Nhà đất

Một hộ dân xây tường bịt lối đi chung ở phường Cẩm Thượng (TP Hải Dương) là không đúng

PV 16/05/2024 05:00

Báo Hải Dương nhận được đơn của bạn đọc về vụ tranh chấp ngõ đi chung giữa một số hộ dân ở phường Cẩm Thượng (TP Hải Dương). Theo xác minh của phóng viên, có cơ sở kết luận việc một hộ dân xây tường bịt lối đi là không đúng pháp luật.

z5426786671474_576263365329a27ad1060f3117bc8ed1.jpg
Phần tường rào được cho là do bà Đ.T.Đ. xây trên đoạn ngõ đi chung đang xảy ra tranh chấp

Từ tranh chấp kéo dài 16 năm...

Bà Đ.T.H., thường trú tại phường Phạm Ngũ Lão (TP Hải Dương) phản ánh, năm 1964, bố của bà H. là ông Đ.T.T. mua 1 mảnh đất tại phường Cẩm Thượng. Năm 1975, ông T. tiếp tục mua một mảnh đất khác liền kề, có đường đi chung. Năm 2008, bà Đ.T.Đ. là hộ dân sống liền kề đã xây một bức tường và trụ cổng chặn đầu ngõ đi này. Từ năm 2008 đến nay, gia đình bà H. đã nhiều lần kiến nghị lên các cấp chính quyền nhưng vụ việc tranh chấp kéo dài 16 năm này chưa được xử lý dứt điểm.

Theo một số hồ sơ bà Đ.T.H. cung cấp, tháng 9/2008, tại phòng tiếp công dân, UBND phường Cẩm Thượng đã tổ chức buổi hòa giải đầu tiên giữa các bên liên quan. Trong biên bản này, ông Đ.T.T. cho rằng khu vực giáp ranh giữa nhà ông này và nhà bà Đ.T.Đ. là một ngõ đi chung có từ lâu đời. Tuy nhiên, bà Đ.T.Đ. cho rằng đoạn đường mà ông T. cho là ngõ đi chung vốn dĩ là đất của gia đình bà.

ba-doat-b160870ae96bb5d333a70bddc0c010d5.jpg
Tại bản đồ 299 do công chức Địa chính-Xây dựng phường Cẩm Thượng cung cấp, phía tây thửa đất của gia đình bà Đ.T.Đ. liền kề thửa đất các hộ, không thể hiện ngõ đi chung

Tại buổi hòa giải này, các thành viên UBND phường Cẩm Thượng đã cho ý kiến rằng đoạn ngõ đang tranh chấp là ngõ đi chung, ngõ này không phải phần diện tích đất nằm trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của bất kỳ gia đình nào. Phó Chủ tịch UBND phường Cẩm Thượng khi đó cũng kết luận đoạn ngõ trên là ngõ đi chung. Do vậy, các hộ liền kề với ngõ đều có quyền mở lối và đi lại qua ngõ này. Do bà Đ.T.Đ. có công vượt lấp, lập đường ngõ này nên ông Đ.T.T. có nhu cầu mở lối ra ngõ phải có trách nhiệm bàn bạc, thỏa thuận với bà Đ.T.Đ. để hỗ trợ kinh phí.

Sau buổi hòa giải vừa nêu, UBND phường Cẩm Thượng còn tổ chức một số buổi hòa giải, tuyên truyền vận động khác song không đạt kết quả.

Ngày 10/12/2009, Phòng Tài nguyên và Môi trường TP Hải Dương có báo cáo số 482/BC-TNMT về kết quả xác minh, kết luận và kiến nghị giải quyết tranh chấp ngõ đi giữa gia đình ông Đ.T.T. và bà Đ.T.Đ.

Báo cáo này nêu căn cứ xác minh từ việc kiểm tra bản đồ 299 (bản đồ phân loại đất theo Chỉ thị 299/TTg ngày 10/11/1980 của Thủ tướng Chính phủ về công tác đo đạc, phân hạng, đăng ký ruộng đất trong cả nước), bản đồ năm 1996, năm 2005, việc kê khai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất các năm 1991 cũng như nhiều năm liên quan khác.

Theo đó, trong bìa đất cấp năm 1991, thửa đất của ông Đ.T.T. thể hiện giáp 2 ngõ: ngõ đi chung với hộ bà Đ.T.Đ. và đường trục khu dân cư. Trên bìa đất của bà Đ.T.Đ. thể hiện có ngõ đi chung (nằm ở phía tây thửa đất, giáp nhà ông Đ.T.T.), phần ngõ này không nằm trong phần diện tích đất của bà Đ.T.Đ. Trên bản đồ năm 2005, đoạn ngõ này được thể hiện là đất giao thông, tức đường đi chung do UBND phường Cẩm Thượng quản lý.

Từ báo cáo này, ngày 25/12/2009, UBND TP Hải Dương ra Quyết định 3149/QĐ-UBND, trong đó chuẩn y báo cáo của Phòng Tài nguyên và Môi trường, xác định ngõ nói trên là đường đi chung, thuộc đất giao thông.

Ngày 31/8/2023, UBND TP Hải Dương có văn bản yêu cầu xử lý dứt điểm vụ việc tranh chấp, hoàn thành trước ngày 30/9/2023.

...đến căn nguyên vấn đề

Đến nay, việc xử lý vụ tranh chấp này vẫn “giậm chân tại chỗ”. Trong quá trình xác minh đơn phản ánh của công dân, điều khiến chúng tôi băn khoăn là một sự việc tưởng như đã “rõ như ban ngày” thì tại sao các hộ dân vẫn mâu thuẫn, để vụ việc kéo dài đến 16 năm?

Đến khi tiếp cận được với bản đồ 299 do công chức Địa chính-Xây dựng phường Cẩm Thượng cung cấp, chúng tôi mới hiểu căn nguyên. Bản đồ 299 thể hiện phía tây thửa đất của bà Đ.T.Đ. có ranh giới liền sát thửa đất của các hộ dân khác, trong đó có gia đình ông Đ.T.T. chứ không thể hiện bất kỳ đoạn ngõ nào. Phía trước thửa đất của bà Đ.T.Đ. là phần diện tích ao công. Phía sau thửa đất của bà này là thửa đất của ông Đ.T.B.

Về căn nguyên hình thành lối đi này, theo văn bản số 105/UBND-XD ngày 12/7/2023 của UBND phường Cẩm Thượng, do thửa đất của ông Đ.T.B. không có đường đi ở cả 4 phía, vì vậy năm 1991, khi thực hiện cấp bìa đất, gia đình bà Đ.T.Đ. và ông Đ.T.B. đã thống nhất sẽ tạo một lối đi dẫn từ thửa đất nhà ông Đ.T.B. qua mép phía tây thửa đất của bà Đ.T.Đ. kết nối với một đoạn đường sát mép thửa đất ao công để ra đường trục khu này.

Từ đó, đường ngõ này được hình thành, được đo vẽ thể hiện trong bản đồ địa chính năm 1996, 2005. Tại tờ bản đồ năm 2005, nếu nhìn kỹ có thể thấy dòng chữ "ngõ đi chung (Đ.+B.)".

Theo thời gian, phần diện tích đất của bà Đ.T.Đ.
Phần diện tích đất của bà Đ.T.Đ. "cắt" ra để làm đường đi, phục vụ việc cấp bìa đất cho ông Đ.T.B. trở thành ngõ đi chung, thể hiện tại bản đồ 2005

Đến ngày 7/5/2008, UBND TP Hải Dương ban hành Quyết định 1818/QĐ-UBND về việc thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đóng dấu chữ ký. Theo đó, để xử lý những bìa đất đóng dấu chữ ký của Chủ tịch UBND tỉnh Hải Hưng trước đây, TP Hải Dương khi đó đã thu hồi 1.136 bìa đất thuộc phường Cẩm Thượng. Các bìa đất của gia đình ông Đ.T.T., bà Đ.T.Đ., ông Đ.T.B. đều bị thu hồi để cấp lại. Mấy chục năm nay ông Đ.T.B. vẫn sinh sống ở TP Hồ Chí Minh, chưa có nhu cầu sử dụng, hiện vẫn là mảnh đất trống nên đến nay ông Đ.T.B. vẫn chưa làm lại bìa đất mới.

Vậy đoạn ngõ được cho vốn là đất của bà Đ.T.Đ., được “cắt” ra để làm đường đi, phục vụ việc cấp bìa cho ông Đ.T.B. như vừa nêu có phải trả lại nguyên trạng ban đầu, tức lại thuộc về quyền sử dụng đất của gia đình bà Đ.T.Đ. hay không? Tờ bản đồ địa chính năm 1996, 2005 có phải đo vẽ lại hoặc điều chỉnh hay không?

Mặt khác, đoạn ngõ này không phải đường độc đạo dẫn vào nhà ông Đ.T.T. Gia đình ông này hiện vẫn dễ dàng đi lại thông qua đường trục chính của khu dân cư ngay phía trước nhà.

Được biết, cuối năm 2023, gia đình bà Đ. có đơn khiếu nại gửi UBND tỉnh và các ngành chức năng liên quan của tỉnh về Quyết định 3149.

Trao đổi với luật sư Nguyễn Kiều Đông, Trưởng Văn phòng luật sư Á Đông, dù nguồn gốc hình thành đoạn ngõ nói trên xuất phát từ đất do cha ông để lại cho bà Đ.T.Đ., song từ thời điểm bà Đ. tự nguyện “cắt” đất để ông Đ.T.B. làm bìa đất, phần đất này đã không còn thuộc về bà Đ. nữa, mà trở thành đất công cộng, do Nhà nước, cụ thể ở đây là do UBND phường Cẩm Thượng quản lý.

“Kể cả khi thu hồi bìa đất của ông B. thì phần ngõ đó cũng không trả lại nguyên trạng cho bà Đ. được. Việc bà Đ. cắt đất làm ngõ bản chất là hiến đất, thể hiện sự tự nguyện của bà Đ. Phần diện tích đất của bà Đ. được xác định theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã được cấp và giấy chứng nhận đó không bao gồm phần ngõ này. Điều này cũng thể hiện trong các tờ bản đồ địa chính các năm 1996, 2005. Sau khi được cấp giấy chứng nhận, bà Đ. cũng không hề có khiếu nại. Do vậy có thể kết luận về mặt pháp lý đoạn ngõ nói trên là ngõ đi chung, kể cả khi hiện trạng chưa hình thành ngõ đi”, luật sư Đông nhận định.

z5426936186985_dd046c08b555ceac864f64ced0900f91.jpg
Có cơ sở kết luận rằng bà Đ.T.Đ. xây một bức tường, trụ cổng chặn đầu ngõ đi này là không đúng pháp luật

Về việc khiếu nại Quyết định 3149 của gia đình bà Đ., luật sư Đông cho rằng đã hết thời hiệu khiếu nại. Sau khi UBND TP Hải Dương ban hành quyết định này, UBND phường Cẩm Thượng đã tổ chức họp công bố quyết định, thành phần tham dự có bà Đ.T.Đ. “Điều này có nghĩa là bà Đ. đã nắm được nội dung quyết định. Theo Luật Khiếu nại 2011, nếu không có lý do chính đáng thì việc gia đình bà Đ. làm đơn khiếu nại sau 14 năm là đã hết thời hiệu khiếu nại, các cơ quan có thẩm quyền giải quyết không được thụ lý khiếu nại”, luật sư Đông nói thêm.

Do vậy, việc bà Đ.T.Đ. xây một bức tường, trụ cổng chặn đầu ngõ đi này là không đúng pháp luật. Gia đình bà Đ.T.H. có quyền mở lối đi từ thửa đất của gia đình kết nối với ngõ đi chung.

PV