Bảo vệ đa dạng sinh học dưới cái nhìn của lợi ích dược liệu
Nước ta đã có pháp luật bảo vệ tính đa dạng sinh học, song việc bảo vệ đa dạng hệ sinh thái thực vật xem chừng còn nhiều bất cập.
Dùng cây cỏ để chữa bệnh
Như ta đã biết quần thể hệ thực vật có trước rồi mới đến hệ động vật theo sau. Nhiều động vật mà nguồn sống gắn liền với thực vật, hệ thực vật tạo nên môi sinh cho động vật sinh tồn. Với con người, hệ sinh thái thực vật còn là nguồn tài nguyên dược liệu chữa bệnh. Như sự sắp đặt của tự nhiên, mỗi vùng đều có cây cỏ đi theo phục vụ con người, có cây là nguồn thức ăn, có những giống cây là những vị thuốc chữa bệnh. Mỗi vùng lại có những vị thuốc riêng biệt đặc thù.
Thuộc vùng nhiệt đới nóng ẩm mưa nhiều, nước ta trải trên nhiều vĩ độ. Miền Bắc lại ảnh hưởng của thời tiết chí tuyến nên hệ thực vật Việt Nam rất phong phú. Từ xưa nhân dân ta đã biết dùng cỏ cây chữa bệnh, tích lũy nên biết bao kinh nghiệm độc đáo. Biết bao cây cỏ được người dân sử dụng một cách hiệu quả. Dùng thuốc nam chữa bệnh đã trở thành kinh nghiệm và như là nếp sống của ông cha ta. Đại danh y - Thiền sư Tuệ Tĩnh ( thế kỷ XIV) có nêu một quan điểm nổi tiếng: “Nam dược trị Nam nhân" (thuốc Nam chữa bệnh cho người Nam). Có khi chỉ là nắm lá quanh nhà mà có tác dụng giải cảm, một cây dại bên đường lại có tác dụng thanh nhiệt... Và đồng bào các dân tộc miền núi từng dùng nhiều cây lá bản địa chữa khỏi bệnh một cách thần kỳ. Theo quan niệm Dịch lý thì người ở phương Đông thuộc hành mộc chữa bệnh hợp với cây lá thảo dược. Người ở phương Tây thuộc hành kim, việc chữa bệnh lại có truyền thống về hóa dược. Và ngày nhiều người dù phương Đông hay phương Tây đều nhận thấy dùng thuốc theo nguồn thảo dược thì an toàn, ít xảy ra những phản ứng phụ.
Văn minh nhân loại tiến về phía khoa học, Tây y được xem là phương pháp chữa bệnh chính thức, còn các phương pháp chữa bệnh khác như Đông y, châm cứu, dưỡng sinh... được xem là y học bổ sung. Văn hóa nhân loại trân trọng tất cả những gì đem lại lợi ích cho con người, đường lối y học của Đảng ta là Đông Tây y kết hợp. Vì thế tận dụng tiềm năng của nguồn dược liệu dân tộc là hướng đi tất yếu trong đời sống hiện đại.
Trên thế giới ngày càng có nhiều nhà khoa học để tâm đến việc chiết xuất dược phẩm từ cây cỏ, khuyến khích người dân sử dụng những bài thuốc tại chỗ theo kinh nghiệm từng vùng, từng miền. Muốn vậy bảo vệ tính đa dạng sinh học, bảo tồn các nguồn gen phải đi trước một bước. Nước ta có nguồn thực vật đa dạng phong phú, có người đã nhắm đến một tương lai công nghiệp hóa dược cho nước nhà. Một nền công nghiệp hóa dược rất giàu tiềm năng có thể sánh ngang với các trung tâm hóa dược lớn trên thế giới.
Gìn giữ môi trường sinh thái
Thực tế hệ sinh thái môi trường ở nước ta bị tổn hại khá nhiều. Trước hết ở vùng rừng núi, việc khai thác không có kế hoạch, không có ý thức bảo tồn cùng nạn cháy rừng đã làm cạn kiệt chủng loại, nhiều loài có loài có nguy cơ tuyệt chủng. Những khu rừng trồng lại chỉ mang ý nghĩa khôi phục màu xanh thường mang tính đơn chủng, tính đa dạng như xưa ngày càng xa dần.
Vùng đồng bằng, tình trạng hủy hoại đa dạng sinh học lại càng rõ rệt. Người ta thường chú ý đến những giống cây ăn quả, những cây không phải là đối tượng kinh tế đều xem là cây hoang dại cần phải loại bỏ. Xây dựng hiện nay chủ yếu là xi măng, sắt thép, cây tre bị loại bỏ ra khỏi quang cảnh làng quê, lại dùng quá nhiều hóa chất để diệt cỏ, cây hoang dại cứ thế dần biến mất. Các bờ rào xanh mát ngày xưa được thay thế bằng các tường gạch vây kín. Xưa kia những bờ rào bên cạnh cây tre, cây duối, cây râm bụt còn biết bao cây khác cộng sinh, khi cần người dân dùng đến để chữa bệnh rất hay.
Xét ra biết bao mất mát khó có thể khôi phục được. Cần phải làm ngay còn hơn là không và phải có chủ trương quyết liệt. Tiếp đó là việc tuyên truyền, giáo dục người dân có ý thức bảo vệ tính đa dạng sinh học. Từng địa phương phải thật sự sâu sát trong việc theo dõi chỉ đạo thực hành: Sử dụng thuốc diệt cỏ như thế nào? Nơi nào có thể trồng thêm những khóm tre, một cây gạo, để tạo cảnh quan và cũng là những vị thuốc Nam cả đấy. Những cây hoang dại mọc không ảnh hưởng gì không nên phá chỉ vì ý nghĩ để cho sạch mắt. Và làng quê trên con đường xây dựng nông thôn mới phải tiếp tục làm rõ khái niệm này, trong đó nâng cao chất lượng môi trường sinh thái, tính đa dạng sinh học phải được chú ý đặc biệt. Có những cây con hôm nay còn là tầm thường biết đâu trong tương lai khoa học lại tìm thấy những giá trị tuyệt vời ở đó.