Phật giáo Hải Dương xưa và nay
Cũng như cả nước, trên địa phận tỉnh Hải Dương, Phật giáo an nhiên phát triển trải qua các triều Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần, Hậu Lê, Mạc rồi Nguyễn, phát triển từ kinh đô đến các làng xã.
Vài nét về Phật giáo
Phật giáo ra đời tại Ấn Độ từ thế kỷ thứ VI trước Công nguyên, do Thích Ca Mâu Ni khởi xướng. Tôn giáo này phát triển khá nhanh, rồi tràn sang các nước Đông Á và Đông Nam Á từ đầu Công nguyên.
Phật giáo chia thành hai nhánh, nhánh phía Nam gọi là Tiểu thừa hay Phật giáo Nam phương, truyền vào Việt Nam qua Nam bộ; nhánh Bắc phương gọi là Đại thừa, truyền sang Trung Quốc rồi vào Việt Nam, khoảng thế kỷ thứ ba. Phật giáo phía Bắc chủ yếu theo phái Đại thừa.
Trải qua gần hai nghìn năm, “Phật Giáo ở Việt Nam cũng có nhiều chuyển biến, từ ngoại lai đến bản địa, từ một vùng đến cả nước, từ đơn sơ đến sâu sắc và bề thế” (Lịch sử Phật giáo Việt Nam). Nó cũng thăng trầm qua thời gian để tồn tại và phát triển đến nay.
Cùng với Phật giáo, còn có Nho giáo và Lão giáo từ Trung Quốc vào Việt Nam cũng từ đầu Công nguyên. Ở Việt Nam, ba tôn giáo này không mâu thuẫn nhau mà bổ trợ cho nhau trong hoạt động tôn giáo, tạo nên nét đặc trưng của tôn giáo Việt Nam là "tam giáo đồng nguyên". Những tôn giáo này cũng được Việt hóa trên một số lĩnh vực.
Sau kháng chiến chống quân Nguyên thắng lợi, những người lãnh đạo quốc gia Đại Việt tự tin và quật khởi, cần một tôn giáo và trường phái tư tưởng riêng. Bởi thế đầu thế kỷ XIV, Thiền phái Trúc Lâm Việt Nam ra đời, do Phật hoàng Trần Nhân Tông xác lập, với tuyên ngôn “Cư trần lạc đạo”, tạo cho Phật giáo Việt Nam một sinh khí mới, vừa mang tính bản địa, vừa dễ tu hành và nhập thế.
Nếu Thái tử Thích Ca Mâu Ni giác đạo dưới gốc cây bồ đề ở Ấn Độ, thì ở Việt Nam có Phật hoàng Trần Nhân Tông giác đạo dưới rừng trúc Yên Tử của Việt Nam. Đầu thế kỷ XVI, Thiên Chúa giáo du nhập vào Việt Nam, trong đó có Hải Dương, cũng được nhân dân ta đón nhận một cách hòa bình và trân trọng. Tôn giáo này phát triển mạnh ở thế kỷ XIX.
Ở Hải Dương, các nhà Nho còn có câu đối mừng nhà thờ khánh thành. Các tôn giáo du nhập vào Việt Nam đều phải Việt hóa, nếu không khó tồn tại, chưa nói đến phát triển, bởi Việt Nam Tổ quốc là trên hết. Cũng vì thế mà đình làng đại diện cho Nhà nước pháp quyền và thần quyền ở cấp xã bao giờ cũng ở vị trí trang trọng, trước các công trình tôn giáo.
Phật giáo vào Việt Nam được quan triều và nhân dân hoan hỷ đón nhận, là một tôn giáo nhập thế, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ở triều Đinh, có Khuông Việt Ngô Chân Lưu thiền sư, với danh xưng đó đủ biết các Quốc sư có ý thức về Tổ quốc của mình như thế nào. Vào năm 971, ông có công xây dựng chùa Động Ngọ (TP Hải Dương). Tại cố đô Hoa Lư (Ninh Bình), còn cột kinh khắc dựng từ năm 1054 là bằng chứng về sự quan tâm của triều đình với Phật giáo.
Triều Lý ra đời có sự đóng góp tích cực của các thiền sư. Đây cũng là triều đại để lại nhiều di sản lịch sử - văn hóa lớn mang hình thức và nội dung Phật giáo, điển hình là chùa Long Đọi, tại xã Tiên Sơn, thị xã Duy Tiên (Hà Nam) được xây dựng từ năm 1054, sau đó là tấm bia tháp Sùng Thiện Diên Linh, được khắc dựng vào năm Thiên Phù Duệ Vũ thứ hai (1121), nay là Bảo vật quốc gia. Ở Hải Dương không ít ngôi chùa xây dựng từ triều Lý.
Phục hưng chưa từng có
Cũng như cả nước, trên địa phận tỉnh Hải Dương, Phật giáo an nhiên phát triển trải các triều Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần, Hậu Lê, Mạc rồi Nguyễn, phát triển từ kinh đô đến các làng xã. Chùa Quang Khánh (Kim Thành) có quy mô trên 200 gian. Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, hầu như làng xã nào cũng có chùa. Trong hai cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, hoạt động tôn giáo tín ngưỡng có nhiều khó khăn, chùa tháp mai một, vì cả nước tập trung cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Sau đổi mới, các công trình tín ngưỡng, tôn giáo được Đảng và Nhà nước quan tâm, trong đó có Phật giáo được phục hưng. Các công trình tôn giáo được trùng tu, tôn tạo, cá biệt có công trình còn hoành tráng hơn cả trước Cách mạng tháng Tám. Hiện nay, tỉnh Hải Dương có trên 1.000 ngôi chùa lớn nhỏ, do hàng trăm nhà sư trụ trì cùng với hàng vạn tín đồ.
Trong quá trình lịch sử, có những tăng ni nổi tiếng góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, điển hình là Pháp Loa (Nam Sách), đến nay có thể nói là vô tiền khoáng hậu ở xứ Đông.
Phật giáo cũng để lại một di sản vô cùng to lớn về kiến trúc, bia ký, tượng Phật… nay đã trở thành Bảo vật quốc gia. Bảo vệ di sản đó là của toàn dân, nhưng trọng yếu thuộc về các tăng ni.
Nho, Phật, Lão đều là những tôn giáo ngoại lai, du nhập vào Việt Nam đã gần 2.000 năm, quá trình tồn tồn tại và phát triển đã tiếp thu những yếu tổ tích cực của nhau cùng với tín ngưỡng bản địa, tạo nên đặc thù của Phật giáo Việt Nam. Ở xứ Đông còn ảnh hưởng sâu sắc Thiền phái Trúc Lâm và Tào Động.
Trải qua gần 2.000 năm, biết bao thăng trầm, tư tưởng của Lão giáo và Nho giáo vẫn còn trong tín ngưỡng dân gian, trong Phật giáo hiện đại, nhưng hoạt động với tư cách là một tôn giáo thì mờ nhạt. Trong khi đó, Phật giáo nói chung và Phật giáo xứ Đông nói riêng tồn tại và phục hưng chưa từng có trong lịch sử dân tộc. Đó là niềm tự hào của tăng ni và Phật tử.
Tuy nhiên, vinh quang nào cũng đi liền với trách nhiệm. Nguyện vọng của nhân dân mong chờ ở các chức sắc thực hiện tốt lời Phật dạy: “Vô ngã vị tha”, sống hòa hợp với thiên nhiên, hòa đồng với tín ngưỡng dân tộc, thực hiện tốt chính sách của Nhà nước, cư trần mà lạc đạo như xưa, giữ được đạo Trung Dung trong hành xử. Chỉ có như vậy, Phật giáo mới đủ uy tín để tồn tại và phát triển. Đó cũng là niềm tin và ngưỡng vọng của nhân dân.