Thương hiệu Man United còn lại gì?
Hình ảnh sân Old Trafford dột nước mưa khắp nơi trong trận đấu giữa Man United và Arsenal ở vòng 37 Premier League xứng đáng được xem là tiêu biểu cho một mùa giải thảm họa của "Quỷ đỏ".
Không chỉ vậy, nó thậm chí tượng trưng cho kỷ nguyên thoái trào của một trong những thương hiệu thể thao lớn nhất thế giới.
Sa sút khó tin
Vào giữa mùa giải, gia đình Glazer đã xúc tiến chuyển giao quyền sở hữu Man United cho tỉ phú Jim Ratcliffe. Dù không thực sự đúng như nguyện vọng (chờ đợi những tỉ phú với túi tiền không đáy từ Ả Rập), đây vẫn là một tin vui với người hâm mộ "Quỷ đỏ". Không quá lắm tiền nhiều bạc, nhưng Sir Jim nổi tiếng là một fan bóng đá thực thụ. Đồng thời, ông lại có nhiều kinh nghiệm trong việc đầu tư cho bóng đá.
Nhưng cuộc cách mạng không thể trong một sớm một chiều. Khi mùa giải càng trôi về giai đoạn cuối, dàn ban lãnh đạo mới càng thấy khối lượng công việc trước mắt họ ngổn ngang đến thế nào. Đúng như nhận định của Ronaldo, Man United ngày nay sa sút khó tin về mặt cơ sở vật chất, các phòng ban chuyên môn... Hồi đầu tháng 5, truyền thông Anh đưa tin Sir Jim đã xác nhận sẽ xây mới sân tập Carrington cho Man United. Và đến cuối tuần rồi, cả thế giới được chứng kiến sân Old Trafford lừng danh cũng cần được cải tổ như thế nào.
Nỗi lo tài chính
Câu hỏi đầu tiên là... tiền đâu? Tỉ phú người Anh sở hữu khối tài sản khổng lồ, ước lượng khoảng 16 tỉ USD. Nhưng ông đã bỏ 1,5 tỉ USD cho việc mua 27% cổ phần đội bóng. Để mua đứt "Quỷ đỏ", Sir Jim phải bỏ ra khoảng 6 tỉ USD. Những dự án xây mới cơ sở vật chất cho Man United ước tính cũng tiêu tốn hàng trăm triệu USD khác. Và cuối cùng, mùa hè này, Man United tiếp tục phải chi đậm trên thị trường chuyển nhượng để cải tổ đội hình.
Huấn luyện viên Erik Ten Hag có thể bị sa thải hoặc không. Nhưng chiến lược gia người Hà Lan đã tạo nên một khoản lỗ không tưởng cho Man United vì những bản hợp đồng thất bại - theo yêu cầu của ông. Dưới thời Ten Hag, Man United thực chi 400 triệu euro trên thị trường chuyển nhượng. Trong đó có hơn phân nửa là dành cho những cầu thủ chẳng có đóng góp gì như Antony, Mount, Malacia, hoặc sa sút không phanh như Casemiro...
Tổn hại thương hiệu nặng nề
Man United lỗ đến thế nào? Để hình dung, mùa hè này họ đang rất cần một đội bóng giàu có từ Saudi Arabia rước đi Casemiro - người được mua với giá 71 triệu euro. Nhưng Man United gần như không có hy vọng thu về tiền chuyển nhượng, họ chỉ mong giải phóng được hợp đồng có mức lương lên đến 19 triệu euro/năm của Casemiro. Antony và Mount dù còn trẻ trung hơn nhưng nhiều khả năng cũng rớt giá thảm hại trên thị trường chuyển nhượng.
Bao nhiêu tiền là đủ cho một cuộc cải tổ lực lượng? Hai năm qua, làng bóng đá đã chứng kiến Chelsea chi đến cả tỉ euro để mua sắm cầu thủ, nhưng thất bại vẫn hoàn thất bại. Những con số không thể nói ra một cách dễ dàng đến vậy. Ở thời điểm hiện tại, Man United chỉ có thể ước lượng những khoản lỗ. Như việc mất vé dự Champions League mùa giải tới sẽ khiến "Quỷ đỏ" thâm hụt gần 100 triệu euro.
Thất bại thảm hại trên sân cỏ, và xuống cấp khó tin ở hậu trường. Một trong những thương hiệu thể thao lớn nhất hành tinh đang bị tổn hại nặng nề.
Newcastle nắm nhiều lợi thế
Rạng sáng 16/5 (giờ Việt Nam) sẽ diễn ra hai trận đấu bù mang tính quyết định cuộc đua giành vé dự Europa League mùa tới ở Premier League. Đó là trận Man United - Newcastle, diễn ra lúc 2 giờ và trận Chelsea - Brighton lúc 1 giờ 45.
Hiện Newcastle đang nắm nhiều lợi thế nhất với 57 điểm, xếp hạng 6. Chelsea cũng có 57 điểm nhưng xếp dưới Newcastle vì kém hiệu số bàn thắng bại, còn Man United chỉ có 54 điểm. Kể cả khi thắng Newcastle ở vòng này, còn Chelsea thua nốt Brighton, Man United vẫn phải yên vị ở vị trí thứ 8 vì hiệu số bàn thắng bại quá tệ.