Mong mỏi của ngành y tế Hải Dương
Chuẩn bị cho cuộc tiếp xúc, đối thoại của lãnh đạo tỉnh với người lao động ngành y tế, hàng nghìn ý kiến, kiến nghị của cán bộ, nhân viên của ngành đã được gửi tới Ban tổ chức với nhiều mong mỏi, trăn trở liên quan đến vấn đề nhân sự, đấu thầu thuốc...
Theo báo cáo của UBND tỉnh, có 2.013 lượt ý kiến, kiến nghị (264 ý kiến của tập thể và 1.749 ý kiến của cá nhân) đã gửi đến các đồng chí lãnh đạo tỉnh xem xét, chỉ đạo giải quyết. Qua tổng hợp, có 45 ý kiến, kiến nghị xoay quanh 5 nhóm vấn đề lớn.
Gần 47% số kiến nghị liên quan đến lĩnh vực tổ chức, cán bộ
Lĩnh vực tổ chức, cán bộ có 21/45 ý kiến (chiếm 46,6%). Nội dung được nhiều tập thể, cá nhân quan tâm nhất là việc đề nghị tỉnh giữ nguyên mô hình Sở Y tế trực tiếp quản lý Trung tâm Y tế tuyến huyện. 124 tập thể, 228 cá nhân ở hầu hết Trung tâm Y tế tuyến huyện, một số bệnh viện tuyến tỉnh cho rằng việc này là cần thiết vì sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc chỉ đạo chuyên môn, điều động nhân lực, trang thiết bị, thuốc, vật tư y tế, hỗ trợ chuyên môn thống nhất từ trên xuống dưới và giữa các đơn vị được thuận lợi trong tình huống khẩn cấp.
Một nội dung khác liên quan đến công tác tổ chức cũng nhận được sự quan tâm của hàng trăm cá nhân là việc đề xuất UBND cấp huyện không quản lý toàn diện Trung tâm Y tế. Cần tách Trung tâm Y tế tuyến huyện hiện nay ra thành 2 đơn vị là Trung tâm Y tế và Bệnh viện Đa khoa. Trung tâm Y tế tuyến huyện (do UBND cấp huyện quản lý) phụ trách lĩnh vực dự phòng, an toàn thực phẩm, dân số và các trạm y tế. Bệnh viện đa khoa huyện (do Sở Y tế quản lý) phụ trách lĩnh vực khám chữa bệnh sẽ thuận lợi cho việc chỉ đạo, phối hợp chuyên môn giữa các tuyến.
Liên quan đến công tác cán bộ, có 8 tập thể, 194 cá nhân đề nghị tỉnh có chính sách đãi ngộ phù hợp để thu hút, giữ chân nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là đội ngũ bác sĩ trong lĩnh vực dự phòng, trạm y tế tuyến xã, các ngành có tính chất nguy hiểm, độc hại như lao, phong, tâm thần, hồi sức cấp cứu, pháp y và một số ngành nghề đặc thù khác. Chế độ, chính sách đãi ngộ của tỉnh hiện chưa đủ sức hấp dẫn khiến việc tuyển dụng gặp khó khăn trong khi nhiều trường hợp đã xin thôi việc.
124 tập thể và cá nhân đề nghị tỉnh bổ sung biên chế còn thiếu tại các trạm y tế tuyến xã và không tinh giản biên chế đối với viên chức y tế. Nhiều cán bộ làm công tác dân số đề nghị được xem xét tăng chế độ phụ cấp nghề từ 30% lên 40%. Hàng trăm nhân viên y tế khác mong muốn tỉnh có chế độ hỗ trợ tăng thêm tiền trực, tiền làm ngoài giờ. Hiện tiền trực ngày bình thường tại Trung tâm Y tế tuyến huyện là 48.750 đồng/ngày, trong khi tại trạm y tế chỉ có 18.750 đồng/ngày...
Trăn trở về công tác đấu thầu, cơ sở vật chất
Hiện nay, việc mua sắm trang thiết bị, thuốc, vật tư y tế phục vụ công tác khám chữa bệnh tại nhiều đơn vị còn gặp khó khăn do thủ tục và việc chờ phê duyệt qua nhiều cấp mất nhiều thời gian. Đấu thầu cung ứng thuốc chưa kịp thời, còn không ít bất cập, ảnh hưởng đến khám bệnh, chữa bệnh.
Rất nhiều ý kiến của các tập thể, cá nhân kiến nghị Sở Y tế chủ trì đấu thầu tập trung thuốc, vật tư, sinh phẩm y tế thay vì phân cấp đấu thầu cho các cơ sở y tế như trong hơn 1 năm qua.
Hơn 100 ý kiến của các tập thể, cá nhân phản ánh cơ sở vật chất tại một số trạm y tế tuyến xã đã sử dụng từ lâu, xuống cấp trầm trọng. Đề nghị tỉnh quan tâm đầu tư nâng cấp, đồng thời trang bị, bổ sung các thiết bị thiết yếu phục vụ công tác chuyên môn. Hiện nay, các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh chưa được trang bị máy móc, thiết bị và phương tiện kiểm nghiệm thực phẩm.
Về lĩnh vực chuyên môn, nhiều ý kiến đề nghị Sở Y tế tham mưu cho tỉnh sớm ban hành giá khám bệnh, chữa bệnh theo hướng tính đúng, tính đủ chi phí phù hợp với giá cả thị trường. Hiện nay, giá dịch vụ y tế chưa được tính đúng, tính đủ, đặc biệt giá dịch vụ khám chữa bệnh đối với bệnh nhân không có thẻ bảo hiểm y tế ban hành từ năm 2019 đến nay vẫn chưa thay đổi. Trong khi đó, các chi phí khác ngày càng tăng cao.
Lãnh đạo nhiều bệnh viện tuyến tỉnh đang thực hiện tự chủ tài chính đề nghị ngân sách tỉnh tăng cường hỗ trợ sửa chữa, bảo dưỡng cơ sở vật chất, mua sắm phương tiện, máy móc, thiết bị y tế phục vụ công tác khám chữa bệnh, đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn. Từ ngày 1/7/2024, chế độ tiền lương mới cho nhân lực ngành y tế sẽ được thực hiện kéo theo việc cân đối kinh phí hoạt động đối với các đơn vị tự chủ tài chính càng khó khăn hơn. Tỉnh cần kiến nghị Chính phủ, Bộ Y tế sớm ban hành giá dịch vụ y tế trên cơ sở tính đúng, tính đủ các yếu tố cấu thành để giúp ngành y tế bảo đảm thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân.
Nhiều ý kiến đề nghị tỉnh có cơ chế, chính sách, quy định rõ ràng để thực hiện công tác thu hút xã hội hóa vào lĩnh vực y tế. Một số cơ sở y tế tư nhân đề xuất tỉnh cho phép sử dụng đất thương mại dịch vụ để mở phòng khám, được tham gia khám chữa bệnh bảo hiểm y tế...
Hội nghị đối thoại giữa các đồng chí lãnh đạo tỉnh Hải Dương với người lao động ngành y tế dự kiến được tổ chức tại Trung tâm Văn hoá Xứ Đông (đường Thanh Niên, TP Hải Dương) từ 8 giờ ngày 15/5. Dự kiến sẽ có khoảng 800 đại biểu tham dự hội nghị.