Văn hóa - Giải trí

"Thiết chế văn hoá thể thao ở nhiều địa phương vừa thừa, vừa thiếu"

NH (theo Vietnamnet) 12/05/2024 19:41

Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nhấn mạnh, thiết chế văn hóa, thể thao có vị trí đặc biệt quan trọng, nhưng hiện nay có nơi vừa thừa vừa thiếu.

xuanthang4.jpg
Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Ảnh: Media Quốc hội

Ngày 12/5, tại Quảng Ninh diễn ra Hội thảo Văn hoá 2024 với chủ đề Chính sách và nguồn lực cho phát triển thiết chế văn hóa, thể thao.

Hội thảo do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục phối hợp với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức, thu hút hơn 300 đại biểu tham dự.

Phát biểu đề dẫn hội thảo, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nhấn mạnh, thiết chế văn hóa, thể thao có vị trí đặc biệt quan trọng trong xây dựng, phát triển nền văn hóa dân tộc. Đây là nơi diễn ra các hoạt động sáng tạo, phổ biến, thực hành và hưởng thụ các giá trị văn hóa; nơi rèn luyện, nâng cao năng lực thẩm mỹ và thể lực của các tầng lớp nhân dân, giúp con người Việt Nam khỏe về thể chất, đẹp về tinh thần, phát triển toàn diện về đức - trí - thể - mỹ. Đồng thời, đây cũng là địa chỉ quan trọng trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp và lan tỏa các giá trị văn hóa mới của thời đại, của dân tộc…

Nhìn tổng thể, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng cho rằng, hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao các cấp bước đầu đã đáp ứng được nhu cầu của đông đảo tầng lớp nhân dân.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được đáng ghi nhận, công tác quy hoạch cũng như sự vận hành của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao hiện nay còn bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập, diễn ra “tình trạng vừa thừa, vừa thiếu các thiết chế văn hóa, thể thao diễn ra ở nhiều địa phương”.

Kinh phí đầu tư để phát triển các thiết chế văn hóa, thể thao còn hạn chế, được tiến hành theo lối “nhỏ giọt, ăn đong”, trang thiết bị kỹ thuật, cơ sở vật chất ở một số nơi còn lạc hậu, quỹ đất ít ỏi, chưa đáp ứng yêu cầu.

202405121155391338_DSC_6171.jpeg
Đồng chí Trần Thanh Mẫn, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội. Ảnh: Media Quốc hội

Nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khai thông những điểm nghẽn trong chính sách, nguồn lực phát triển thiết chế văn hóa, thể thao, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đề nghị các đại biểu tham dự hội thảo tập trung thảo luận một số nội dung về: Hoàn thiện các văn bản pháp luật, những điều khoản nào còn nguyên giá trị, những điều khoản nào đã bị thực tiễn vượt qua, không còn phù hợp, cần điều chỉnh, bổ sung; Quy hoạch thiết chế văn hóa, thể thao, cần bổ sung các chỉ tiêu cụ thể về phát triển thiết chế văn hóa, thể thao vào nội dung quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; Quản lý, sử dụng, khai thác thiết chế văn hóa, thể thao để chúng có sức sống; Đầu tư kinh phí, huy động nguồn lực xã hội; đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho thiết chế văn hóa, thể thao cho phù hợp, tập trung, hiệu quả, tránh tình trạng vừa thiếu, vừa lãng phí; Tổ chức bộ máy, nhân sự và công tác đào tạo nguồn nhân lực, chính sách đãi ngộ, phụ cấp, bồi dưỡng đối với đội ngũ văn nghệ sĩ, diễn viên tham gia hoạt động các loại hình nghệ thuật truyền thống phải phù hợp với thực tiễn.

nguyenvanhung.jpeg
Đồng chí Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Văn hoá ,Thể thao và Du lịch. Ảnh: Media Quốc hội

Tại hội thảo, đồng chí Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Văn hoá, Thể thao và Du lịch nêu một số bất cập: Chính sách đầu tư của Nhà nước đối với Thư viện quốc gia Việt Nam chưa phù hợp. Nguồn tài nguyên thông tin phục vụ người sử dụng chưa phát triển được nhiều dữ liệu số hóa hay các cơ sở dữ liệu mua quyền truy cập trực tuyến; Trung tâm Triển lãm Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam đã xuống cấp trầm trọng, cần được đầu tư sửa chữa nâng cấp đáp ứng nhu cầu phát triển, tổ chức được sự kiện văn hóa, thể thao quốc tế lớn; Các cơ sở nghệ thuật biểu diễn chưa được đầu tư đồng bộ về cơ sở vật chất, có sức chứa nhỏ…

Bộ trưởng Văn hoá, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đề xuất xây dựng một số cơ chế, chính sách đặc thù giao thẩm quyền trong lĩnh vực quản lý đầu tư, xây dựng, đất đai...

Lãnh đạo Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cho rằng cần chú trọng tập trung hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật về văn hóa, thể thao theo hướng đồng bộ với các pháp luật liên quan như xây dựng Luật Nghệ thuật biểu diễn, sửa đổi toàn diện Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), xem xét thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035...

Kết luận hội thảo, đồng chí Trần Thanh Mẫn, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội thống nhất các giải pháp nhằm hoàn thiện thể chế, chính sách và bảo đảm nguồn lực cho phát triển thiết chế văn hóa, thể thao, tập trung 5 nhóm vấn đề: Hoàn thiện thể chế, chính sách. Rà soát các văn bản pháp luật, bổ sung, sửa đổi các quy định pháp luật có liên quan để làm rõ khái niệm và nội hàm “thiết chế văn hóa, thể thao”, “cơ sở văn hóa, thể thao”; Quy hoạch thiết chế văn hóa, thể thao. Hoàn thiện quy hoạch theo hướng đồng bộ, hiện đại, bản sắc, hiệu quả, bảo đảm công bằng và đáp ứng nhu cầu của nhân dân; Xây dựng chính sách ưu tiên ở vùng miền núi, hải đảo, biên giới, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; Coi trọng và thực hiện xã hội hóa với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”; Huy động nguồn lực tham gia xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở; Nghiên cứu, sửa đổi chế độ đãi ngộ đối với đội ngũ văn nghệ sĩ, diễn viên tham gia hoạt động các loại hình nghệ thuật truyền thống...

NH (theo Vietnamnet)