Tôi làm được việc tốt
Chúng tôi đã làm được một việc tốt để bảo vệ môi trường theo lời cô giáo dạy.
Sáng chủ nhật, khi ông mặt trời vén bức màn mây chiếu những tia nắng ấm áp xuống trần gian, cũng là lúc những chú chim sâu lích rích reo vui trong vòm lá ở khu vườn nhà, tôi vươn vai bật dậy, chạy ra sân tập thể dục. Bỗng nghe tiếng bạn Tùng cùng lớp gọi ngoài cổng. Tôi liền chạy vội ra, hỏi:
- Có chuyện gì thế Tùng ơi?
Tùng dựng chân chống của chiếc xe đạp mi ni xuống và bảo:
- Có chuyện gì đâu. Rủ cậu đi chơi thôi.
Nghe Tùng nói vậy, tôi vừa mở cổng cho bạn dắt xe vào vừa càu nhàu:
- Tưởng chuyện gì. Đi chơi sớm thế? Tớ còn chưa ăn sáng.
- Thì cậu cứ ăn đi. Tớ đợi, Tùng nói.
Chủ nhật mà, đi chơi cũng hợp lý. Tôi thầm nghĩ vậy và vội vã làm vệ sinh cá nhân, xin phép bà nội rồi cầm theo hộp sữa và cái bánh mì mà mẹ đã chuẩn bị sẵn cho mình rồi cùng Tùng đi chơi.
Hai đứa vừa đi, vừa nói chuyện vui vẻ. Tôi chia cho Tùng một nửa cái bánh mì và cho bạn uống chung hộp sữa của mình. Khi Tùng rủ ra cánh đồng tìm cỏ gà để chơi chọi gà thì tôi hứng thú lắm. Trò chơi này rất vui, chúng tôi từng chơi mãi mà không biết chán. Khi xe của chúng tôi chạy đến con mương cạnh cánh đồng, bỗng tôi nhìn thấy hai sợi dây điện kéo dài chạy trên rệ cỏ ven đường. Tôi bảo Tùng:
- Ơ này, sao lại có dây điện ở đây nhỉ? Có phải ai đó để quên không?
Tùng dừng xe lại, nhìn ra xa rồi bảo:
- Không phải đâu ông ngố, là mấy người kia đang kích cá đấy!
Nhìn theo tay Tùng chỉ, tôi thấy hai người đàn ông đang lúi húi gần mương nước. Hai đứa tôi lên xe, tiếp tục đạp về phía trước. Càng lại gần, chúng tôi càng nhìn rõ, một người cầm cái cán tre dài nối với hai sợi dây điện kéo dài trên rệ cỏ đang sục sâu phần dẫn điện xuống mương nước, một người tay xách xô, tay cầm vợt đi theo sau. Tôi dừng xe lại, bàn với Tùng:
- Cậu có nhớ cô giáo mình dạy không? Cô bảo phải tuyên truyền để mọi người không sử dụng kích điện bắt cá vì như vậy sẽ làm chết cả cá con, chết cả các loài vi sinh vật có lợi, còn hủy hoại môi trường nữa.
Tùng nhăn nhó:
- Nhỡ họ không nghe lại mắng chúng mình thì sao?
- Mình đã nói đâu mà đã sợ. Mẹ tớ bảo là: “Nói phải củ cải cũng phải nghe. Không sợ đâu".
Nghe tôi nói vậy, Tùng cũng có vẻ xuôi xuôi. Hai đứa chúng tôi lại lên xe, đạp chầm chậm về phía hai người đàn ông đang mải mê kích cá. Đến gần họ, chúng tôi dựng xe gọn vào bên lề đường rồi lên tiếng chào. Thấy chúng tôi chào hỏi lễ phép, hai người đàn ông cũng vui vẻ đáp lời. Ngập ngừng một chút, tôi lên tiếng:
- Các chú ơi, các chú đừng kích điện bắt cá thế này, vừa phá hoại môi trường, vừa rất nguy hiểm đấy ạ!
Người đàn ông cầm kích điện dừng tay trợn mắt nhìn, khiến tôi thấy sợ, mồ hôi túa ra khiến tôi luống cuống.
Chú ấy gằn giọng:
- Ông nhóc, “trứng khôn hơn vịt” à? Đi chỗ khác chơi!
Tôi cố gắng bình tĩnh, tuy giọng đã lạc đi:
- Cháu nói thật đấy ạ! Cô giáo cháu bảo…
Không để em nói hết câu, người đàn ông cầm vợt và xô đã cười ha ha rồi vừa vớt mấy con cá nổi trên mặt nước, vừa bảo:
- Cô giáo cháu bảo gì? Bảo sao nào?
Tôi và Tùng còn chưa kịp nói gì thì thấy chú ấy buông cái vợt, vứt xô cá nhảy tót ra giữa đường, miệng xuýt xoa:
- Úi chà, suýt chết! Mấy thằng ranh độc miệng thế!
Người đàn ông cầm kích, vội nhấc kích khỏi mặt nước, ngoái đầu hỏi:
- Sao thế?
- Điện giật ông ạ! Tê dại hết cả tay. Thôi, thu dây đi. Kiểm tra xem hở chỗ nào?
Nghe thấy vậy, Tùng cũng tranh thủ tuyên truyền:
- Các chú ơi, đây là việc làm rất nguy hiểm, nhỡ ra… mà các chú kích thế cả cá con cũng chết rồi sau này hết cá mất ạ?
- Hai ông ranh con mà hiểu chuyện, nói chí lí phết! Thôi, các chú biết rồi. Không phải nói gì nữa nhé!
Người đàn ông cầm kích điện vừa thu dây, vừa nói với chúng tôi như thế, rồi chú quay sang nói với bạn:
- Đúng là lợi bất cập hại ông ạ! Tưởng bắt cá kiếu này dễ, nhiều, nhanh. Ai dè… thôi, từ mai lại dùng lưới bắt cá cho an toàn nhỉ?
Nhìn theo bóng hai người đàn ông đi xa dần mà tôi và Tùng vui quá! Thế là hôm nay, chúng tôi đã làm được một việc tốt để bảo vệ môi trường theo lời cô giáo dạy.