Góc nhìn

Ép học trò bỏ thi

KHÁNH TRUNG/VnExpress 14/05/2024 08:13

Không ít giáo viên đã biến chủ trương tư vấn tốt đẹp thành chuyện áp đặt gắt gao dưới nhiều hình thức, can thiệp vào quyền tự do tiếp cận giáo dục của học sinh.

Khi thông tin về chuyện các giáo viên một trường THCS ở Nghệ An hay Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh có hành vi ép học sinh không được thi vào lớp 10, tôi như gai người nhớ lại thời kỳ sát cánh cùng con đấu tranh quyết liệt với tình trạng nảy sinh một cách phi lý này.

Năm trước, con tôi hoàn thành bậc THCS, chuẩn bị thi vào lớp 10, thì bỗng đâu áp lực cực lớn ngày càng gia tăng đè nặng lên cả gia đình. Áp lực không đến từ bài vở, kiến thức, không phải từ chuyện "một chọi mấy" trong tuyển sinh, mà từ giáo viên chủ nhiệm.

Theo quy định, mỗi học sinh lớp 9 sau khi được xét tốt nghiệp có quyền đăng ký ba nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên vào trường THPT công lập. Nếu trúng tuyển nguyện vọng 1 sẽ không xét tiếp vào nguyện vọng 2 hoặc 3. Ngược lại, nếu trượt nguyện vọng 1, sẽ được xét tiếp ở nguyện vọng 2 với điểm thi phải cao hơn điểm chuẩn nguyện vọng 1 của chính trường đó. Tương tự cho nguyện vọng 3 cuối cùng.

Với quy định như vậy, học sinh sẽ phải cân nhắc đến tính phù hợp về năng lực học tập, khoảng cách từ nhà đến trường, mức độ nổi tiếng, môi trường học tập...

Học sinh khá, giỏi thường đăng ký nguyện vọng 1 là những trường công lập top đầu, điểm chuẩn cao, nên có những trường hợp khá đau lòng: nhiều em quá tự tin, chọn cả ba nguyện vọng đều là những trường điểm chuẩn cao, trong khi điểm thi không đạt, và vì thế rớt các trường công lập, phải học trường tư thục với chi phí đắt đỏ hơn, hoặc chờ năm sau thi lại.

Xuất phát từ thực tế này, kết hợp với nhiệm vụ hướng nghiệp, các trường THCS, thông qua giáo viên chủ nhiệm, sẽ tư vấn chọn trường và nguyện vọng cho từng học sinh.

Về lý thuyết, đây là sự hỗ trợ đúng đắn, kèm theo những tính toán phù hợp trong bối cảnh tuyển sinh lớp 10 công lập ngày càng cạnh tranh, học phí các trường tư thục quá cao so với thu nhập của đại đa số phụ huynh, trong khi hệ thống trường nghề dành cho các em vẫn còn bất cập và thiếu đồng bộ, hiệu quả.

Nhưng thực tế cho thấy, không ít giáo viên đã biến chủ trương tư vấn tốt đẹp thành chuyện áp đặt gắt gao dưới nhiều hình thức, can thiệp vào quyền tự do tiếp cận giáo dục của học sinh. Giáo viên thường áp dụng cùng lúc các biện pháp như sau:

Với học sinh khá: Thay vì hướng cho các em đăng ký nguyện vọng 1 là các trường ưa thích, có khả năng thi đậu, nguyện vọng 2 và 3 kém hơn một chút... thì giáo viên yêu cầu đăng ký cả ba nguyện vọng là các trường thuộc hàng trung bình và yếu nhằm bảo đảm 100% đậu vào công lập.

Con trai tôi - thuộc nhóm này - khi đăng ký "nháp" đã bị cô giáo trả về và yêu cầu phải theo sự "tư vấn" của cô, chọn các trường gần như... cứ thi là đậu. Khi gia đình phản hồi là đã nghiên cứu kỹ các góc độ, có tính đến những yếu tố chủ quan và khách quan, cô giáo vẫn không chịu, tiếp tục gây áp lực với con. Nhiều hôm, con và một số học sinh cùng cảnh ngộ được cô gặp riêng để thuyết phục.

Khi phụ huynh chúng tôi làm căng, gặp hiệu trưởng và yêu cầu chấm dứt các hành vi đe dọa, gây áp lực cho học sinh trước ngày thi, hiệu trưởng chỉ xuê xoa, rằng đây là ý tốt của giáo viên và nhà trường, mọi sự chỉ là hiểu lầm; và tiếp tục thuyết phục phụ huynh nên nghe theo tư vấn của giáo viên, vì giáo viên có nhiều kinh nghiệm hơn hẳn.

Căng thẳng đến mức đến ngày chính thức nộp đăng ký, nhiều phụ huynh đã trực tiếp đến nộp, tránh khả năng các con lại bị cô giáo gây áp lực sửa đổi vào phút cuối. Họ đồng thời phải ký cam kết: Đã được tư vấn từ nhà trường nhưng tự ý quyết định và xin tự chịu trách nhiệm.

Con tôi, cùng khá nhiều bạn trong lớp, cuối cùng đã đỗ nguyện vọng 1 vào các trường có điểm chuẩn cao của thành phố.

Với học sinh học lực trung bình: khuynh hướng chung của các trường là không muốn cho các em này tham gia kỳ thi tuyển lớp 10 do khả năng đậu không cao. Nhóm này chịu nhiều áp lực nhất: nhẹ nhàng là "động viên" nghỉ học, đi học nghề hay xin học tư thục; gắt hơn là đem chuyện "xét tốt nghiệp THCS" ra làm điều kiện thỏa thuận: nếu đồng ý thì trường cho tốt nghiệp, nếu vẫn ngoan cố đòi thi thì có thể không được công nhận; cuối cùng là buộc phụ huynh phải viết "đơn xin tự nguyện không thi lớp 10" như ở Trường THCS Nguyễn Văn Bứa - Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh.

Tình trạng này năm nào cũng thế, đến mùa thi là bung ra, không nơi này thì nơi khác. Các sở giáo dục, các hiệu trưởng khi được báo chí và nhà chức trách hỏi đến sẽ lại khẳng định: Giáo viên và nhà trường chỉ tư vấn, học sinh và phụ huynh mới có quyền quyết định...

Nhưng tôi là người trong cuộc, tôi nhìn thấy sự thật nghiêm trọng hơn như vậy. Áp lực đổ xuống đầu học sinh và gia đình trong chính mùa thi đang trở thành sức ép tinh thần với các em, tệ hơn nữa là chặn đứng cơ hội lựa chọn tiếp cận giáo dục của học sinh.

Động cơ phía sau của giáo viên và nhà trường không có gì khó để lý giải: Tỷ lệ % học sinh đậu vào trường công lập là một loại thành tích, mà vì nó, những người làm giáo dục đã ép học sinh bằng mọi giá.

Đó là gốc của vấn đề, phải được giải quyết triệt để, chứ không phải là chuyện bắt cóc bỏ đĩa, thấy lửa bùng lên ở đâu thì đến đó xuê xoa bằng uyển ngữ: đó là ý tốt của thầy cô.

KHÁNH TRUNG/VnExpress