Định giá đất phải rõ ràng, không để biến động "nóng"
Theo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, quy định về giá đất bảo đảm khách quan, minh bạch, điều hòa nguồn thu từ đất cho Nhà nước, người dân, doanh nghiệp, cân đối chi phí đầu vào cho các dự án phát triển kinh tế-xã hội.
Ngày 8/5, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì hội nghị trực tiếp kết hợp trực tuyến với 63 địa phương để lấy ý kiến về dự thảo Nghị định quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; dự thảo Nghị định quy định về giá đất.
Tại hội nghị, Phó Thủ tướng cho biết Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản chỉ đạo các bộ, ngành khẩn trương xây dựng văn bản hướng dẫn chi tiết, bảo đảm đủ điều kiện để Quốc hội xem xét, cho phép Luật Đất đai năm 2024 có hiệu lực vào ngày 1/7/2024 (sớm hơn 5 tháng so với trước đó, là ngày 1/1/2025).
Theo đó, Luật Đất đai năm 2024 có nhiều chủ trương, chính sách mới, đột phá nên các địa phương, doanh nghiệp, nhân dân mong muốn luật sớm đi vào cuộc sống. Trong đó, quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất là chính sách quan trọng, nhạy cảm nhằm bảo đảm công bằng, an sinh xã hội.
Người dân được tham gia, hưởng lợi trong quá trình phát triển, hài hòa lợi ích của các bên khi thực hiện dự án. Quy định về giá đất bảo đảm nguyên tắc khách quan, minh bạch, điều hòa nguồn thu từ đất cho Nhà nước, người dân, doanh nghiệp, không để giá đất biến động "nóng," cân đối chi phí đầu vào cho các dự án đầu tư phát triển kinh tế-xã hội.
Tiếp thu các ý kiến tại cuộc họp, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục làm việc với các địa phương, chuyên gia, hiệp hội bất động sản... nhằm làm rõ cơ sở lý luận, thực tiễn, tính khả thi trong áp dụng chính sách, phương pháp mới về định giá đất, bảo đảm rõ ràng, đơn giản, mạch lạc để bảo vệ người làm công tác định giá.
Trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, Phó Thủ tướng yêu cầu, các chính sách phải nhất quán, công bằng, có sự điều tiết của Nhà nước, không bỏ sót đối tượng; kịp thời thể chế hóa quy định, kinh nghiệm thực tiễn đã được chứng minh là đúng đắn, hiệu quả.
Phó Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Tài chính rà soát, làm rõ phạm vi điều chỉnh của các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai năm 2024, tuân thủ đúng theo cấp thẩm quyền đã được giao, không bỏ sót hay chồng chéo, trùng lặp. Các địa phương, hiệp hội bất động sản huy động doanh nghiệp, chuyên gia độc lập tham gia đóng góp ý kiến, phản biện và đề xuất phương án bảo đảm đảm các quy định rõ ràng, khả thi, thông suốt.
Trước đó, báo cáo tại hội nghị, Thứ trưởng Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân cho biết việc ban hành Nghị định quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất để hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai năm 2024 là cần thiết, bảo đảm có hiệu lực đồng thời với thời điểm có hiệu lực của Luật Đất đai năm 2024 theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Dự thảo Nghị định quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất gồm 3 Chương, 36 Điều.
Bên cạnh đó, Luật Đất đai năm 2024 giao Chính phủ quy định chi tiết 4 nội dung: nguyên tắc, căn cứ, phương pháp định giá đất; bảng giá đất; giá đất cụ thể; điều kiện hành nghề tư vấn xác định giá đất của định giá viên hoặc thẩm định viên về giá.
Thực hiện quy định, dự thảo Nghị định quy định về giá đất gồm 6 Chương (quy định chung; phương pháp định giá đất; bảng giá đất; định giá đất cụ thể; tư vấn xác định giá đất; điều khoản thi hành), 44 Điều.
Tại hội nghị, đại diện các bộ, ngành, địa phương tập trung thảo luận một số nội dung về việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với từng tổ chức, hộ gia đình, cá nhân; bồi thường bằng đất có mục đích sử dụng khác với loại đất thu hồi hoặc bằng nhà ở; các trường hợp khác được bồi thường về đất và điều kiện được bồi thường về đất; đối tượng được hỗ trợ ổn định đời sống.
Một số địa phương quan tâm đến nội dung liên quan đến đối tượng được hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm; việc bố trí tái định cư cho người tự nguyện tặng cho Nhà nước quyền sử dụng đất để thực hiện các dự án giao thông, thủy lợi, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; bố trí tái định cư cho người có đất ở bị thu hồi trong thửa đất có nhà ở mà có nhu cầu tái định cư tại chỗ; đối tượng được ghi nợ tiền sử dụng đất khi được giao đất tái định cư; chi phí bảo đảm cho việc tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Đối với dự thảo Nghị định quy định về giá đất, một số đại biểu thảo luận và cho ý kiến về việc ưu tiên nguồn thông tin khi lựa chọn thửa đất so sánh khi áp dụng phương pháp so sánh; cách tính lợi nhuận của nhà đầu tư khi áp dụng phương pháp thặng dư; việc áp dụng phương pháp định giá đất cho các trường hợp chuyển tiếp; lựa chọn tổ chức thực hiện định giá đất; trình tự, nội dung xây dựng bảng giá đất; trình tự, nội dung định giá đất cụ thể...