thông điệp "Thành phố tình yêu" đã trở thành điểm check in của nhiều người. Tất cả đã tạo nên một TP Hải Dương muôn màu, muôn vẻ.
Sau 5 năm, TP Hải Dương không chỉ khắc phục điểm trừ về cây xanh đô thị mà còn tạo ra điểm nhấn, dấu ấn từ tiêu chí này. Hiện mật độ cây xanh đô thị của thành phố đạt 13,96 m2/người, vượt 3,96 m2/người so với tiêu chí đô thị loại I. TP Hải Dương đặt mục tiêu đạt 15 m2/người để hướng tới đô thị xanh, giảm áp lực của đô thị hoá, công nghiệp hoá, tạo dựng không gian sống trong lành để người dân được thụ hưởng.
Tạo dựng không gian văn hoá cộng đồng
TP Hải Dương có lợi thế về vị trí địa lý song lại thiệt thòi khi chỉ là thành phố đi qua chứ không phải là điểm đến, điểm dừng chân. Người dân vẫn luôn mong mỏi thành phố sẽ có không gian văn hoá cộng đồng để thoả mãn nhu cầu vui chơi, giải trí, mua sắm của người dân, du khách. Điều này thôi thúc TP Hải Dương xây dựng tuyến phố đi bộ, chợ đêm Bạch Đằng. Dù lúc đầu có nhiều ý kiến trái chiều xung quanh việc này nhưng tuyến phố đã được khai trương tối 28/4/2023, đúng dịp nghỉ lễ 30/4. Sau 1 năm tuyến phố đi vào hoạt động, sự hưởng ứng, đón nhận của người dân, du khách gần xa chính là câu trả lời rõ ràng nhất.
Phố đi bộ, chợ đêm Bạch Đằng dần trở thành món ăn tinh thần của người dân, du khách vào mỗi dịp cuối tuần. Đây không những là nơi vui chơi, giải trí mà còn góp phần nuôi dưỡng, lan toả sức sống của phong trào văn nghệ quần chúng. Tuyến phố thu hút từ 5.000-7.000 lượt người mỗi tối cuối tuần, dịp lễ Tết từ 10.000-12.000 lượt người tới tham quan, trải nghiệm. Bên cạnh phát huy giá trị lịch sử, văn hoá truyền thống và hiện đại, phố đi bộ, chợ đêm Bạch Đằng góp phần thúc đẩy kinh tế đêm của thành phố phát triển.
Từ thành công của phố đi bộ, chợ đêm Bạch Đằng, thành phố cũng vừa khai trương phố ẩm thực Tuệ Tĩnh dịp nghỉ lễ 30/4 vừa qua. Đây là tuyến phố phụ trợ, góp phần hình thành những giá trị cộng đồng từ việc kích cầu du lịch, tiêu dùng. Đồng thời việc đưa phố ẩm thực đi vào nền nếp, quy củ giúp quản lý đô thị được hiệu quả, bài bản hơn. Tuy mới xây dựng nhưng tình cảm của người dân, du khách dành cho tuyến phố này vào mỗi tối thứ sáu hằng tuần là động lực để TP Hải Dương tiếp tục khai thác, phát huy nhằm xây dựng hình ảnh đô thị loại I năng động, thân thiện và mến khách.
5 năm đi qua, những nỗ lực, quyết tâm của thành phố để xây dựng đô thị loại I theo định hướng xanh, thông minh, thân thiện, an toàn đã gặt hái được không ít thành quả. Dù vậy, để trở thành nơi đáng sống, TP Hải Dương vẫn còn nhiều việc phải làm. Đó là việc tổ chức, triển khai quy hoạch cần quy củ, bài bản, xây dựng hạ tầng cần khẩn trương, đồng bộ để tránh những phiền phức không đáng có cho người dân. Những dự án, công trình ở khu vực trung tâm thành phố cần sớm được thực hiện, đáp ứng yêu cầu, mong mỏi của mọi người về một đô thị hiện đại, khang trang. Nét đẹp Thành Đông cần được quan tâm gây dựng, nhân rộng…