Giấc ngủ du lịch giá hàng nghìn USD
Chăm sóc giấc ngủ trong chuyến du lịch ngày càng được quan tâm và mức giá cho trải nghiệm này lên tới hàng nghìn USD.
Thị trường du lịch ngủ ước tính tăng 8% và đạt mốc 400 tỷ USD từ nay đến năm 2028, theo một nghiên cứu thị trường tại Mỹ. Trên thế giới, các khách sạn đang chạy đua để đưa ra những trải nghiệm giấc ngủ ngon hơn cho du khách.
Tại London, khách sạn The Beaumont có một phòng suite diện tích 69 m2 được thiết kế bởi nghệ sĩ Antony Gormley, nổi bật với những tấm gỗ tối màu, không TV, không sóng điện thoại nhằm bảo đảm cho sự tập trung tối đa cho giấc ngủ.
Ở Ireland, Dromoland Castle đã bổ nhiệm Ryan Logue làm "giám đốc giấc ngủ". Chuyên môn của Logue là tư vấn mọi thứ về giấc ngủ, từ mùi hương hỗ trợ đến nhiệt độ phòng. Năm ngoái, cơ sở này đã nhận danh hiệu "Khách sạn có giấc ngủ tốt nhất" của Tripadvisor.
Các khách sạn thuộc Hyatt ở New Zealand lẫn Australia đều cung cấp dịch vụ ngủ đặc biệt giá 50 USD, bao gồm muối tắm, mặt nạ mắt, trà và dầu thơm đặc biệt. Trong khi đó, The Dylan tại Amsterdam đem đến trải nghiệm ngủ đệm đặc biệt tên FreshBeds. Tấm đệm có thể điều chỉnh nhiệt độ, được trang bị bộ lọc HEPA y tế, đảm bảo không khí sạch. Chỉ riêng tấm đệm này đã có giá tới 16.000 USD, giá thuê phòng là hơn 1.300 USD.
Max Dijkema, Giám đốc Tiếp thị của The Dylan, nói giấc ngủ là một phần của xu hướng sống lành mạnh. Với một giấc ngủ ngon, con người có thể nghỉ ngơi và chăm sóc bản thân nhiều hơn. Giấc ngủ khi du lịch cũng đang trở thành mô hình kinh doanh toàn diện, từ huấn luyện viên chăm sóc giấc ngủ, xịt phòng, nội thất độc quyền đến lựa chọn giường tốt nhất.
"Đó là cách tiếp thị thông minh khi đáp ứng vấn đề nhiều người mắc phải về giấc ngủ", Dijkema nói. Với dịch vụ này, khách sạn có thể bán nhiều dịch vụ từ thiết bị kỹ thuật, liệu pháp chăm sóc và hợp tác thêm với những nhà sản xuất giường. Không chỉ lợi nhuận, dịch vụ ngủ còn giúp nâng cao hình ảnh của khách sạn.
Trong khi các khách sạn đầu tư vào chăm sóc giấc ngủ, Floris Wouterson, chuyên gia về giấc ngủ, chia sẻ không nên nhìn nhận các dịch vụ khách sạn đưa ra là "giải pháp cho mọi vấn đề về giấc ngủ". Theo Wouterson, khách hàng chỉ nên xem các dịch vụ đó như công cụ hỗ trợ thay vì giải pháp.
"Không nên để xảy ra việc ngủ ở khách sạn ngon hơn ở nhà. Điều đó có nghĩa căn nhà còn nhiều vấn đề cần giải quyết", Wouterson nói nhưng cũng nhấn mạnh "thật tốt vì nghỉ ngơi trên giường trở thành vấn đề đáng quan tâm khi đặt khách sạn".