Thời điểm "vàng" để ăn sữa chua không phải ai cũng biết
Sữa chua là món ăn hằng ngày quen thuộc được nhiều người ưa thích vì dễ ăn, thơm ngon cùng nhiều lợi ích cho sức khỏe. Nhưng nếu biết ăn sữa chua đúng thời điểm “vàng” thì lợi ích mà nó mang lại còn được phát huy ở mức tối đa.
Theo BS Đinh Minh Trí (Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh), sữa chua có giá trị dinh dưỡng cao, chứa đầy đủ các chất protein (với nhiều axit amin cần thiết, nhất là lysin), glucid, lipid, các muối khoáng (nhất là canxi) và vitamin, chủ yếu là vitamin nhóm B và A.
Điểm quý của sữa chua là ngoài giá trị dinh dưỡng còn có giá trị hỗ trợ chữa bệnh tốt, nhất là các bệnh về đường ruột.
Giá trị dinh dưỡng tuyệt vời
Cân bằng hệ vi khuẩn trong ruột: Sữa chua rất có hiệu quả trong việc lập lại cân bằng hệ vi khuẩn trong ruột, nhất là trong trường hợp lạm dụng hoặc sử dụng kháng sinh không đúng. Kháng sinh sẽ làm mất cân bằng hệ vi khuẩn trong ruột nên cơ thể rất dễ nhiễm bệnh.
Tuy nhiên, việc bổ sung cần được tiến hành ngay đợt sử dụng kháng sinh chứ không phải trong khi sử dụng kháng sinh vì kháng sinh và men vi sinh hoặc sữa chua sẽ "công" nhau: trong khi kháng sinh đang tìm cách tiêu diệt vi khuẩn thì men vi sinh lại làm việc ngược lại là cung cấp thêm lợi khuẩn cho đường ruột, làm cản trở quá trình tiêu diệt vi khuẩn của kháng sinh.
Cung cấp lượng lớn các vi khuẩn có lợi: Như Lactobacillus Acidophilus và Bifido Bacterium, giảm bảo vệ hệ tiêu hóa, tăng cường sức đề kháng.
Có một số vi khuẩn trong sữa chua còn tạo ra kháng sinh có khả năng diệt các vi khuẩn có hại trong ruột.
Sữa chua đặc biệt thích hợp với người già, trẻ em, người mới ốm dậy, nhất là những người mắc bệnh về tiêu hóa.
Cải thiện sình hơi, đầy bụng: Đối với người bị đau dạ dày thường phải dùng thuốc kháng axit nên vi khuẩn sinh hơi sẽ dồn lên, làm bụng trở nên ấm ách rất khó chịu.
Nếu ăn sữa chua trong trường hợp này giúp cho bụng hết sình hơi, ấm ách là nhờ khí được đẩy xuống và tính axit được phục hồi.
Ngoài ra, sữa chua rất giàu canxi, một khoáng chất cần thiết cho răng và xương khỏe mạnh.
Chỉ một cốc sữa chua là có thể cung cấp 49% nhu cầu canxi hằng ngày của bạn. Sữa chua cũng chứa nhiều vitamin B, đặc biệt là vitamin B12 và riboflavin, cả hai đều giúp ngăn ngừa bệnh tim và một số dị tật bẩm sinh ống thần kinh.
Ăn sữa chua đúng cách là thế nào?
Sữa chua tốt cho sức khỏe, tuy nhiên, để tận dụng được mặt lợi của nó tùy thuộc rất nhiều vào cách sử dụng của mỗi người.
BS Nguyễn Tiến Tuấn (Viện Dinh dưỡng quốc gia) khuyến cáo không nên sử dụng sữa chua trong các trường hợp sau:
- Không nên ăn lúc đói, lúc no: Không nên dùng sữa chua ngay trước, sau bữa ăn, bởi nếu ăn sữa chua vào lúc đói thì men lactic dễ bị hủy hoại và tác dụng của sữa chua sẽ mất đi rất nhiều.
Độ pH thích hợp để men lactic sinh trưởng và phát triển tốt là 4 - 5 trở lên; còn dịch vị trong dạ dày lúc đói có độ pH từ 2 trở xuống nên các vi khuẩn lactic có trong sữa chua sẽ bị tiêu diệt. Tốt nhất chỉ nên sử dụng sữa chua trong vòng 1-2 giờ sau bữa ăn.
- Không ăn sữa chua và uống thuốc cùng lúc: Các vi khuẩn lactic có trong sữa chua sẽ bị tiêu diệt. Tốt nhất sau khi uống thuốc từ 2-3 giờ mới nên ăn sữa chua.
- Không nên đun nóng: Sữa chua thường phải bảo quản trong tủ lạnh, nhiệt độ thấp, vì vậy để bảo đảm tác dụng của sữa chua, nếu sợ trẻ bị viêm họng do ăn sữa chua lạnh, cần lấy sữa chua ra khỏi tủ bảo quản trước giờ ăn 15 - 30 phút.
Tuyệt đối không đun nóng sữa chua vì làm mất tác dụng hữu ích và hương vị ngon lành của sữa chua.
Ngoài ra, khi mua sữa chua phải xem hạn dùng còn dài mới mua. Về nhà phải cho ngay sữa chua đặc vào tủ lạnh để bảo quản.
Người bị viêm họng nên lấy sữa chua ra khỏi tủ lạnh để cho đỡ lạnh rồi mới ăn.
Người bị tiểu đường, xơ cứng động mạch, viêm túi mật, viêm tuyến tụy và thừa cân tốt nhất ăn sữa chua không đường. Sau khi ăn sữa chua cần súc miệng và đánh răng thật sạch để tránh các vi khuẩn lactic trong sữa chua còn sót lại làm hỏng men răng.
Thực phẩm nên tránh ăn cùng sữa chua
Không phải lúc nào kết hợp sữa chua với các loại thực phẩm cũng là lựa chọn tốt. Việc ăn sai cách có thể dẫn đến những vấn đề không mong muốn đối với sức khỏe. Các chuyên gia dinh dưỡng khuyến nghị 4 loại thực phẩm không nên ăn cùng sữa chua:
Thực phẩm nhiều dầu mỡ: Các món chiên rán, tẩm bột, nhất là khoai tây chiên phô mai, đều chứa nhiều dầu mỡ. Khi ăn cùng với sữa chua, quá trình tiêu hóa có thể bị chậm lại, gây ra cảm giác đầy bụng và khó tiêu.
Sữa tươi: Việc kết hợp sữa chua và sữa tươi có thể dẫn đến tiêu chảy, ợ chua và chướng bụng. Do cả hai đều chứa nhiều protein động vật và chất béo.
Cá: Cả sữa chua và cá đều chứa protein cao. Việc ăn cùng nhau có thể gây ra vấn đề về tiêu hóa và da, đặc biệt là khi ăn sữa chua ngay sau khi ăn cá.
Trái cây có tính acid: Mặc dù thường được kết hợp với sữa chua, nhưng trái cây như cam, quýt... cũng có thể gây thừa acid trong cơ thể, không tốt cho hệ tiêu hóa.