Giới trẻ săn bữa ăn của người nghèo
Bữa ăn "rẻ nhất có thể" hay các chuỗi nhà hàng, quán ăn dành cho người nghèo đang được người trẻ săn lùng trong bối cảnh suy thoái kinh tế.
"Tôi no bụng với quầy buffet sáng 0,42 USD và tìm suất ăn trưa ở KFC chỉ 3 USD. Ly cà phê giúp tôi tỉnh táo buổi chiều có giá 1,5 USD. Sau đó, tôi lại tiếp tục săn mì giảm giá 2 USD cho bữa tối", một thanh niên nói.
Thuật ngữ qiong gui taocan xuất hiện trên mạng xã hội Trung Quốc được định nghĩa là bữa ăn hoặc món hời cho người nghèo. Nó bắt nguồn từ khi McDonald’s giới thiệu những suất ăn "rẻ nhất có thể" được người tiêu dùng đón nhận nồng nhiệt. Các chuỗi đồ ăn nhanh phương Tây và nhà hàng Trung Quốc cũng nhập cuộc với hình thức tương tự.
Hai năm qua, trào lưu săn những bữa ăn nghèo được giới trẻ Trung Quốc ưa chuộng. Khảo sát từ mạng xã hội Xiaohongshu cho các bài đăng liên quan đến món hời của người nghèo đã nhận được trung bình 2.366 lượt tương tác mỗi ngày vào cuối năm ngoái. Cuối tháng 3, con số tăng gấp bốn lần là 8.265 lượt. Trên Douyin, chủ đề này cũng đã thu hút ít nhất 800 triệu lượt xem.
Người dùng chủ yếu thảo luận về cách tích trữ phiếu giảm giá và "săn" các bữa ăn tốt nhất.
Các chuyên gia phân tích trong bối cảnh suy thoái kinh tế, tiêu dùng đi xuống, tầng lớp trung lưu đang gặp khó khăn. Họ đang cố gắng tiêu tiền ít nhất nhưng chất lượng bữa ăn phải chất lượng tối đa.
Điều này đồng nghĩa các nhà hàng phải có chiến lược khác. Xin Rong Ji - nhà hàng cao cấp ở tỉnh Chiết Giang thống kê khách trung bình chi tiêu 150 USD mỗi lần đến. Nhưng gần đây, họ đã tạo ra thêm "bữa ăn nghèo" giá 60 USD.
Pizza Hut đưa ra "bữa ăn nghèo" giá 1,4 USD. Chuỗi cửa hàng tiện lợi 7-Eleven, Lawson và Family Mart đồng loạt đưa ra bữa sáng dưới một USD. Người dùng mạng xã hội gọi bữa sáng buffet 0,45 USD của thương hiệu thức ăn nhanh Nanchengxiang là đáng thử của người nghèo Bắc Kinh.
Báo cáo của canyin168.com cho thấy từ khi cung cấp phiên bản bữa ăn nghèo, các chi nhánh của Nanchengxiang đã tăng vọt doanh số từ 600 - 1500 USD vào khung giờ sáng. Tương tự, việc thương hiệu đồ uống Luckin Coffee tung ra phiếu mua cà phê 1,4 USD cũng khiến họ tăng từ 700 ly lên 1.300 ly.
Ngành dịch vụ ăn uống F&B là một trong những thị trường tiêu dùng lớn nhất của Trung Quốc.Dữ liệu từ Cục Thống kê quốc gia cho thấy doanh thu ngành ăn uống của Trung Quốc đạt 201,675 tỷ USD trong quý đầu năm 2024, tăng 10,8%.
Thống kê từ qcc.com cho thấy có 731.000 đăng ký mới liên quan đến kinh doanh ăn uống trong quý đầu 2024. Tuy nhiên, có 459.000 doanh nghiệp ăn uống đã ngừng hoạt động trong cùng kỳ, cao hơn nhiều so với con số 140.000 của năm ngoái.
Báo cáo xu hướng tiêu dùng năm 2023 của Yicai cho thấy tỷ lệ giá và chất lượng đã trở thành khái niệm mới ở Trung Quốc. Thị trường việc làm ảm đạm và khó khăn kinh tế cũng góp phần làm giảm lòng tin, thái độ và văn hóa tiêu dùng của giới trẻ.