Mống mắt sẽ được thu nhận thế nào khi làm thẻ căn cước từ 1/7?
Theo quy định của Luật Căn cước có hiệu lực từ 1/7, ngoài thông tin sinh trắc học về khuôn mặt và vân tay, cơ quan công an sẽ thu nhận thêm thông tin về mống mắt với người dân khi đi làm căn cước mới.
Mống mắt sẽ được thu nhận tại cơ quan công an
Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06, Bộ Công an) cho biết tại Luật Căn cước mới đã quy định rõ việc thu nhận thông tin sinh trắc học về mống mắt.
Theo đó, người tiếp nhận thu nhận thông tin nhân dạng và thông tin sinh trắc học gồm ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt của người cần cấp thẻ căn cước. Việc thu nhận thông tin sinh trắc học sẽ được cơ quan quản lý căn cước tiến hành thu thập khi người dân làm thủ tục đề nghị cấp lại, cấp đổi, cấp mới căn cước.
Cùng với đó, theo Luật Căn cước, cơ quan quản lý căn cước không thu nhận thông tin nhân dạng và thông tin sinh trắc học đối với người dưới 6 tuổi. Việc thu nhận này chỉ thực hiện với người từ đủ 6 tuổi trở lên.
Người từ đủ 6 tuổi đến dưới 14 tuổi cùng người đại diện hợp pháp đến cơ quan quản lý căn cước để thu nhận thông tin nhân dạng và thông tin sinh trắc học theo quy định. Người đại diện hợp pháp của người từ đủ 6 tuổi đến dưới 14 tuổi thực hiện thủ tục cấp căn cước thay cho người đó.
Tính chính xác cao, giúp xác thực thông tin mỗi cá nhân
Mống mắt là bộ phận bao gồm các đường vân rất phức tạp tạo thành một cấu trúc riêng biệt. Vì vậy, mống mắt của mỗi người là duy nhất và thường không thay đổi theo thời gian.
Theo đại diện C06, việc thu thập thông tin sinh trắc học mống mắt để làm cơ sở đối soát, xác thực thông tin của mỗi cá nhân. Hỗ trợ trong những trường hợp không thu nhận được vân tay của một người, trong các trường hợp khuyết tật, vân tay bị biến dạng...
Việc thu nhận thông tin về mống mắt giúp nhanh chóng cung cấp thông tin để xác thực cá nhân với độ chính xác cao qua các thiết bị không yêu cầu tiếp xúc vật lý.
Nhận dạng mống mắt được sử dụng như một trong những phương pháp thu thập dữ liệu sinh trắc học cần thiết để cấp số định danh cá nhân là duy nhất. Có thể xác thực chính xác và nhanh chóng ngay cả khi không có căn cước.
Do đó việc thu nhận thông tin về mống mắt giúp việc xác thực cá nhân bảo đảm tính chính xác cao, dễ dàng trong việc thực hiện, triển khai các ứng dụng để phục vụ công tác quản lý, phòng chống tội phạm và phát triển kinh tế số, công dân số.
Dữ liệu về mống mắt có khả năng chính xác cao, rất phù hợp với xu hướng chuyển đổi số trên thế giới và Việt Nam hiện nay khi các giao dịch điện tử được mở rộng, dữ liệu về mống mắt sử dụng cho các thiết bị thông minh được trang bị các camera, tránh các trường hợp giả mạo khuôn mặt, video giả mạo khi định danh, xác thực cho các giao dịch.
Kết hợp với các yếu tố sinh trắc như khuôn mặt, dữ liệu sinh trắc là cơ sở triển khai hiệu quả Luật Giao dịch điện tử (với các thiết bị di động hiện nay rất ít được trang bị mô đun xác thực vân tay) nên việc thu thập thông tin sinh trắc bắt buộc là phù hợp với xu hướng chuyển đổi số hiện nay.
ADN, giọng chỉ thu thập khi người dân tự nguyện cung cấp
Đại diện C06 nêu rõ Luật Căn cước quy định thông tin sinh trắc học về ADN và giọng nói được thu thập khi người dân tự nguyện cung cấp.
Hoặc cơ quan tiến hành tố tụng hình sự, cơ quan quản lý người bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính trong quá trình giải quyết vụ việc theo chức năng, nhiệm vụ có thực hiện trưng cầu giám định hoặc thu thập được thông tin sinh trắc học về ADN, giọng nói của người dân thì chia sẻ cho cơ quan quản lý căn cước để cập nhật, điều chỉnh vào Cơ sở dữ liệu căn cước.
Như vậy, cơ quan quản lý căn cước chỉ tiến hành thu thập thông tin ADN, giọng nói khi người dân tự nguyện cung cấp trong quá trình người dân thực hiện thu nhận hồ sơ căn cước.
Việc cập nhật thông tin, dữ liệu sinh trắc học về ADN, giọng nói vào Cơ sở dữ liệu căn cước được thực hiện thông qua việc các cơ quan có chức năng kết nối, chia sẻ thông tin cho cơ quan quản lý căn cước.