Giao thông - Đô thị

Đề xuất chở trẻ dưới 10 tuổi trên ô tô phải có thiết bị an toàn

TB (theo VnExpress) 11/05/2024 08:33

Lái xe phải có thiết bị an toàn cho trẻ dưới 10 tuổi, chiều cao dưới 1,35 m khi không có người lớn ngồi cùng, theo dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Ghế giữa phía sau là nơi an toàn nhất cho trẻ khi đi ôtô. Ảnh:Baby Mode
Ghế giữa phía sau là nơi an toàn nhất cho trẻ khi đi ô tô

Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ mới nhất cũng quy định khi chở trẻ em dưới 6 tuổi bằng xe gắn máy, mô tô mà không có người lớn ngồi cùng phải có dây đai an toàn hoặc ghế dành riêng cho trẻ em.

Điểm mới của dự thảo lần này so với trước đó là quy định ô tô có thiết bị an toàn cho trẻ chỉ áp dụng trong trường hợp "không có người lớn ngồi cùng". Tuy nhiên, dự thảo không đề cập quy định áp dụng đối với xe cá nhân hay cả xe kinh doanh vận tải.

Thiết bị an toàn cho trẻ em trên ô tô thường bao gồm nôi sơ sinh cho trẻ dưới 2 tuổi, ghế cho trẻ 2-6 tuổi và các loại đệm nâng cho trẻ 6-10 tuổi.

Đồng tình quy định phải có thiết bị an toàn trên ô tô cho trẻ em, song PGS.TS Phạm Việt Cường, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chính sách và phòng chống chấn thương (Trường Đại học Y tế công cộng) cho rằng, cần áp dụng trong cả trường hợp có người lớn ngồi cùng. "Người lớn ngồi cùng không thể ôm trẻ trên cả quãng đường dài, nên vẫn cần thiết bị an toàn", ông Cường nói.

Theo ông Cường, quy định trên nên áp dụng với xe cá nhân vì đây là loại xe di chuyển tốc độ cao và tần suất sử dụng để chở trẻ em cao. Tuy nhiên, luật cần khuyến khích sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ trên xe kinh doanh vận tải, có lộ trình áp dụng đối với xe kinh doanh như taxi, xe hợp đồng.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, quy định chỉ áp dụng trong trường hợp "không có người lớn ngồi cùng" như dự thảo là hợp lý. "Bắt buộc lái xe lắp thiết bị an toàn khi chở trẻ nhỏ kể cả khi có người lớn ngồi cùng sẽ là cứng nhắc. Người ngồi cùng có thể ôm trẻ nhỏ vào lòng và nhắc nhở trẻ lớn hơn về tư thế ngồi trên xe", ông Quyền phân tích và đề nghị cơ quan chức năng làm rõ tiêu chuẩn thiết bị an toàn được dùng cho trẻ em trên ô tô như dây an toàn, ghế, đệm trên máy bay.

Thăm dò dư luận do nhóm nghiên cứu của Đại học Giao thông vận tải thực hiện từ năm 2020 tới 2023 cho thấy, trong 383 người sử dụng xe con được khảo sát, có 322 người ủng hộ sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ (chiếm 84%).

Theo đánh giá của nhóm nghiên cứu, dây an toàn trên ô tô có tác dụng giảm 70% chấn thương nghiêm trọng và giảm 40% khả năng tử vong với người ngồi trên xe. Tuy nhiên, dây an toàn chỉ được thiết kế cho người trưởng thành. Trong trường hợp trẻ còn nhỏ, dây an toàn không giữ được cơ thể trẻ khi có va chạm, thậm chí trẻ có thể bị chấn thương bởi chính dây an toàn.

Theo Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, khoảng 1.800-2.000 vụ tai nạn giao thông liên quan trẻ em trong một năm, trong đó có khoảng 600-700 vụ liên quan ô tô. Nếu quy định sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ được áp dụng hiệu quả, có thể kéo giảm tới 400-500 vụ trẻ bị chấn thương hoặc thiệt mạng trên ô tô tại Việt Nam.

Theo báo cáo chuyên sâu về thiết bị an toàn cho trẻ em trên ô tô của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), thiết bị an toàn cho trẻ em giảm rủi ro chấn thương nặng tới 80% so với trẻ em chỉ dùng dây an toàn người lớn; ghế nâng cho lứa tuổi 6-10 tuổi giúp giảm 77% rủi ro chấn thương so với trẻ không sử dụng. Theo báo cáo an toàn giao thông đường bộ toàn cầu, đến nay có gần 100 quốc gia ban hành quy định bắt buộc sử dụng thiết bị an toàn trẻ em trên ôtô cá nhân.

Tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa 15 tới đây, Quốc hội dự kiến xem xét thông qua Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

TB (theo VnExpress)