Văn phòng công chứng, công chứng viên gặp khó vì một số quy định của Luật Công chứng năm 2014
Sáng 7/5, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương làm việc với Sở Tư pháp về tình hình thực hiện Luật Công chứng năm 2014 trên địa bàn tỉnh.
Tại buổi làm việc, các đại biểu Sở Tư pháp nêu một số khó khăn, bất cập hiện nay như việc quy định tên văn phòng công chứng kèm theo tên Trưởng Văn phòng hoặc tên của một công chứng viên hợp danh khác đã gây khó cho văn phòng công chứng và người yêu cầu công chứng.
Luật Công chứng không quy định giới hạn độ tuổi của công chứng viên nên thực tế nhiều công chứng viên tuổi cao, sức yếu nhưng vẫn hành nghề. Quy định công chứng viên chứng nhận nội dung bản dịch là chính xác, không vi phạm pháp luật đã gây khó khăn cho công chứng viên khi họ không thể biết và buộc phải biết tất cả các thứ tiếng mà người yêu cầu công chứng yêu cầu dịch.
Quy định về công chứng, chứng thực hợp đồng, giao dịch còn nhiều bất cập. Một số quy định chế tài xử phạt hành chính đối với hành vi vi phạm trong hoạt động công chứng còn chưa tương xứng, chưa đủ sức răn đe...
Lãnh đạo Sở Tư pháp cùng một số lãnh đạo phòng, văn phòng công chứng kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung quy định của pháp luật thuộc từng lĩnh vực bảo đảm sự thống nhất; tăng cường tập huấn, bồi dưỡng hướng dẫn nghiệp vụ cho công chứng viên. Đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra, đôn đốc văn phòng đăng ký đất đai, chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai trong việc giải quyết thủ tục hành chính về đất đai bảo đảm thời gian theo quy định.
Đồng chí Nguyễn Thị Việt Nga, Tỉnh uỷ viên, Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh đã tiếp thu các ý kiến, kiến nghị của Sở Tư pháp để tổng hợp báo cáo trước Quốc hội vào dự án Luật Công chứng (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 7.
Hải Dương hiện có 25 tổ chức hành nghề công chứng với 2 phòng công chứng và 23 văn phòng công chứng tại các huyện, thị xã, thành phố. Toàn tỉnh có 57 công chứng viên hành nghề tại các tổ chức hành nghề công chứng, tăng 17 người so với năm 2014.