Nạn nhân bạo lực học đường thành kỷ lục gia chạy 1.000 chặng marathon
Từng bị bắt nạt khi còn đi học, Steve Edwards lấy đó làm động lực để hoàn thành 1.000 chặng marathon trong 43 năm.
Sinh ra với cánh tay trái biến dạng, Edwards bị châm chọc và bắt nạt suốt nhiều năm thời còn đi học. Nhưng đến năm 1981, ở tuổi 18, một khoảnh khắc vô tình đã làm thay đổi cuộc đời ông, khi Edwards nhìn thấy tấm poster dán trên tường một phòng gym tại thành phố Coventry, Anh, quảng cáo cho một sự kiện marathon tại địa phương.
Dù chỉ có năm tuần tập luyện, Edwards đạt thành tích đáng nể ngay lần chạy marathon đầu đời: 3 giờ 38 phút. Ngày hôm sau, ông rời khỏi giường với đôi chân tê cứng và không thể đi lại bình thường suốt một tuần. Lúc ấy, Edwards đã thề không bao giờ chạy marathon lần nào nữa.
Nhưng ông nhanh chóng quên lời thề đó. Trong làn sóng nở rộ của môn chạy bộ ở Anh những năm 1980, Edwards từ bỏ lớp học kungfu và hào hứng gia nhập một câu lạc bộ chạy. Trong hơn bốn thập kỷ tiếp theo, Edwards chinh phục vô số kỷ lục thế giới và được cộng đồng chạy bộ thế giới đặt biệt danh "Bố già".
Thực tế, Edwards đã chạy một cuộc marathon mỗi 13 ngày trong 36 năm qua, với tổng quãng đường hơn 41.800 km, tức là dài hơn chu vi trái đất. Trên thế giới, chỉ có khoảng hơn 50 người từng hoàn thành 50 chặng marathon, nhưng tất cả đều với thời gian trung bình trên 4 tiếng, trừ Edwards.
Ngày 5/5 vừa qua, Edwards chạm mốc 1.000 chặng marathon khi hoàn thành Milton Keynes Marathon và thành tích trung bình của ông chỉ là 3 giờ 21 phút 47 giây. Sau khi về đích, ông được tổ chức kỷ lục thế giới Guinesss trao bằng chứng nhận.
Một điều đáng kinh ngạc khác là Edwards chưa từng bỏ cuộc (DNF) trong suốt cuộc đời chạy marathon của ông. Nhớ lại thời còn là một cậu thiếu niên nhút nhát, cựu nhân viên IT ở vùng Longborough nói: "Vì bị bắt nạt, tôi lớn lên và luôn tự nhủ bản thân có thể vượt qua mọi thử thách. Chạy bộ mang lại cho tôi sự tự tin mà suốt nhiều năm tôi không thể có ở trường học. Bây giờ, tôi bền bỉ và có phần cứng đầu".
Năm 2010, sau khi hoàn thành chặng marathon thứ 500, Edwards từng định dừng lại vì kiệt sức. Nhưng trên đường về nhà, ông nói với vợ rằng vẫn còn cảm thấy một chút động lực trong người. Edwards từng hy vọng chạm mốc 1.000 chặng marathon trong năm 2022, nhưng không thể toại nguyện vì ảnh hưởng của Covid-19. Điều này khiến ông có phần chán nản. Dù vẫn tập luyện, trong đó có 6 ngày nâng tạ trong một tuần, cơ thể Edwards không thể hồi phục như trước dịch. Một lần nữa, ông phải vượt qua suy nghĩ dừng lại.
"Mọi người nghĩ tôi là cái máy. Nhưng đôi khi ra khỏi giường, bước những bước đầu tiên vào nhà vệ sinh hay đi lấy một tách trà, tôi cảm thấy như mình chẳng thể chạy nổi một hay hai kilomet, chứ đừng nói đến 42 kilomet. Bây giờ, tôi phải mất vài kilomet đầu để tìm thấy nhịp độ và cũng thường lo lắng trước cuộc đua", ông chia sẻ.
Edwards chọn Milton Keynes Marathon là chặng marathon thứ 1.000 và cuối cùng trong đời vì ông chạy ở đây nhiều hơn bất cứ nơi nào. Lần chạy này, ông có thêm mục đích gây quỹ cho Viện dưỡng lão của Kate, một cơ sở chăm sóc người già địa phương nơi vợ ông từng làm việc. Kết quả, Edwards đã gây quỹ được 12.500 USD.
Edwards nghẹn ngào, rơi nước mắt lúc được hỏi về cảm xúc sau khi hoàn thành Milton Keynes Marathon. Ông tin rằng bản thân vẫn có thể kìm nén cảm xúc ở hiện tại. Nhưng vào ngày mai, khi thức dậy và biết bản thân sẽ không bao giờ chạy marathon nữa, có lẽ ông sẽ rất xúc động. Edwards nói ông đã hứa với vợ Teresa, là sẽ không bao giờ tham gia các thử thách nữa.
"Trong suốt cuộc đời, khẩu hiệu của tôi là đừng bao giờ đánh giá thấp tiềm năng của bạn và hãy theo đuổi giấc mơ. Tôi sinh ra với cánh tay dị dạng, bị bắt nạt và bị gạt ra ngoài lề, nhưng khi chạy bộ, khi đứng trước vạch xuất phát với hàng nghìn người khác, việc bạn là ai không còn quan trọng. Mọi người đều tôn trọng lẫn nhau bằng một sự cảm thông với những gì bạn sắp trải qua trong cuộc đua", runner 61 tuổi đúc kết.