Lao động - Việc làm

Hiểm nguy nghề thủy thủ

TƯỜNG VY 11/05/2024 05:30

Nghề thủy thủ được xếp vào hàng các nghề nguy hiểm bởi người làm nghề luôn phải đối mặt với nhiều rủi ro khi lênh đênh trên biển, có khi phải đánh đổi bằng cả tính mạng. Dù vậy, nhiều thủy thủ ở Hải Dương vẫn gắn bó với nghề này.

a-thuat-ok-1-.jpg
Anh Trần Văn Thuật làm nhiệm vụ trên tàu (ảnh nhân vật cung cấp)

Ám ảnh...

Khác với nhiều bạn bè cùng trang lứa chọn công việc ổn định, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Hàng hải, anh Trần Văn Thuật, quê ở xã Tuấn Việt (Kim Thành) lại lựa chọn nghề thủy thủ với những tháng ngày lênh đênh trên biển.

Với hợp đồng đi biển thường kéo dài từ 4 - 5 tháng hoặc 9 -10 tháng, các thủy thủ như anh Thuật phải sống trên tàu nhiều hơn ở nhà. Những mối lo sóng gió, biển động, bệnh tật giữa biển với các anh đã trở nên bình thường. "Lên tàu là phải thích nghi. Có khi gặp bão lớn, gió cấp 12 - 13 khiến đồ đạc trên tàu bị xáo trộn, nhất là khi qua mũi Hảo Vọng vùng biển Nam Phi, thời tiết thay đổi bất thường, sóng lớn. Tàu mà không có hàng có thể bị sóng đánh chìm bất cứ lúc nào”, anh Thuật cho biết. Khi đó, anh em không ăn uống nổi nhưng vẫn phải giữ vững vị trí vận hành buồng máy - trái tim của con tàu. Hiện anh Thuật đảm đương vị trí máy nhất, làm cho các tàu hàng nước ngoài đi các nước khu vực Đông Nam Á, châu Phi, châu Mỹ...

Có lẽ, nỗi lo lớn nhất với những người làm thủy thủ là gặp cướp biển. Tuyến đường từ Ấn Độ Dương đi vào Biển Đỏ, qua kênh đào Suez vào châu Âu, từ xưa đến nay vẫn là nỗi ám ảnh với các tàu hàng về nạn cướp biển. Trong chuyến đi Nga vừa qua, vào giữa tháng 3, khi qua vùng Biển Đỏ, tàu của anh Thuật đã chạm mặt với cướp biển Somalia vô cùng manh động. “Chúng bố trí một vài xuồng nhỏ áp sát tàu hàng. Rất may tàu của chúng tôi luôn bảo đảm độ mớn nước từ 10 - 15 m, chúng không thể quăng dây và trèo lên tàu”, anh Thuật nói.

Ngoài việc thuê lực lượng bảo vệ an ninh khi đi qua vùng có cướp biển, các thuyền viên còn được huấn luyện kỹ năng ứng phó với tình huống khẩn cấp. Do đó, tàu của anh Thuật đã nhanh chóng “cắt đuôi” bọn cướp biển. “Với vị trí làm quản lý, trong lúc đó, tôi đã phải trấn an tinh thần cho anh em, đề ra sách lược cho thuyền trưởng và máy trưởng. Nếu để cướp biển có cơ hội lên tàu, các thuyền viên có thể bị bắt làm con tin, khống chế để đòi tiền chuộc”, anh Thuật cho biết.

Đầu tháng 3 vừa qua, vùng quê Huề Trì, phường An Phụ (Kinh Môn) kinh động bởi câu chuyện tàu hàng bị tấn công trên Biển Đỏ. Thuyền viên tàu hàng Nguyễn Văn Tảo, người con quê hương đã may mắn trở về lành lặn. Khi qua vùng chiến sự, tàu hàng của anh đã trúng tên lửa từ lực lượng Houthi. Lúc đó, anh Tảo vừa chợp mắt nghỉ trưa, nghe tiếng nổ lớn, giật mình tỉnh dậy, anh thấy khói lửa bốc lên ngùn ngụt. Chẳng nghĩ được nhiều, anh vơ vội chiếc áo rồi thoát thân qua tấm cửa sổ vì cửa chính bị kẹt. Anh may mắn trở về, còn đồng nghiệp của anh quê Hải Phòng đã ra đi mãi mãi.

Ngoài nạn cướp biển, nguy hiểm khi tàu qua vùng chiến sự, các thủy thủ còn hằng ngày đối mặt các rủi ro tai nạn lao động, nỗi nhớ nhà canh cánh, xa vợ con, nỗi lo cha mẹ ốm đau mà không có mình ở bên chăm sóc.

... nhưng nhiều thú vị

an-tet.jpg
Các thuyền viên chụp ảnh lưu niệm, ăn Tết Nguyên đán trên tàu (ảnh nhân vật cung cấp)

Dù áp lực, vất vả và nguy hiểm nhưng thủy thủ là một nghề mang lại nguồn thu nhập cao. Anh Đặng Tiến Dũng, một thợ máy tàu viễn dương quê ở xã Chí Minh (Tứ Kỳ) cho biết, tùy từng vị trí, các thủy thủ Việt Nam có mức thu nhập từ 30-150 triệu đồng/tháng. Đây là mức thu nhập cao so với các công việc khác. Với mức thu nhập này, các thủy thủ có thể gửi về phụ giúp gia đình trang trải cuộc sống, xây nhà và sắm sửa đồ dùng.

Ngoài chuyện thu nhập, nghề thủy thủ còn mang lại cho các thuyền viên nhiều trải nghiệm thú vị. Anh Trần Quang Khải, quê ở huyện Ninh Giang, thuyền viên của Công ty TNHH một thành viên Cung ứng nhân lực Vosco - VCSC (Hải Phòng) đã đi khoảng 30 nước trên thế giới. “Trong mỗi hành trình, khi cập cảng, chúng tôi đều có thời gian lên bờ ngắm cảnh, mua sắm. Được đi nhiều nơi, tiếp xúc nhiều nền văn hóa giúp chúng tôi biết nhiều hơn, tích lũy thêm cho mình những kinh nghiệm sống” anh Khải nói.

Thời gian trên tàu, ngoài những lúc làm việc, các thuyền viên còn có những phút giây được “phiêu” với biển cả. “Cảm giác đó, ở trên đất liền không có được. Đó là phút giây thư giãn cùng cây đàn ghi ta, hát các ca khúc về tuổi trẻ Việt Nam, đánh dấu nơi ta đã đi qua trên bản đồ thế giới để thêm yêu Tổ quốc mình", anh Thuật cho biết thêm. Đó còn là những phút giây thả mồi câu những chú cá tươi ngon từ biển cả, làm bữa ăn chiều ngay trên boong tàu. Hay đơn giản là lúc tranh thủ có mạng internet để gọi về thăm hỏi gia đình…

Được làm việc trên tàu với nhiều người nước ngoài, các thủy thủ luôn ý thức nâng cao trình độ ngoại ngữ, phong cách làm việc chuyên nghiệp, kỷ luật, bởi những rủi ro trên mỗi hải trình rất khó lường…

Trên hải trình, các con tàu phải chịu sự điều chỉnh của nhiều hệ thống luật pháp: pháp luật của nước tàu treo cờ, của nước có cảng tàu ghé qua và của nước mà thuyền viên mang quốc tịch. Thêm vào đó là một loạt quy định của các Công ước Hàng hải quốc tế, của các công ty chủ tàu, thuê tàu và đại lý thuyền viên… Điều đó cũng giúp các anh rèn luyện kỷ luật và phong cách làm việc chuyên nghiệp mang tầm quốc tế.

Có lẽ do yêu cầu cao, nghiêm ngặt nên hầu hết các thuyền viên tàu vận tải đều học các hệ cao đẳng và đại học hàng hải. Ngay từ khâu dự tuyển, tất cả thí sinh dự thi vào các khoa liên quan đến tàu biển bắt buộc phải đáp ứng được các tiêu chuẩn về thể lực, chiều cao, thị giác và tim mạch. Khi đã trúng tuyển, sinh viên không đủ điều kiện sẽ bị chuyển ngành trên bờ. Hiện nay, nghề thủy thủ không chỉ dành riêng cho nam giới mà còn có cả nữ đảm nhận.

TƯỜNG VY