Chủ tịch Trung Quốc phản đối một hội nghị hòa bình Ukraine đơn phương
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định bất kỳ cuộc đối thoại hòa bình nào cũng cần phải được cả Nga và Ukraine công nhận.
Theo kênh truyền hình RT, trong một tuyên bố ngày 6/5 khi đang có chuyến công du tới Pháp, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bày tỏ ông sẽ ủng hộ một hội nghị hòa bình Ukraine quốc tế nếu như hội nghị đó được Moskva và Kiev công nhận và có sự tham gia bình đẳng từ các bên.
Trước đó, Thụy Sĩ thông báo đã mời hơn 160 quốc gia tới dự một hội nghị tìm ra giải pháp cho xung đột Ukraine theo yêu cầu của Tổng thống Volodymyr Zelensky. Hội nghị dự kiến tổ chức vào ngày 15-16/6 tại khu nghỉ dưỡng Burgenstock. Các phái đoàn tham dự đến từ các nước thành viên G7, G20, BRICS, EU.
Trong cuộc gặp với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại Paris ngày 6/5, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh Bắc Kinh đang đóng “vai trò tích cực” trong việc cố gắng tìm kiếm một giải pháp hòa bình.
Ông Tập Cận Bình lưu ý cần có sự tham gia bình đẳng của tất cả các bên và thảo luận công bằng về tất cả các kế hoạch hòa bình.
Từ lâu Trung Quốc luôn hối thúc các cuộc đàm phán hòa bình giữa Ukraine và Nga, đồng thời hồi tháng 2/2023, nước này cũng đã giới thiệu một kế hoạch hòa bình 12 điểm nhằm chấm dứt tình trạng giao tranh sau một năm xung đột. Sáng kiến bao gồm lời kêu gọi chấm dứt chiến tranh, tình trạng thù địch, nối lại đàm phán hòa bình, từ bỏ “tâm lý Chiến tranh Lạnh” và tôn trọng chủ quyền của tất cả các quốc gia.
Về phần mình, Moskva gọi hội nghị do Thụy Sĩ đề xuất là “vô nghĩa” và cho biết họ sẽ không tham gia, ngay cả khi được mời.
Trái ngược với đề xuất chấm dứt giao tranh của Bắc Kinh, công thức hòa bình 10 điểm của Kiev – được Tổng thống Zelensky đưa ra lần đầu vào mùa thu năm 2022 – yêu cầu lực lượng Nga rút hoàn toàn và vô điều kiện khỏi tất cả các vùng lãnh thổ của Ukraine, Moskva trả tiền bồi thường. Nga đã bác bỏ các đề xuất này vì cho rằng nó không thực t và là dấu hiệu cho thấy Kiev không sẵn sàng tìm kiếm giải pháp ngoại giao cho cuộc xung đột.