Thấy gì từ hàng ngàn công ty "ma" trong vụ án bà Trương Mỹ Lan?
Trong vụ Vạn Thịnh Phát, bên cạnh các công ty có hoạt động sản xuất kinh doanh thực tế thì có nhóm công ty không có bất cứ hoạt động gì được bà Trương Mỹ Lan thành lập để phục vụ mục đích riêng.
Bà Trương Mỹ Lan chỉ đạo cấp dưới thành lập công ty "ma" để vay ngân hàng
Theo đó, bà Trương Mỹ Lan giao việc thành lập các công ty "ma" cho bà Đặng Phương Hoài Tâm (Trưởng phòng Văn phòng Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) phụ trách, phối hợp với ông Nguyễn Ngọc Dương, Nguyễn Phương Anh (Tổng Giám đốc và Phó Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Peninsula) thực hiện.
Sau đó, ông Dương (đã chết) và ông Phương Anh chỉ đạo Bùi Đức Khoa, Nguyễn Thị Khánh Vân và Trần Thị Kim Chi là đầu mối chính tìm thuê người đứng tên thành lập công ty dưới các vai trò: người đại diện theo pháp luật, cổ đông, thành viên công ty TNHH, tìm địa chỉ đặt trụ sở, chọn ngành nghề kinh doanh... cho phù hợp với yêu cầu của bà Lan và đồng phạm.
Bản án sơ thẩm xác định trong số 875 khách hàng vay vốn đứng tên 1.284 khoản vay tại SCB của nhóm bà Trương Mỹ Lan (gồm 440 cá nhân và 435 pháp nhân) đều được bà Trương Mỹ Lan chỉ đạo nhóm đối tượng tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát thành lập, thuê hoặc nhờ người đứng tên.
Theo đó, đối với pháp nhân, hầu hết là các pháp nhân "ma" do bà Trương Mỹ Lan chỉ đạo ông Nguyễn Ngọc Dương, Nguyễn Phương Anh thực hiện.
Các công ty trên được thành lập thực chất không hoạt động kinh doanh, nhưng để tránh sự kiểm tra, giám sát của các cơ quan có thẩm quyền, ông Nguyễn Ngọc Dương và ông Phương Anh giao cho cấp dưới là nhân viên kế toán quản lý, báo cáo thuế, nghe điện thoại theo số đã đăng ký, quản lý con dấu như một công ty đang hoạt động.
"Việc thành lập công ty dễ đã trở thành một phương thức phạm tội"
Trong bản án đã phát hành, thông qua vụ án Trương Mỹ Lan và đồng phạm cùng một số vụ án kinh tế trong thời gian qua, hội đồng xét xử nhận thấy xuất hiện tình trạng các bị cáo lợi dụng chính sách thông thoáng của Nhà nước trong công tác đăng ký, cấp giấy phép thành lập doanh nghiệp.
Hội đồng xét xử cho rằng nhiều bị cáo, đối tượng xấu lập hàng loạt công ty, doanh nghiệp nhưng không kinh doanh mà phục vụ mục đích phi pháp như: mua bán hóa đơn, trốn thuế, vay tiền ngân hàng trái quy định…
Những cá nhân đứng tên thành lập doanh nghiệp, cá nhân đứng tên vốn góp, đứng tên đại diện pháp luật đều là người lao động làm thuê, trình độ học vấn hạn chế, nhiều công ty có chung địa chỉ trụ sở.
Hội đồng xét xử nhận thấy chính việc trên khiến cơ quan chức năng khó phát hiện và ngăn chặn kịp thời những sai phạm cũng như khó khăn trong công tác điều tra xử lý về sau.
Do đó, hội đồng xét xử kiến nghị Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các cơ quan chức năng có liên quan tăng cường hơn nữa trong công tác quản lý nhà nước về việc đăng ký thành lập và quản lý doanh nghiệp, phải kiểm soát chặt chẽ đầu vào và công tác hậu kiểm để tránh trường hợp các đối tượng xấu lợi dụng đăng ký thành lập công ty để phục vụ các mục đích trái pháp luật.