Những điều dưỡng làm việc nơi bệnh nhân không... xuất viện
Bệnh nhân nhập viện nhưng sẽ không... xuất viện, vì họ sẽ gắn bó mãi mãi với nơi này. Đó là câu chuyện ở Bệnh viện Phong Chí Linh (Hải Dương). Tại đây, các nhân viên điều dưỡng làm việc vất vả, không kể ngày đêm.
"Chất thải của bệnh nhân dính vào người cũng mặc"
10 giờ sáng một ngày đầu tháng 5, giống như bao ngày thường khác, điều dưỡng Trần Thị Hiền, Khoa Điều trị, chăm sóc và phục hồi chức năng Bệnh viện Phong Chí Linh cùng các đồng nghiệp tất tả đi từng phòng cho các bệnh nhân ăn trưa.
Bệnh viện có 86 bệnh nhân đang điều trị thì hơn 70% là người cao tuổi, mắt mờ, tay cò cụt, chân bị cắt một phần hoặc toàn bộ... nên các điều dưỡng ở đây phải chăm sóc toàn diện.
Xúc cơm cho bệnh nhân này ăn xong, chị Hiền và các đồng nghiệp lại nhanh chóng qua phòng kế bên để xúc cháo, đút sữa cho bệnh nhân khác. Bệnh nhân ăn xong, các chị lau mặt, nhẹ nhàng động viên họ ngủ trưa.
Chị Hiền bảo, so với đồng nghiệp ở các cơ sở khác, công việc của những điều dưỡng Bệnh viện Phong có sự khác biệt lớn. Bình thường ở những bệnh viện khác, điều dưỡng sẽ "hết vai" khi bệnh nhân xuất viện. Nhưng ở đây, gần như tất cả bệnh nhân vào đây thì sẽ chẳng bao giờ... xuất viện. Họ gần như không có người thân, không có người thăm nom bao giờ. Đa số bệnh nhân là người cao tuổi, tàn tật nặng, trong đó khoảng 20 người mất tự chủ, có yếu tố tâm thần kinh, lắm lúc vệ sinh ra cả giường chiếu, quần áo.
- Có khi nào chất thải của bệnh nhân bám dính lên quần áo các chị không? - tôi hỏi.
- Đó là chuyện thường xuyên xảy ra - chị Hiền đáp.
- Chắc các chị cảm thấy khó chịu lắm?
- Không. Chúng tôi quen rồi, với lại bệnh nhân họ đâu có muốn thế. Nói có thể anh không tin nhưng hơn 20 năm gắn bó với những bệnh nhân ở đây, tôi chưa bao giờ hằn học, trách móc hay tỏ thái độ khó chịu vì điều này. Tôi còn thương họ không hết vì những tổn thất về thể xác và tinh thần quá lớn.
Trưởng Khoa Điều trị, chăm sóc và phục hồi chức năng Bệnh viện Phong Chí Linh Bùi Thanh Sơn cho biết một số điều dưỡng từng làm việc ở đây nhưng đã chuyển đi nơi khác vì không chịu được áp lực vất vả. Những người ở lại ngoài trách nhiệm với công việc còn giàu lòng nhân ái. "Hằng ngày từ sáng đến tối, các điều dưỡng thay nhau bên cạnh bệnh nhân 24/24 từ theo dõi sức khoẻ, tắm giặt, nấu ăn, nói chuyện cùng bệnh nhân... Họ chăm bệnh nhân hơn cả chăm người thân trong nhà", anh Sơn chia sẻ.
Một số điều dưỡng khác ở Bệnh viện Phong chia sẻ rằng cũng có những lúc mệt mỏi, trong đầu họ từng suy nghĩ tại sao không chuyển sang công việc khác đơn giản hơn? Nhưng sau cùng, họ không làm được vì nếu ai cũng sợ khó, sợ khổ thì lấy ai ra chăm sóc những bệnh nhân phong vốn chẳng có nơi nương tựa này. Tình yêu nghề, thương những hoàn cảnh khó khăn, bất hạnh giúp họ chiến thắng được những suy tính cá nhân tầm thường.
"Con tự ăn, tự học để mẹ đi làm nhiệm vụ"
Bệnh viện Phong Chí Linh hiện có lực lượng điều dưỡng khá mỏng với chỉ 12 người. Thực tế, chỉ có 8 điều dưỡng trực tiếp tham gia làm nhiệm vụ chăm sóc bệnh nhân, số còn lại tham gia nhiệm vụ khác do sự phân công của đơn vị.
Để chăm sóc một người già yếu, bệnh tật bình thường cũng đã vất vả. Ở bệnh viện này, tính ra mỗi điều dưỡng cùng lúc phải lo cho gần 11 bệnh nhân. Công việc vất vả, áp lực nên cũng dễ hiểu khi họ có rất ít thời gian chăm lo cho gia đình.
Điều dưỡng Nguyễn Thị Kiều Oanh có 21 năm làm nhiệm vụ chăm sóc bệnh nhân ở Bệnh viện Phong Chí Linh thổ lộ: "Chồng là quân nhân chuyên nghiệp, con lớn học đại học nên ở nhà chỉ có tôi và cháu nhỏ đang học THCS. Do công việc bộn bề nên tôi ít có thời gian quan tâm tới cháu. Con ở nhà tự ăn, tự học để mẹ đi làm nhiệm vụ. Được cái các cháu thương mẹ, đứa nào cũng ngoan, học tốt".
Các điều dưỡng ở Bệnh viện Phong Chí Linh cho biết ngoài chế độ lương theo quy định, chế độ thu nhập thêm của họ gần như không có, ngoại trừ khoản tiền trực 50.000 đồng/ngày thường.
Như chị Hiền, chị Oanh, tổng thu nhập mỗi tháng cũng chỉ được hơn 7 triệu đồng. Số tiền này phải chi tiêu dè sẻn mới đủ trang trải cuộc sống nhưng bù lại các chị đều nhận được sự chia sẻ, đồng cảm của gia đình và người thân. Đây chính là động lực để những người điều dưỡng ở nơi bệnh nhân không xuất viện tiếp tục vượt khó, vươn lên cống hiến cho xã hội.