Giáo dục

Áp lực kỳ thi vào lớp 10 công lập ở Hải Dương

THẾ ANH 16/05/2024 15:00

Nửa tháng nữa, học sinh Hải Dương sẽ bước vào kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2024 - 2025. Kỳ thi "nóng" vì số thí sinh tăng, chỉ tiêu vào trường công lập có hạn.

z5427677311245_db2d6fc8a1c58d9a28871a3d9e7854e8.jpg
Lịch học chính khóa và học thêm của em N.T.N., học sinh lớp 9 ở TP Hải Dương kín cả tuần

Học ngày, học đêm

Tuyển sinh vào lớp 10 luôn là một trong những kỳ thi căng thẳng. Ở các địa phương đông dân như TP Hải Dương thì cuộc đua giành 1 suất vào lớp 10 công lập càng khốc liệt.

Năm học 2023-2024, TP Hải Dương có khoảng 5.200 học sinh lớp 9, tăng khoảng 240 em so với năm học trước. Nếu không tính Trường THPT chuyên Nguyễn Trãi, TP Hải Dương chỉ có hơn 1.500 chỉ tiêu vào lớp 10 công lập. Như vậy, sẽ có hơn 3.000 học sinh lớp 9 ở TP Hải Dương không có cơ hội vào trường công lập. Thí sinh tăng, chỉ tiêu vào trường công lập có hạn kéo theo tỷ lệ “chọi” sẽ cao, là điều khiến học sinh lo lắng.

Như nhiều học sinh lớp 9 khác, sau giờ tan học buổi chiều, em N.T.N., học sinh lớp 9 một trường THCS ở TP Hải Dương vội vàng đi học thêm. N. cho biết lịch học gần như kín tuần, có ngày sau giờ học ở trường lại học thêm ca 1 đến 18 giờ 30, ca 2 đến 21 giờ 30. Tại nhà, N. học muộn, có hôm đến 1 giờ sáng, thời gian ngủ, nghỉ ít. Áp lực khiến em mệt mỏi, có hôm khi ngủ cũng mơ thấy mình thi trượt. Kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5 vừa qua, em cũng đi học thêm. “Dù rất áp lực và mệt mỏi nhưng em phải cố gắng trúng tuyển vào trường công lập”, N. nói.

Cuộc đua giành “vé” vào lớp 10 công lập không chỉ “nóng” ở TP Hải Dương. Thị xã Kinh Môn có số lượng học sinh lớp 9 chỉ sau TP Hải Dương. Năm học 2023-2024, thị xã có hơn 2.800 học sinh lớp 9, tăng khoảng 400 em so với năm trước. Toàn thị xã có 4 trường THPT công lập, gồm: Kinh Môn, Kinh Môn II, Nhị Chiểu và Phúc Thành, tuyển sinh hơn 1.400 chỉ tiêu. Như vậy, Kinh Môn sẽ có khoảng 1.400 học sinh lớp 9 không vào được trường công lập.

Tại khu vực 7 xã, phường Thăng Long, Lạc Long, Hiệp Hòa, Quang Thành, Lê Ninh, Bạch Đằng, Thất Hùng của thị xã Kinh Môn chỉ có 1 trường công lập là Trường THPT Phúc Thành, nhưng chỉ tuyển 294 chỉ tiêu.

Dù có học lực đứng trong top đầu của lớp nhưng Đào Anh Thư, học sinh lớp 9, Trường THCS Thăng Long vẫn sợ thi trượt. Thư cho biết nếu không trúng tuyển vào Trường THPT Phúc Thành em sẽ phải học tại Trường THPT Quang Thành (tư thục). Nếu theo học trường công lập khác như Trường THPT Kinh Môn II thì phải đi rất xa. Dù bố mẹ không tạo áp lực nhưng Thư hiểu rằng học tư thục sẽ áp lực cho gia đình, nhất là chi phí học tập. Để giành được một suất vào Trường THPT Phúc Thành, giai đoạn này Thư đang phải chạy đua ôn luyện.

“Thấy các bạn đều miệt mài ôn luyện, đặc biệt nghe thông tin số lượng học sinh lớp 9 tăng càng khiến em lo lắng hơn rất nhiều”, Thư cho biết.

img_1835.jpg
Mỗi học sinh đều căng mình ôn luyện với hy vọng có 1 “vé” vào trường công. Trong ảnh là tiết ôn luyện của học sinh lớp 9 Trường THCS Thăng Long (Kinh Môn)

Các trường tăng cường ôn luyện

Giai đoạn nước rút này, không chỉ học sinh mà các trường THCS cũng đang dồn lực ôn tập cho học sinh.

Các trường THCS đều đã sớm chỉ đạo xây dựng kế hoạch giảng dạy từng bộ môn bảo đảm thời gian hoàn thành chương trình. Đồng thời, triển khai việc ôn tập các môn thi phù hợp học lực của từng nhóm học sinh. Trong giai đoạn này, cả 3 môn toán, ngữ văn và tiếng Anh đều được giáo viên dành nhiều thời gian cho học sinh ôn luyện và làm quen với các dạng đề thi.

Năm học này, Trường THCS Thăng Long (Kinh Môn) có gần 100 học sinh lớp 9. Thầy hiệu trưởng Nguyễn Văn Hải cho biết trường thường xuyên khảo sát chất lượng nhằm phân loại học sinh để có biện pháp cụ thể trong quá trình ôn tập; giúp các em xác định được năng lực khi lựa chọn trường, lựa chọn nguyện vọng để đăng ký dự thi, xét tuyển. Sau khi kết thúc chương trình chính khóa, trường sẽ tăng thời lượng ôn luyện. Giai đoạn này, trường yêu cầu giáo viên chú trọng truyền đạt kỹ năng làm bài, củng cố, tổng hợp kiến thức. Đồng thời quan tâm phối hợp gia đình động viên, không tạo áp lực để các em có tâm thế thoải mái nhất.

Trước sự cạnh tranh lớn giữa các thí sinh, phụ huynh học sinh cũng rất lo lắng. Anh Nguyễn Văn Phong ở phường Ngọc Châu (TP Hải Dương) có con gái thi vào lớp 10 năm nay cho biết: “Tôi luôn tạo cho con tâm lý thoải mái nhất. Nhưng khi nhìn con áp lực, nỗ lực ôn luyện khiến tôi cũng áp lực theo”.

Năm học 2023-2024, toàn tỉnh có khoảng 30.400 học sinh lớp 9, tăng hơn 2.000 em so với năm học trước. Tuy nhiên, chỉ tiêu vào các trường THPT công lập 15.168 học sinh. Điều này đồng nghĩa với hơn 15.000 học sinh khác sẽ không có "vé" vào trường công lập.

Cánh cửa này đóng lại sẽ có một cánh cửa khác mở ra

Thực tế, nhiều thí sinh không trúng tuyển vào trường công, học trường ngoài công lập nhưng vẫn trúng vào những trường đại học lớn, thậm chí giành học bổng du học. Như vậy không phải trường công lập mới là con đường duy nhất.

Số lượng học sinh tăng nhưng phụ huynh và học sinh không quá lo lắng, không phải tất cả học sinh sẽ đăng ký thi lớp 10 THPT công lập bởi các trường đã tư vấn, định hướng phân luồng từ sớm để các em có hướng đi phù hợp. Hiện, mạng lưới trường học, nhất là TP Hải Dương phát triển đa dạng, có thể đáp ứng tốt nhu cầu học tập theo nguyện vọng và năng lực. Ngoài trường công lập, học sinh có thể chọn học lớp 10 tại các trường THPT tư thục, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên, các trường nghề. Như ở TP Hải Dương năm nay có 2 trường THPT tư thục mới thành lập là Marie Curie II; Trường Tiểu học, THCS và THPT Nam Hải Dương. Toàn thành phố sẽ có 8 trường THPT tư thục, đáp ứng được số lượng lớn học sinh lớp 9 không vào trường công lập. Dù không tránh khỏi việc nhiều gia đình còn băn khoăn, e ngại khi cho rằng hướng đi này chỉ dành cho những học sinh có đầu vào thấp, nhưng phụ huynh nên nhìn vào lợi ích mà các trường THPT tư thục, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên, các trường nghề mang lại. Các trường nghề ở Hải Dương có thể đáp ứng 7.500 học sinh học hệ 9+. Tại trường nghề, thời gian học rút ngắn, vừa được học nghề, vừa được học văn hóa để tham gia thi tốt nghiệp THPT, có thể liên thông lên các bậc học cao hơn. Học sinh còn được Nhà nước trợ cấp hoàn toàn học phí học nghề.

Nếu cánh cửa này đóng lại sẽ có một cánh cửa khác mở ra. Đây là thời điểm mỗi gia đình cần hiểu đúng năng lực của con em mình để quyết định mở cánh cửa nào phù hợp nhất cho các em.

Ông Đỗ Duy Hưng, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Dương

Ôn tập có trọng tâm và mục tiêu cụ thể

Khoảng nửa tháng trước khi diễn ra kỳ thi, thí sinh cần tập trung ôn tập có trọng tâm và có mục tiêu cụ thể.

Mỗi bạn cần đặt ra kế hoạch, những mục tiêu nhỏ để đạt được mục tiêu lớn; thực hiện đúng theo kế hoạch đã đặt ra. Thay vì học kiến thức dàn trải, các em tổng hợp kiến thức một cách cô đọng nhất, sơ đồ hóa kiến thức. Các em không chủ quan, học kỹ kiến thức nhưng không hoang mang, nắm chắc kiến thức cơ bản. Các em phải có thời gian biểu hợp lý giữa 3 môn toán, ngữ văn và tiếng Anh, cân bằng giữa học tập, nghỉ ngơi thư giãn, và ăn uống điều độ. Môn nào lo lắng nhất thì dành nhiều thời gian hơn.

Thời gian này nên luyện nhiều đề, nhất là ôn luyện những phần kiến thức còn cảm thấy chưa ổn. Tiếp theo là các em cần rèn kỹ năng làm bài rõ ràng, mạch lạc, chắc chắn lấy điểm từng câu hỏi, nhất là những câu hỏi nhận biết, thông hiểu, vận dụng thấp... Và cuối cùng cần tâm lý vững vàng, tự tin.

Cấu trúc đề thi vào lớp 10 THPT công lập năm nay do Sở Giáo dục và Đào tạo ban hành cơ bản như năm trước, kiến thức chủ yếu ở lớp 9. Chỉ có cấu trúc đề thi môn toán có thay đổi, đó là lần đầu tiên đề sẽ có câu hỏi liên quan đến hệ thức lượng trong tam giác vuông. Nội dung kiến thức của dạng toán này sẽ yêu cầu tính khoảng cách giữa 2 địa điểm hoặc chiều cao của 1 vật, số đo góc trong thực tiễn. Để lấy điểm phần này đòi hỏi thí sinh cần nắm chắc kiến thức về hệ thức cạnh và đường cao trong tam giác vuông; tỷ số lượng giác góc nhọn và tam giác đồng dạng… Ngoài ra là cần trí tưởng tượng phong phú và tư duy thực tế. Câu hỏi cuối cùng liên quan đến bất đẳng thức sẽ là câu phân hóa học sinh.

Thầy giáo Nguyễn Hữu Khang, Trường THCS Lê Thanh Nghị (Gia Lộc)

Ăn uống, sinh hoạt hợp lý, khoa học

Để giúp con có sức khỏe tốt nhất vượt qua kỳ thi, trong giai đoạn này, chế độ sinh hoạt, dinh dưỡng của các em là một trong những vấn đề phụ huynh cần hết sức quan tâm.

Đây là giai đoạn các em học nhiều, ngủ ít, tâm lý căng thẳng, áp lực, mệt mỏi. Các em không nên học quá muộn. Buổi trưa cố gắng ngủ 30 phút và ngủ đủ từ 6- 8 tiếng/ngày để khi tỉnh dậy có một bộ óc "mới tinh" hoàn toàn tỉnh táo và có khả năng hoạt động tốt nhất. Các em cũng cần chú ý đến hoạt động thể chất xen kẽ học như đi bộ, đạp xe, chạy bộ và giải trí lành mạnh.

Cần có chế độ ăn hợp lý, khoa học. Chỉ ăn no 80%. Nên học sau khi ăn từ 30-60 phút.

Các loại thực phẩm có nhiều ích lợi để có một sức khỏe tốt nhất trước khi bước vào kỳ thi phụ huynh học sinh nên tham khảo. Mỗi ngày nên ăn một quả trứng vào buổi sáng hoặc bữa phụ buổi chiều, không nên ăn vào buổi tối. Nấm, đậu phụ, đậu xanh, đậu đen, đậu đỏ, hạt sen cung cấp các chất đạm, đạm thực vật dễ tiêu, chất béo và vitamin. Một tuần nên ăn 3 bữa cá, ưu tiên các loại cá thu, cá basa, cá trích. Các loại rau có màu xanh đậm có nhiều sắt và vitamin nhóm B rất tốt như rau ngót, rau dền. Ít nhất mỗi ngày ăn 1 quả chuối và 1 quả táo hoặc 1 cốc nước cam, quýt để cung cấp vitamin và khoáng chất. Ăn từ 1 - 2 hộp sữa chua mỗi ngày để cung cấp thêm lợi khuẩn giúp hệ tiêu hóa hoạt động tốt và bảo vệ đường ruột, hệ miễn dịch...

Các em cũng nên tránh một số loại thực phẩm có hại cho cơ thể, cho bộ não, đó là các thực phẩm có chứa nhiều chất bột - đường - chất béo như: nước ngọt, bánh kẹo hoặc các loại bánh tiêu, quẩy, nem chua rán, bánh khoai, chuối, ngô, bim bim… Ngoài ra, các em cần tránh xa các thức uống như cà phê, trà, nước tăng lực.

Các bậc phụ huynh cũng cần giữ tâm lý bình tĩnh, không gây áp lực cho con. Hãy yêu thương tuổi 15 của con không phải bằng áp lực, kỳ vọng mà cho con cảm giác bình yên dù kết quả thế nào.

Thạc sĩ Lê Thị Xuê, Trưởng Khoa Dinh dưỡng (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương)

THẾ ANH